Sáng ngày 18/8/2023, Trường ĐH Luật, ĐHQGHN phối hợp với Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức Hội thảo “Quan điểm, định hướng về kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng tại Việt Nam” trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”.Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đến từ các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội, … Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, ĐHQGHN cho biết: “Hội thảo ngày hôm nay là một trong những hoạt động để thực hiện kế hoạch nghiên cứu Đề tài khoa học độc lập cấp Quốc gia năm 2021 - 2024 “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, do Viện CL&KHTT chủ trì và TS. Nguyễn Quốc Văn làm chủ nhiệm đề tài. Hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cán bộ thực tiễn để đề xuất quan điểm, định hướng về nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian tới trên cơ sở các nghiên cứu lý thuyết và thực trạng về kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay”. Kết bài phát biểu, Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian quan tâm, viết bài và tham luận tại Hội thảo. Hội thảo được chia làm 02 phiên, chủ trì bởi TS. Nguyễn Quốc Văn (Viện trưởng Viện CL&KHTT) và PGS.TS. Vũ Công Giao (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu QCN&QCD, Trường ĐH Luật, ĐHQGHN) Phiên 1 gồm 04 tham luận: - Tham luận “Định hướng nghiên cứu phát triển lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” (GS.TS. Phạm Hồng Thái); - Tham luận “Tăng cường giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng” (PGS.TS. Bùi Xuân Đức); - Tham luận “Nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” (TS. Trần Duy Hưng); - Tham luận “Định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát của Nhà nước và xã hội đối với việc thực thi quyền lực của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm phòng, chống tham nhũng” (PGS. TS Nguyễn Ngọc Chí) Phiên 2 gồm 03 tham luận: - Tham luận “Quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực của Kiểm toán nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng” (TS. Đặng Văn Hải); - Tham luận “Nhu cầu và khả năng khôi phục chức năng kiểm sát chung cho Viện kiểm sát nhân dân” (TS. Lê Ngọc Duy); - Tham luận “Kiểm soát quyền lực trong quản lý và sử dụng đất ở Việt Nam nhằm phòng, chống tham nhũng” (TS. Đoàn Văn Tạo). Các tham luận tại Hội thảo đã đề cập đến nhiều khía cạnh thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài, trong đó tập trung vào 5 khía cạnh chính: Quan điểm định hướng, vận dụng và phát triển lý thuyết, tư tưởng, quan điểm về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam; quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chủ thể xã hội nhằm PCTN ở Việt Nam; quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát của Đảng và của Nhà nước nhằm PCTN ở Việt Nam; quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát việc thực thi quyền lực của các cơ quan Nhà nước nhằm PCTN; quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Sau hơn 3 tiếng làm việc, Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp. |