TS. Nguyễn Bích Thảo Giảng viên Bộ môn Luật dân sự - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội | Cuối tháng 8 năm 2001, khi còn đang ngất ngây trong niềm vui thi đỗ đại học vào 2 trường (Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi đã phải đối diện với một quyết định khó khăn trong đời: chọn trường nào đây? Trường Đại học Luật Hà Nội có vẻ như là lựa chọn hợp lý đối với tôi: quy mô lớn hơn, được nhiều người biết đến hơn, gần nhà hơn. Tuy nhiên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội lại đưa ra một thông báo hấp dẫn: xét tuyển hệ đào tạo chất lượng cao khóa đầu tiên dành cho những thí sinh trúng tuyển có điểm thi vào đại học cao nhất, sinh viên lớp này được hưởng nhiều ưu tiên như được học các thầy, cô giáo giỏi và có kinh nghiệm, được cung cấp nhiều tài liệu học tập bổ trợ, v.v.. Nếu vào Khoa Luật, tôi sẽ được học chung với các bạn giỏi nhất, được các thầy, cô giáo giỏi trực tiếp giảng dạy, với quy mô lớp học chỉ 20 sinh viên và nhiều ưu đãi khác! Vì vậy, dù quãng đường từ nhà đến Khoa Luật xa gấp đôi so với Trường Đại học Luật Hà Nội, tôi đã quyết định đăng ký vào hệ chất lượng cao của Khoa Luật. Và từ đó đến nay, chưa bao giờ tôi hối hận với quyết định đó của mình. Nếu được chọn lại trường, tôi sẽ vẫn chọn Khoa Luật! | Cái gì đầu tiên bao giờ cũng tươi mới, đầy hứa hẹn và cũng không ít rủi ro, thách thức. Một hệ đào tạo mới cũng như vậy, mới mẻ, háo hức, hăng say, đầy nhiệt huyết đối với cả thầy và trò, mặc dù điều kiện còn rất thiếu thốn, khó khăn. Hai năm đầu tiên, ngoài việc lên lớp như bình thường đối với các bạn cùng khóa, chúng tôi phải học “tăng cường” với thời lượng gấp đôi đối với các môn luật như Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Luật Hiến pháp, Luật hành chính, Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, Lịch sử Nhà nước và Pháp luật thế giới. Phòng học riêng chưa có, lớp học “tăng cường” này cứ di động từ phòng Bộ môn Lý luận - Hiến pháp - Hành chính sang phòng họp của Khoa, thậm chí “nhảy dù” vào bất kỳ phòng nào còn trống. Tài liệu học tập được phô tô và phát hàng chồng dày cộp mà ai nhìn vào cũng phải kinh ngạc, ghen tị, rồi đến hoài nghi “liệu chúng nó có đọc hết không?”. Ngoài giáo trình, các sách chuyên khảo, sách tham khảo, mỗi môn học còn có đề cương môn học chi tiết với đầy đủ các tình huống, bài tập và một bộ tài liệu sưu tầm các bài báo đăng trên các tạp chí luật học chuyên ngành liên quan đến môn học. Thầy, cô nào cũng muốn mang đến điều tốt nhất cho lớp, nên dường như ai cũng muốn biên soạn bộ tài liệu tham khảo dày nhất, ấn tượng nhất. Tôi đã đọc các tài liệu đó, không chỉ với niềm thích thú, đam mê vì được tiếp cận nhiều kiến thức mới, mở rộng, mà còn với nỗi lo nơm nớp sẽ bị hỏi đến khi thi vấn đáp cuối kỳ. Không những được bổ sung tài liệu phong phú, chúng tôi còn được ưu tiên tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị khoa học, nói chuyện chuyên đề ở trong và ngoài Khoa. Lớp chỉ có 20 người, các thầy, cô đều nhớ tên, nhớ mặt chúng tôi. Tôi cảm thấy có sự quan tâm, gần gũi đặc biệt giữa thầy và trò, điều khó có thể có được trong một lớp đông 100 sinh viên. Mỗi giờ học, giờ thảo luận không thể tránh khỏi bị thầy, cô gọi phát biểu nhiều lần. Từ chỗ nhút nhát, e ngại, dần dần chúng tôi trở nên mạnh dạn hơn, thích phát biểu, tranh luận trong lớp hơn, chúng tôi tiến bộ, trưởng thành lên lúc nào không biết. Đi đôi với những quyền lợi, ưu đãi là áp lực lớn đè nặng lên lớp chúng tôi khi các thầy, cô đặt rất nhiều kỳ vọng vào khóa đầu tiên của hệ đào tạo chất lượng cao, khi đến cuối mỗi năm học lại phải ngậm ngùi chia tay với một số bạn trong lớp bị loại ra vì bị điểm thấp và nhường chỗ cho các bạn lớp khác có điểm cao hơn vào thay thế. Một cuộc cạnh tranh gay gắt và quyết liệt, giống như “lên hạng” và “xuống hạng” trong bóng đá, nhưng tôi thích cơ chế đó. Các bạn lớp khác vẫn luôn có cơ hội vào lớp chất lượng cao, dù năm thứ nhất khi đỗ vào trường các bạn chưa may mắn có điểm thi đại học cao. Cơ chế cạnh tranh tạo động lực mạnh mẽ cho sự phấn đấu không ngừng. Đối với chúng tôi, không chỉ có cạnh tranh, mà một động lực nữa khiến chúng tôi quyết tâm, cố gắng chính là để đáp lại sự tận tâm của các thầy cô Khoa Luật, những người đã dành hết tâm huyết và luôn mong muốn chia sẻ, truyền đạt tất cả những tri thức quý báu mà mình đã dày công tích lũy cho các học trò khóa đầu tiên của hệ đào tạo mới này. Đến nay, hệ đào tạo chất lượng cao ở Khoa Luật đã tồn tại được 14 khóa, với nhiều nhận xét cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng với tôi, đây là một chủ trương đúng đắn của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Khoa Luật nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và hiện nay đã được nhiều trường đại học khác áp dụng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trong một thời gian ngắn không thể tiến hành đại trà cho tất cả các sinh viên, mà trước hết triển khai thí điểm ở một nhóm sinh viên có tiềm năng để tiếp tục bồi dưỡng, phát huy năng lực của các em. Tuy nhiên, mô hình này cần được thực thi đúng hướng, sinh viên lớp chất lượng cao phải được tuyển chọn kỹ theo năng lực, chứ không nên “cải biên” theo mô hình “lớp chất lượng cao với học phí tương ứng” như một số nơi đang áp dụng, nghĩa là chỉ những sinh viên đủ khả năng đóng học phí cao mới vào được lớp chất lượng cao, trong khi cả học lực và ý thức học tập đều không đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù hệ đào tạo chất lượng cao mới triển khai được 14 năm, tức là chỉ bằng khoảng một phần ba chiều dài 40 năm xây dựng và phát triển của Khoa Luật, nhưng đã góp phần tạo nên bản sắc và thương hiệu của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị thành viên của một trung tâm đào tạo lớn hàng đầu của cả nước, với mục tiêu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, hướng tới một đại học nghiên cứu. Các thế hệ cử nhân chất lượng cao Khoa Luật đã và đang đóng góp cho ngành Luật nước nhà ở nhiều cương vị khác nhau, trong đó có những người theo đuổi sự nghiệp đào tạo luật, nghiên cứu khoa học pháp lý ở các trường đại học, có những người thành đạt trong công tác tại các cơ quan nhà nước, có những người trở thành luật sư giỏi hay cán bộ pháp chế giỏi trong các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp, các ngân hàng, v.v.. Trong tình hình hiện nay, khi các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam được mở ra ngày càng nhiều, sự cạnh tranh giữa các trường luật, Khoa Luật càng gay gắt, điều làm nên sự khác biệt của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ có thể là chất lượng. Để giữ vững và phát huy thương hiệu, truyền thống của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội với tư cách là một trung tâm đào tạo luật chất lượng cao của cả nước, theo tôi, không những cần tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng sinh viên giỏi, mà còn cần nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ đào tạo, thực hiện theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Làm thế nào để dần dần không cần cái tên “hệ đào tạo chất lượng cao” nữa, nhưng nói đến Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (và tương lai là Trường Đại học Luật thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội), mọi người vẫn nghĩ đến một nơi đào tạo luật có chất lượng và uy tín cao, bất kể là hệ nào, lớp nào. |