Căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với sinh viên; nhằm giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách đối với các đối tượng sinh viên thuộc diện chính sách xã hội, dân tộc thiểu số, sinh viên ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và tạo điều kiện, cơ hội cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội hướng dẫn sinh viên thực hiện các thủ tục để được hưởng các chế độ, chính sách sau đây: 1) Chính sách miễn, giảm học phí; 2) Chế độ trợ cấp xã hội; 3) Chính sách hỗ trợ chi phí học tập/hỗ trợ học tập. Hướng dẫn này được thực hiện đối với sinh viên đại học chính quy của Trường trong học kỳ I năm học 2024-2025. I. CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ A. Phạm vi áp dụng và nguyên tắc thực hiện - Chính sách miễn, giảm học phí dành cho sinh viên đang theo học chương trình đào tạo văn bằng thứ nhất hệ đào tạo chính quy tại Trường Đại học Luật, ĐHQGHN; - Việc xét miễn, giảm học phí cho sinh viên được tiến hành theo từng học kỳ. Mức học phí được miễn giảm là mức trần học phí theo quy định. Sinh viên hoàn tất hồ sơ xét miễn, giảm học phí ở học kỳ nào thì được hưởng miễn, giảm học phí ở học kỳ đó. - Việc xét miễn, giảm học phí chỉ áp dụng với những học phần học lần 1 thuộc khung chương trình đào tạo. - Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí theo quy định mà cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi cao nhất; - Sinh viên thuộc diện được miễn, giảm học phí phải nộp hồ sơ đầy đủ theo quy định và đúng thời hạn để được Trường xét hưởng miễn, giảm học phí. B. ĐỐI TƯỢNG VÀ HỒ SƠ 1. Đối tượng được miễn học phí: 1.1. Đối tượng 1: Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, cụ thể: - Người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; Người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng. - Thân nhân của người có công với cách mạng, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ (người có công nuôi liệt sĩ là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi và thời gian nuôi dưỡng từ 10 năm trở lên). - Hồ sơ gồm: + Đơn xin miễn, giảm học phí (Mẫu đơn 01-Miễn giảm HP); + Bản sao Giấy khai sinh; + Giấy xác nhận của cơ quan quản lý đối tượng người có công - Lưu ý: Xét hồ sơ 01 lần, hưởng các kỳ học cho đến khi có quy định mới. 1.2. Đối tượng 2: Sinh viên khuyết tật - Hồ sơ gồm: + Đơn xin miễn giảm học phí (Mẫu đơn 01-Miễn giảm HP); + Bản sao Giấy khai sinh; + Giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp hoặc Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp; - Lưu ý: Xét hồ sơ 01 lần, hưởng các kỳ học cho đến khi có quy định mới. 1.3. Đối tượng 3: Sinh viên học văn bằng thứ nhất có độ tuổi dưới 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 của Chính phủ sau: 1.3.1. Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; 1.3.2. Mồ côi cả cha và mẹ; 1.3.3. Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật; 1.3.4. Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội; 1.3.5. Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; 1.3.6. Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; 1.3.7. Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; 1.3.8. Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; 1.3.9. Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; 1.3.10. Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; 1.3.11. Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. - Hồ sơ gồm: + Đơn xin miễn giảm học phí (Mẫu đơn 01-Miễn giảm HP); + Bản sao Giấy khai sinh; + Bản sao Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện cấp. - Lưu ý: + Đối với sinh viên thuộc đối tượng tại mục 1.3.2: Xét hồ sơ 01 lần, hưởng các kỳ học cho đến khi có quy định mới. + Đối với sinh viên thuộc các nhóm đối tượng 3 còn lại: Xét hồ sơ theo từng học kỳ, hưởng từng học kỳ được xét. 1.4. Đối tượng 4: Sinh viên là người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. - Hồ sơ gồm: + Đơn xin miễn giảm học phí (Mẫu đơn 01-Miễn giảm HP); + Bản sao Giấy khai sinh; + Bản sao Giấy xác nhận hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo năm 2024 do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp; - Lưu ý: + Xét hồ sơ theo từng học kỳ, hưởng từng học kỳ được xét; + SV thuộc Đối tượng 4 đã được miễn học phí Học kỳ II năm học 2023-2024 tiếp tục được miễn học phí Học kỳ I năm học 2024-2025 (SV không phải nộp hồ sơ cho học kỳ này). 1.5. Đối tượng 5: Sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành (Dân tộc thiểu số rất ít người bao gồm: La Ha, La Hủ, Pà Thèn, Chứt, Lự, Ngái, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pú Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu). - Hồ sơ gồm: + Đơn xin miễn giảm học phí (Mẫu đơn 01-Miễn giảm HP); + Bản sao Giấy khai sinh; + Giấy xác nhận thông tin cư trú của Công an cấp xã/phường; + Giấy xác nhận đang ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền. - Lưu ý: Xét hồ sơ 01 lần, hưởng các kỳ học cho đến khi có quy định mới. 2. Đối tượng được giảm 70% học phí Sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định hiện hành. - Hồ sơ gồm: + Đơn xin miễn giảm học phí (Mẫu đơn 01-Miễn giảm HP); + Bản sao Giấy khai sinh; + Giấy xác nhận thông tin cư trú của Công an cấp xã/phường; + Giấy xác nhận đang ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền. - Lưu ý: Xét hồ sơ 01 lần, hưởng các kỳ học cho đến khi có quy định mới. 3. Đối tượng được giảm 50% học phí Sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên. - Hồ sơ gồm: + Đơn xin miễn giảm học phí (Mẫu đơn 01-Miễn giảm HP); + Bản sao Giấy khai sinh; + Bản sao Sổ hưởng trợ cấp hàng tháng của cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp do tổ chức bảo hiểm xã hội cấp; - Lưu ý Xét hồ sơ 01 lần, hưởng các kỳ học cho đến khi có quy định mới. II. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP XÃ HỘI 1. Đối tượng 1: Sinh viên là người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. (Người dân tộc ít người ở vùng cao là người dân tộc ít người liên tục sống ở vùng cao hoặc có hộ khẩu thường trú ở vùng cao ít nhất từ 3 năm trở lên). - Mức trợ cấp: 140.000 VNĐ/tháng. - Hồ sơ gồm: + Tờ khai trợ cấp xã hội (Mẫu đơn 02-TCXH); + Bản sao Giấy khai sinh; + Giấy xác nhận thông tin cư trú của Công an cấp xã/phường; + Đơn xin xác nhận là người dân tộc ít người ở vùng cao có hộ khẩu thường trú từ 03 năm trở lên đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số sống ở các xã vùng cao (Mẫu đơn 04-TCXH); - Lưu ý: Xét hồ sơ 01 lần, hưởng các kỳ học cho đến khi có quy định mới. 2. Đối tượng 2: Sinh viên là người mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa - Ðây là những người không có người đỡ đầu chính thức, không có nguồn chu cấp thường xuyên (sinh viên phải xuất trình giấy xác nhận của cơ quan thương binh xã hội cấp quận, huyện, thị xã trên cơ sở đề nghị của phường, xã nơi học sinh, sinh viên cư trú). - Mức trợ cấp: 100.000 VNĐ/tháng. - Hồ sơ gồm: + Tờ khai trợ cấp xã hội (Mẫu đơn 02-TCXH); + Bản sao Giấy khai sinh; + Giấy chứng tử của cha và mẹ (bản sao có công chứng) hoặc Đơn xin xác nhận là sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa (trường hợp sinh viên không có giấy chứng tử của cha và mẹ) (Mẫu đơn 05-TCXH). - Lưu ý: Xét hồ sơ 01 lần, hưởng các kỳ học cho đến khi có quy định mới. 3. Đối tượng 3: Sinh viên là người tàn tật có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn - Sinh viên là người tàn tật theo quy định của Nhà nước tại Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 là những người gặp khó khăn về kinh tế, khả năng lao động bị suy giảm từ 41% trở lên do tàn tật, được Hội đồng y khoa có thẩm quyền xác định (hồ sơ, thủ tục giám định y khoa áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 34/TT-LB ngày 29/12/1993 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế). Sinh viên thuộc diện này phải xuất trình biên bản giám định y khoa