Chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ đại học ngành Luật (bao gồm hệ chuẩn và hệ chất lượng cao) là một trong những CTĐT truyền thống lâu năm của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). CTĐT Luật học được tuyển sinh khóa đầu tiên từ năm 1976, tính đến thời điểm hiện nay Khoa Luật đã đào tạo được 41 khóa sinh viên tốt nghiệp. Năm 2007, Khoa Luật triển khai xây dựng CTĐT chất lượng cao (CLC) ngành Luật đầu tiên trên cơ sở CTĐT cử nhân chuẩn được nâng cao. Đến năm 2017, chương trình CLC đã tuyển sinh được 17 khóa, trong đó, 13 khóa đã tốt nghiệp. Sau 17 năm triển khai thực hiện chương trình, để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 23/2014/TT-BĐGĐT ngày 18/07/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa Luật xây dựng chương trình CLC thu học phí theo điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trên cơ sở nâng cấp, chỉnh sửa, bổ sung CTĐT ngành Luật chuẩn và ngành Luật CLC trước đây thành chương trình cử nhân ngành Luật CLC thu học phí cao nhằm đáp ứng yêu cầu mới của xã hội. Những con số biết nói: - 2018: Năm đầu tiên Khoa Luật, ĐHQGHN tuyển sinh Chương trình Đào tạo CLC đáp ứng Thông tư 23 của Bộ GD & ĐT; - 40: là chỉ tiêu tuyển sinh Chương trình Đào tạo CLC đáp ứng Thông tư 23 năm 2018. - 04: là số lượng tổ hợp xét tuyển vào Chương trình mà sinh viên có thể lựa chọn để đăng ký (A01, D01, D07 và D78). - 04 - 06: là thời lượng của khóa học, sinh viên có thể tốt nghiệp khóa học trong thời hạn từ 4 đến 6 năm hoặc có thể sớm hơn, tùy thuộc điều kiện và khả năng của sinh viên. - 157: là tổng số tín chỉ đào tạo của Chương trình (đã bao gồm các học phần Giáo dục thể chất, Giáo dục an ninh quốc phòng và Kỹ năng mềm); - 14/75: là số học phần chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh; - 12/75: là số học phần khác biệt so với Chương trình đào tạo Luật chuẩn. - 07: là số tín chỉ sinh viên được thực tập trong Chương trình. - 10: là số tín chỉ được dự tính cho 1 Khóa luận tốt nghiệp của sinh viên. - 08: là các Giáo sư - Tiến sĩ tham gia giảng dạy trong Chương trình. - 12: là các Phó Giáo sư - Tiến sĩ tham gia giảng dạy trong Chương trình. - 55: là các Tiến sĩ tham gia giảng dạy trong Chương trình. - 200: là số giảng viên kiêm nhiệm và cộng tác viên (100% có học vị Tiến sĩ) từ các Trường, Học viện, các cơ quan Trung ương, Bộ, Ban ngành tham gia giảng dạy cho tất cả các Chương trình đào tạo của Khoa Luật. - 35,000,000đ: là học phí 1 năm / 01 sinh viên phải đóng. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO CỦA CTĐT CỬ NHÂN CLC NGÀNH LUẬT THEO THÔNG TƯ 23 CỦA BỘ GD&ĐT - Đào tạo cử nhân trong lĩnh vực Luật ở cấp độ nâng cao và chuyên sâu hơn so với CTĐT chuẩn, bao gồm: + Kiến thức nền tảng vững chắc, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu về khoa học pháp lý; + Có các kỹ năng nghề nghiệp thuần thục và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp phù hợp để có thể nghiên cứu, xây dựng, thực thi pháp luật một cách độc lập, sáng tạo; + Có khả năng tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn, tự học tập, nghiên cứu, tích luỹ kinh nghiệm để trở thành các nhà nghiên cứu, giảng dạy luật hoặc các chuyên gia pháp luật. - Ngoài ra, CTĐT CLC ngành Luật còn trang bị cho sinh viên khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành một cách thành thạo để có thể giao tiếp, đọc hiểu các tài liệu bằng tiếng nước ngoài. NHỮNG ĐIỂM ƯU VIỆT CỦA CTĐT CỬ NHÂN CLC NGÀNH LUẬT THEO THÔNG TƯ 23 CỦA BỘ GD&ĐT Tham gia Chương trình đào tạo cử nhân CLC ngành Luật theo Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT tại Khoa Luật, ĐHQGHN sinh viên sẽ được thụ hưởng nhiều ưu việt so với các Chương trình đào tạo khác, cụ thể như sau: - Được chú trọng trang bị khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành Luật một cách thành thạo để có thể giao tiếp, đọc hiểu, nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, tài liệu bằng tiếng Anh - Có lợi thế hơn hẳn so với sinh viên tốt nghiệp cùng khóa trong việc tiếp cận cơ hội việc làm hấp dẫn tại các công ty luật trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và nước ngoài, các cơ quan nhà nước ở trung ương, các trường đại học có đào tạo luật. - Có lợi thế hơn hẳn so với sinh viên tốt nghiệp cùng khóa trong việc tiếp cận cơ hội nhận được học bổng du học nước ngoài ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ Luật ở những nước phát triển và qua đó, càng mở ra càng nhiều cơ hội thăng tiến và thu nhập cho họ trong công việc của mình. - Được tăng cường các học phần tự chọn khối kỹ năng so với CTĐT chuẩn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nhà tuyển dụng. - Sinh viên thuộc CTĐT CLC được khuyến khích nghiên cứu khoa học, tham dự và tham gia vào công tác tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế do Khoa Luật tổ chức. Được tham dự các bài giảng, các buổi nói chuyện chuyên đề của giáo sư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản v.v… để mở rộng kiến thức và trau dồi khả năng sử dụng tiếng Anh học thuật. - Sinh viên thuộc CTĐT CLC được ưu tiên sử dụng các phòng học thông minh được trang bị hiện đại của Khoa Luật và sử dụng các cơ sở vật chất khác của Khoa. NHỮNG VỊ TRÍ CÔNG TÁC NGƯỜI HỌC CÓ THỂ ĐẢM NHIỆM SAU KHI TỐT NGHIỆP Nhóm 1: Làm việc cho các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật như: tòa án, kiểm sát, thi hành án, công an... và các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị-xã hội; Nhóm 2: Hành nghề độc lập hoặc làm việc cho các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý như: văn phòng luật sư, công ty luật, văn phòng công chứng, thừa phát lại, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản, các trung tâm trọng tài thương mại...của Việt Nam và nước ngoài; Nhóm 3: Làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tư cách là các chuyên gia tư vấn pháp luật, chuyên viên, nhân viên pháp chế, quản trị nhân sự, thu hồi nợ...; Nhóm 4: Giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu hoặc đào tạo về pháp luật, hành chính-chính trị như các trường đại học, cao đẳng, trung học, trung tâm, viện nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan. Nhóm 5: Làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế có các hoạt động liên quan đến pháp luật. KHẢ NĂNG HỌC TẬP, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ SAU KHI TỐT NGHIỆP - Có khả năng tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn trong cuộc sống; - Cử nhân ngành Luật có cơ hội học lên bậc học cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) tại các cơ sở đào tạo luật trong và ngoài nước; - Tham gia các khóa đào tạo chức danh tư pháp như Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại... |