Chặng đường 40 năm "Đi từ không đến có"
Cập nhật lúc 9:11, 14/11/2016 (GMT+7)

 

Thấm thoát mà đã 40 năm, kể từ ngày tốt nghiệp cử nhân luật tại Liên Xô (cũ) trở về, tôi vinh dự được trở thành giảng viên luật cơ hữu đầu tiên của Khoa Pháp lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. 40 năm phấn đấu từ một giảng viên đại học Luật trở thành Bộ trưởng Bộ Tư pháp, và cũng là 40 năm chứng kiến sự trưởng thành, có lúc thăng trầm, nhưng đầy vinh quang, có thể nói “đi từ Không đến Có” của cơ sở đào tạo cử nhân luật đầu tiên của nước ta dưới chế độ mới.
Mùa hè năm 1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất về mặt Nhà nước, bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển, tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hàng đầu của cả nước, Khoa Pháp lý ra đời cùng với Khoa Triết và Khoa Kinh tế - Chính trị. Hầu hết sinh viên tại 3 Khoa này là bộ đội xuất ngũ, chuyển ngành. 

PGS.TS. Hà Hùng Cường 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 
nguyên giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội 

Khóa 1 Khoa Pháp lý có 74 người thì có đến gần 60 người là những anh, chị bộ đội chiến thắng trở về, đầy nhiệt huyết mong đợi ngày hòa bình để được học luật giúp phát triển đất nước. Nhập học rồi mà cả Khoa chỉ có 1 “giảng viên” (chưa được giảng dạy) và một cán bộ văn phòng là cơ hữu, còn lại từ Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Khoa, Trợ lý giáo vụ, Trợ lý chính trị đều kiêm nhiệm, đặc biệt giảng viên đều là những người thỉnh giảng. Khai giảng rồi mà vẫn chưa có sách giáo khoa, giáo trình đào tạo cử nhân luật cho bất cứ môn luật nào. Cả Khoa chỉ được sắp xếp vào 1 phòng làm việc khoảng 18m2, với vài ba bộ bàn ghế và một tủ đựng hồ sơ, tài liệu. Khó khăn thay khi việc học vẫn phải diễn ra, 74 con người đang háo hức chờ đợi những giờ học luật! Mọi việc bắt đầu có thể nói từ con số “Không”. Đó là chưa kể đến cái nhìn của xã hội, thậm chí của một số nhà lãnh đạo, quản lý thời bấy giờ: Xây dựng chủ nghĩa xã hội cần gì đến pháp luật mà học luật? Luật là cái gì đó gắn với tư sản, đế quốc chăng? Cũng vì thế mà tên gọi của Khoa thời đó cũng không được tròn trĩnh - Khoa Pháp lý! ấy vậy mà mọi việc rồi cũng đã qua, Khóa 1 đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo cử nhân luật của mình.
 Nhiều người sau này trở thành Thẩm phán, Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Kiểm sát viên, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Vụ trưởng, Cục trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Quốc hội và luật sư có danh tiếng như Huỳnh Nghĩa, Nguyễn Minh Tâm... Rồi Khóa 2, Khóa 3 cũng vào Khoa, ra trường đầy tự hào cho đến ngày Khoa được sáp nhập với Trường Cao đẳng Pháp lý thành Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, nay là Đại học Luật Hà Nội.
Qua đi một thời gian, mùa hè năm 1986, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Vicủa Đảng, Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Hà Nội được tái lập, năm 2000 được đổi tên thành Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã sớm trở thành một trong những cơ sở đào tạo luật hàng đầu của đất nước, có thương hiệu ngày càng lan tỏa, với bản sắc riêng của mình. Nhiều thầy, cô giáo đã trở thành những chuyên gia hàng đầu trong một số bộ môn luật, có tiếng nói “đinh” trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều cử nhân luật ra trường hiện đang giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, một số người trở thành những luật sư giỏi, không những của Việt Nam mà còn của nước ngoài, có thương hiệu trong khu vực.
Tự hào thay Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội với chặng đường 40 năm “đi từ Không đến Có”, đang đóng góp quan trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!
Khái quát mấy ký ức xưa, hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Khoa Luật để chúng ta cùng tự hào về truyền thống vượt khó đi lên của sự nghiệp đào tạo cử nhân luật nói chung ở nước ta và của Khoa Luật nói riêng; để tri ân những bậc tiền bối đã bất chấp hy sinh, đặt nền móng cho sự nghiệp này, đặc biệt với cố GS.TS. Nguyễn Ngọc Minh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế của Chính phủ, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Chủ nhiệm Khoa đầu tiên; PGS.TS. Nguyễn Niên, nguyên Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Khoa đầu tiên và không thể không kể đến những đóng góp rất quan trọng của nguyên Trợ lý giáo vụ Lại Văn Toàn, nguyên Trợ lý chính trị Nguyễn Hải Triều... Và các thế hệ thầy, cô giáo, sinh viên của Khoa chúng ta nói riêng, các cơ sở đào tạo luật nói chung của đất nước, không thể không nói lời “cảm ơn” đối với Đảng, Nhà nước, đối với sự nghiệp đổi mới mà trong 30 năm qua đã đưa nước ta trở lại với tư cách “pháp quyền” vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013, công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới to lớn, đan xen với những thách thức không nhỏ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công cuộc đó đặt ra những yêu cầu rất cao đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở nước ta mà hiện đang còn nhiều bất cập, đòi hỏi mỗi cơ sở đào tạo luật sẽ không chỉ là nơi trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật cho sinh viên trên giảng đường mà phải thật sự đào tạo được những lớp cử nhân luật vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp để có đủ tài đức và bản lĩnh sẵn sàng tiếp cận và xử lý những vấn đề chính trị - pháp lý trong cuộc sống đương đại của đất nước. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, phát huy truyền thống vẻ vang 40 năm qua, Khoa Luật hôm nay, Trường Đại học Luật tới đây của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục vươn lên những tầm cao mới, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, xứng đáng với niềm 
tin yêu của Nhân dân. 
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081