ThS. Lê Song LaiCựu sinh viên K35, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước | Với hơn 10 năm học tập liên tục tại các hệ đào tạo của Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1988 - 1998) (bao gồm 2 năm đại học mở rộng (1988 - 1989), 4 năm đại học chính quy tập trung (1990 - 1994) và 4 năm thạc sĩ (1994 - 1998), có lẽ tôi là một trong những sinh viên có thời gian học tập lâu nhất tại Khoa Luật! Cũng nhờ đó mà tôi có may mắn được tận mắt chứng kiến sự phát triển đáng tự hào của Khoa Luật trên cả 3 phương diện: cơ sở vật chất, tài liệu - giáo trình giảng dạy và điều quan trọng hơn cả là đội ngũ cán bộ, giảng viên.Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào Khoa Luật (Lớp Luật KiiKCQ - 1987), trái ngược với những hình dung của tôi trước đó, cơ sở vật chất của Khoa vô cùng khiêm tốn. Khoa chỉ có duy nhất 2 phòng học riêng, với diện tích mỗi phòng khoảng 40 m2, nằm ngay cạnh văn phòng Khoa, tầng 2 nhà D, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi còn nhớ, do mắt kém và được ưu tiên ngồi bàn đầu, nên mỗi lần thầy giáo lau bảng, phấn bảng lại có dịp bay tứ tung và những người ngồi bàn đầu lại được dịp nghiêng ngả để tránh “bão táp sa mạc”! Cả lớp duy nhất chỉ có 2 quạt trần, lúc chạy lúc hỏng, còn điều hòa đương nhiên chẳng dám mơ đến. Đó là chưa kể đến một thực tế là tình trạng thiếu lớp học diễn ra rất căng thẳng, nhất là vào đầu mỗi năm học, do các giảng đường phần lớn là dùng chung với các khoa khác. Có không ít buổi, khi đến lớp thì sinh viên được thông báo chưa có phòng học do trùng lịch học với Khoa khác. | Thầy trò lại tiu nghỉu kéo nhau ra đứng đợi ở hành lang với hy vọng, lớp trước sẽ kết thúc nhanh để còn lại 1-2 tiết cho lớp của Khoa được học! Đến khi trở thành sinh viên hệ chính quy của Khoa (K35 1990 - 1994), tình hình đã được cải thiện đáng kể. Tình trạng “có thầy, có trò nhưng không có phòng học” về cơ bản đã hoàn toàn chấm dứt. Mặc dù, vẫn còn phải lưu lạc đó đây, khi thì học tại giảng đường Khoa Quân sự ở tầng 3 ký túc xá Mễ Trì, khi thì được“tẩm sấy” trong nắng hè oi bức tại dãy nhà 1 tầng mái tôn tại sân bóng, hay cả năm học cuối phải học trong điều kiện “ô nhiễm môi trường” tại giảng đường gần nhà vệ sinh ở góc sân bóng, những sinh viên chúng tôi vẫn luôn chấp nhận hoàn cảnh, chia sẻ và cảm thông với Khoa, tạm thời quên đi những khó khăn của cuộc sống sinh viên để lao vào học tập, mong sớm ra trường và được cầm trên tay tấm bằng cử nhân luật đầy mơ ước của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau những giờ thảo luận, tranh cãi nảy lửa hay buổi thi vấn đáp căng thẳng đến nghẹt thở của môn Luật hình sự của thầy Toản, thầy Chí, là những buổi học đầy ắp tiếng cười của thầy Xuân - môn tâm lý xã hội, hay thầy Mỹ - môn chủ nghĩa duy vật biện chứng... Có thể nói mọi kỷ niệm đẹp đời sinh viên của chúng tôi đã gắn bó với những môi trường học tập như thế. Nói như vậy để thấy khát khao học tập và giảng dạy của sinh viên và giảng viên Khoa Luật luôn cháy bỏng từ những ngày đầu, cho dù điều kiện học tập còn hết sức khó khăn. Cả thầy và trò đều nỗ lực và cố gắng hết mình để từng bước tự khẳng định mình, xây dựng nên truyền thống và uy tín, hình ảnh của Khoa Luật. Nói đến các thế hệ thầy, cô giáo của Khoa Luật, lòng yêu nghề, nhiệt huyết giảng dạy cũng như bề dày kiến thức chuyên môn của các giảng viên đã khơi dậy niềm cảm hứng học tập và nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Cho dù có những khó khăn nhất định trong việc ổn định lịch học, đặc biệt trong những năm đầu mới tái lập do không chủ động về giáo viên, dưới góc độ tích cực, chính sự kết hợp giữa đội ngũ giáo viên thỉnh giảng đông đảo công tác tại các viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ, cơ sở đào tạo và đội ngũ giáo viên cơ hữu của Khoa đã góp phần đem lại một môi trường học thuật đa dạng, bám sát thực tế cuộc sống và rút ngắn khoảng cách giữa công tác đào tạo và hành nghề - điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định đến sự thành công của sinh viên Khoa Luật khi vào đời. Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, Khoa Luật hầu như không có môn học nào có giáo trình riêng. Sinh viên các lớp thậm chí phải nhường nhau để được mua sách vở, tài liệu, giáo trình học tập, chủ yếu của Trường Đại học Luật Hà Nội và các khoa khác trong trường. Tuy nhiên, chỉ sau 4-5 năm, những giáo trình đầu tiên do Khoa chủ động biên soạn và xuất bản đã kịp thời đến tay sinh viên trong sự vui mừng, cảm động và tự hào của sinh viên và thầy, cô giáo. Chúng tôi - những sinh viên thế hệ đầu sau khi tái lập Khoa hiểu rằng những điều cần thiết để tạo nên bản sắc riêng, dấu ấn riêng của Khoa Luật và đặt nền móng cho sự thành công của Khoa Luật trong tương lai đã có. Chỉ còn lại nhiệm vụ của chúng tôi là phấn đấu học tập với kết quả cao nhất để sớm hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một Khoa Luật bề thế, với những sinh viên ưu tú được tuyển chọn kỹ càng sau những kỳ thi đầu vào gắt gao và được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên là các chuyên gia đầu ngành có uy tín và đầy nhiệt huyết. Đến nay, mặc dù ra trường đã hơn 20 năm, tôi vẫn luôn theo dõi từng bước trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của Khoa Luật - nơi tôi đã có gần 10 năm gắn bó. Mong rằng trong một ngày không xa, với cơ sở vật chất khang trang và không ngừng hoàn thiện, với hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy phong phú, đầy đủ và đội ngũ thầy, cô tâm huyết, kinh nghiệm và giàu kiến thức, một lần nữa, chúng tôi sẽ được chứng kiến Khoa Luật “vượt vũ môn” (lần thứ hai, sau khi tái lập) để trở thành Trường Luật - sự kiện đánh dấu bước chuyển mình trên con đường khẳng định vị thế của Khoa trong vai trò là cơ sở đào tạo luật hàng đầu tại Việt Nam. |