và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường về hoàn cảnh kinh tế khó khăn. - Mức trợ cấp: 100.000 VNĐ/tháng - Hồ sơ gồm: + Tờ khai trợ cấp xã hội (Mẫu đơn 02-TCXH); + Biên bản giám định y khoa về mức độ tàn tật; + Giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã/phường về hoàn cảnh kinh tế khó khăn năm 2024. - Lưu ý: Xét hồ sơ theo từng học kỳ, hưởng từng học kỳ được xét; 4. Đối tượng 4: Sinh viên thuộc diện hộ nghèo vượt khó - Sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, vượt khó học tập là những người mà gia đình của họ thuộc diện hộ nghèo phải xuất trình giấy chứng nhận là sinh viên thuộc hộ nghèo do Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận theo mẫu giấy chứng nhận ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 18/2009/TTLT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, ngày 03 tháng 8 năm 2009. - Mức trợ cấp: 100.000 VNĐ/tháng - Hồ sơ gồm: + Tờ khai trợ cấp xã hội (Mẫu đơn 02-TCXH); + Bản sao Giấy xác nhận hộ nghèo năm 2024 do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp; + Bảng điểm TBC học kỳ II năm học 2023-2024 từ 2.5 trở lên (in từ Cổng thông tin đào tạo) (có điểm rèn luyện từ 65 điểm). - Lưu ý: Xét hồ sơ theo từng học kỳ, hưởng từng học kỳ được xét. III. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP/HỖ TRỢ HỌC TẬP 1. Đối tượng 1: hưởng hỗ trợ chi phí học tập 1.1. Đối tượng áp dụng: Sinh viên đang theo học chương trình đào tạo văn bằng thứ nhất hệ đại học chính quy là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào Trường Đại học Luật, ĐHQGHN. (Lưu ý: Sinh viên Cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai và học đại học sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học không được hưởng chính sách này). 1.2. Mức hỗ trợ chi phí học tập đối với đối tượng 1: - Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở/tháng; - Thời gian được hưởng hỗ trợ: 10 tháng/năm học (05 tháng/học kỳ); 1.3. Hồ sơ gồm: - Đơn đề nghị hỗ trợ chi phí học tập (Mẫu đơn 06-HTCPHT); - Giấy chứng nhận hộ nghèo/cận nghèo năm 2024 do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp (bản sao có công chứng); - Giấy khai sinh (bản sao có công chứng). - Lưu ý: Xét hồ sơ theo từng học kỳ, hưởng từng học kỳ được xét; 2. Đối tượng 2: hưởng hỗ trợ học tập 2.1. Đối tượng áp dụng: Sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người (gồm các dân tộc: La Ha, La Hủ, Pà Thèn, Chứt, Lự, Ngái, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pú Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu) đang theo học chương trình đào tạo văn bằng thứ nhất hệ đại học chính quy tại Trường Đại học Luật, ĐHQGHN. 2.1. Mức hỗ trợ học tập đối với đối tượng 2: - Mức hỗ trợ học tập bằng 100% mức lương cơ sở/tháng; - Thời gian được hưởng hỗ trợ: 12 tháng/năm cho sinh viên có thời gian học đủ 9 tháng/năm trở lên; trường hợp sinh viên không học đủ 9 tháng/năm thì được hưởng theo thời gian học thực tế. 2.3. Hồ sơ gồm: - Đơn đề nghị hỗ trợ học tập (Mẫu đơn 07-HTHT); - Giấy khai sinh (bản sao có công chứng). - Lưu ý: Xét hồ sơ 01 lần, hưởng theo thời gian học thực tế tính từ thời điểm được xét cho đến khi có quy định mới. IV. THỜI HẠN VÀ ĐỊA ĐIỂM NỘP HỒ SƠ: - Sinh viên các khóa QH-2021-L, QH-2022-L, QH-2023-L nộp hồ sơ tại Phòng 307A – Nhà E1, Trường ĐH Luật, ĐHQGHN – số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội; Thời hạn nộp hồ sơ: Ngày 04/10/2024 (SV nộp hồ sơ vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần); - Sinh viên khóa QH-2024-L nộp hồ sơ tại Văn phòng Trường Đại học Luật, ĐHQGHN tại Hòa Lạc: Phòng 103, DOM C, Khu QG-HN04 - khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội. Thời hạn nộp hồ sơ: Ngày 04/10/2024. * Lưu ý: Trường hợp sinh viên không theo học liên tục (nghỉ học và bảo lưu kết quả học tập), khi quay lại học, sinh viên phải nộp lại hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu để được hưởng các chế độ, chính sách nêu trên. |