Hội thảo “”Đổi mới hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường Luật ở Việt Nam hiện nay” - Hoạt động hướng tới kỉ niệm 40 năm truyền thống
Cập nhật lúc 17:58, 13/10/2016 (GMT+7)

Ngày 12/10/2016, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo “”Đổi mới hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường Luật ở Việt Nam hiện nay”

 

Tham dự Hội thảo, về phía ĐHQGHN có GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban đào tạo. Về phía Khoa Luật có, PGS.TS. Trịnh Quốc Toản – Q. Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Phó Chủ nhiệm Khoa, TS. Trịnh Tiến Việt – Phó Chủ nhiệm Khoa và các thầy, cô đến từ các đơn vị đào tạo luật.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trịnh Quốc Toản đã nhấn mạnh: Với phương châm đổi mới quản trị đại học, Khoa Luật – ĐHQGHN đang nỗ lực cập nhật các chương trình, kiểm định các chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, đáp ứng nhu cầu suốt đời của người học. Hiện nay, Khoa Luật đã cập nhật nguồn học liệu trong đó nguồn giáo trình ngày càng phong phú, hệ thống sách chuyên khảo cơ bản được phủ kín, 100% phòng học đạt chuẩn. Ngoài ra, hiện nay Khoa có trên 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên. Trong thời gian tới, Khoa cần thay đổi hơn nữa để thúc đẩy hơn nữa sản phẩm NCKH để các sản phẩm nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ hoàn thiện thể chế pháp luật của nước nhà. PGS.TS. Trịnh Quốc Toản hi vọng Hội thảo là diễn đàn có thể trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm phương pháp đào tạo, giảng dạy và thông qua Hội thảo sẽ phần nào đóng góp những ý kiến trong đổi mới giảng dạy, nghiên cứu khoa học đáp ứng được yêu cầu thực tế về hoạt động đào tạo Luật.

 

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức cũng đã có những chia sẻ tại Hội thảo. Sau 40 năm thành lập và phát triển và định hướng phát triển thành trường đại học Luật. Khoa Luật tự hào là trung tâm đào tạo luật có uy tín nhất Việt Nam. Truyền thống – Sáng tạo – Tiên phong và Hội nhập là những nhấn mạnh mà GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức nhắc đến Khoa Luật. Khoa Luật, với truyền thống với 40 năm, là đơn vị đào tạo luật đầu tiên của nước ta, là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng các chương trình đào tạo mới, đáp ứng yêu cầu thực tế và mang tính hội nhập. Khoa Luật đã đưa chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ vào chương trình đào tạo thạc sĩ năm 2003. Chính vì thế 2011, Chủ tịch WIPO đã tới thăm ĐHQGHN và Khoa Luật. Khoa Luật cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đào tạo về luật biển, luật về quyền con người. Chính vì vậy, tháng 4/2014, đoàn Nghị sĩ Quốc hội Mỹ do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy dẫn đầu đã tới thăm Khoa Luật. Trong quá trình trưởng thành của Khoa luật, chúng ta rất tự hào từ những ngày đầu với chỉ 01 giảng viên, cho tới nay đã có 130 cán bộ với hơn 70% số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ trở lên. Tính đến 2016, Khoa Luật đã đào tạo được 10.000 cử nhân luật học, có 02 chương trình đào tạo cử nhân, 08 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 05 chương trình đào tạo tiến sĩ. Với số liệu như vậy, Khoa Luật đã trưởng thành và có quy mô đào tạo của một trường đại học.

 

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn – Nguyên ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã khái quát một số nét về tình hình đào tạo và nghiên cứu luật ở các trường luật của Việt Nam. Trong bài tham luận, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn đã thống kê tình hình đào tạo cán bộ pháp luật trước và sau khi thành lập Khoa Pháp lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Theo đó, thống kê từ năm 2010 – 2014, Khoa Luật - ĐHQGHN đã đào tạo được 4833 cử nhân luật, 1959 học viên cao học và 63 tiến sĩ, chất lượng đào tạo tốt. Về nghiên cứu khoa học, Khoa Luật là cơ sở đào tạo hàng đầu có bề dày nghiên cứu khoa học pháp lý. Với phương châm lấy nghiên cứu phục vụ đào tạo, gắn nghiên cứu với đào tạo, kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, công tác nghiên cứu đã thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nhất định vào hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhìn chung, Khoa Luật - ĐHQGHN trong những năm gần đây đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo cán bộ pháp luật, bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 

Tại tham luận của GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, các đại biểu được nghe những phân tích về chất lượng đào tạo sau đại học về luật học. Giáo sư nhất mạnh, đào tạo sau đại học về luật học là nhiệm vụ ưu tiên của các cơ sở giáo dục đại học về luật, đặc biệt là các cơ sở đào tạo đại học theo hướng nghiên cứu, trong đó có Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Luật – ĐHQGHN. Từ thực tế đào tạo sau đại học ngành luật học hiện nay ở Việt Nam, Giáo sư đã rút ra một số vấn đề cần quan tâm khi bàn đến chất lượng đào tạo sau đại học về luật học:

-          Mâu thuẫn giữa tăng quy mô và đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học;

-          Mâu thuẫn giữa phát triển số lượng và đảm bảo chất lượng giảng viên tham gia đào tạo sau đại học;

-          Mâu thuẫn giữa đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học;

-          Mâu thuẫn giữa quản lý hành chính và tự chủ về chuyên môn trong đào tạo sau đại học;

-          Mâu thuẫn giữa cạnh tranh và hợp tác giữa các cơ sở đào tạo.

 

Kinh nghiệm đào tạo luật ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là tiêu đề tham luận của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh. Trong đó, PGS đưa ra các tiêu chí như:

-          Nội dung và cách thức tổ chức hoạt động đào tạo với hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị và hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ luật;

-          Một số vấn đề đặt ra hiện nay trong đào tạo sau đại học;

-          Một số kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng đào tạo luật sau đại học về chương trình đào tạo; thi tuyển đầu vào; đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; quy trình, thủ tục trong đào tạo sau đại học.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh đã gửi tới Hội thảo tham luận về hoạt động đào tạo ở Khoa Luật, ĐHQGHN. Theo Phó giáo sư thì khi đánh giá hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của một đơn vị đào tạo thì cần đánh giá bối cảnh thực tế và trong bối cảnh chung của Việt Nam hiện nay là nhu cầu hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu thực tế, số lượng, chất lượng phản biện, tư vấn chính sách, pháp luật,… Khoa Luật là đơn vị trực thuộc ĐHQGHN – một đơn vị đào tạo có bối cảnh đặc biệt và đó là lợi thế của Khoa Luật. Với một lợi thế đa ngành, liên ngành tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật tận dụng được kiến thức chuyên môn sâu của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo thì hệ thống chương trình đào tạo chính là yếu tố quan trọng, trong đó yếu tố liên quan đến chuẩn đầu ra của đào tạo; về tư cách đạo đức khi thực hành nghề luật; tích hợp nghiên cứu và trách nhiệm của đơn vị đào tạo ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo. Từ 1976, sau khi thành lập, Khoa Luật với 01 chương trình đào tạo là cử nhân Luật học. Đến năm 2000, sau khi trở thành đơn vị đào tạo trực thuộc ĐHQGHN, Khoa Luật đã có 01 chương trình đào tạo ở bậc cử nhân, 05 chương trình đào tạo thạc sĩ, 03 chương trình đào tạo tiến sĩ. Năm 2003, Khoa phát triển thêm 01 chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật Kinh doanh – đây là chương trình đào tạo đầu tiên trên toàn hệ thống vào thời điểm đó. Cho đến nay, Khoa đã mở hàng loạt mã ngành đào tạo thí điểm sau đại học như: thạc sĩ về Luật biển, thạc sĩ về Quyền con người và Quyền công dân. Cũng trong thời điểm này, Khoa Luật đã mở chương trình đào tạo liên kết quốc tế Thạc sĩ Luật hợp tác kinh tế và Kinh doanh quốc tế với 03 trường đại học tại. Khoa Luật cũng đang nghiên cứu và phát triển chương trình đào tạo cử nhân Luật Thương mại Quốc tế và chương trình đào tạo tiến sĩ về Dân sự và Tố tụng Dân sự. Đây là những bước tiến quan trọng để khẳng định tính Truyền thống – Sáng tạo – Tiên phong và Hội nhập của Khoa Luật trong thời gian tới.

 
Minh Giang
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081