PGS.TS. Nguyễn Ngọc ChíNguyên sinh viên Khóa 1 (Khóa 21) Khoa Pháp lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tư pháp hình sự - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ pháp lý (LERES) - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội | Ấn tượng đầu tiên, tạo ra phấn khích, sự ngưỡng mộ khi chúng tôi tựu trường là những Người Thầy của Khoa Pháp lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong đó nhiều thầy là nhà khoa học lớn, có nhiều đóng góp mà danh tiếng đã vượt ra khỏi phạm vi đất nước. Thầy Hiệu trưởng - GS. Ngụy Như Kon Tum, Thầy Chủ nhiệm Khoa - GS.TS. Nguyễn Ngọc Minh là những người trong số đó. Thật may mắn cho chúng tôi, lớp sinh viên Khóa 1 của Khoa Pháp lý (Khóa 21 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) được học, được dìu dắt, được chỉ bảo bởi những người thầy tài, đức vẹn toàn, hết lòng với sinh viên như thế. Sau này, một ai trong số chúng tôi có được chút thành công nào đó đều nhờ công lao của các thầy. Câu phương ngôn “Không thầy đố mày làm nên”, khẳng định truyền thống tôn sư, trọng đạo của người Việt Nam, nhân tố tạo nên sức mạnh Việt Nam qua các thời đại, được thể hiện đậm nét, sinh động, cụ thể, thiết thực qua các thế hệ sinh viên ở Khoa Luật. | Ngày đầu mới thành lập (năm 1976), ngoài thầy Chủ nhiệm Khoa - GS.TS. Nguyễn Ngọc Minh, thầy Phó Chủ nhiệm khoa - PGS.TS. Nguyễn Niên đều là lãnh đạo của Viện Luật học (Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật) kiêm nhiệm lãnh đạo Khoa, thầy Lại Văn Toàn (giảng viên Khoa Ngữ Văn), trợ lý giáo vụ Khoa thì chỉ có duy nhất thầy Hà Hùng Cường vừa tốt nghiệp “bằng đỏ” tại một trường đại học danh tiếng hàng đầu ở Liên Xô (cũ) về, là giảng viên luật quốc tế kiêm chủ nhiệm lớp Khóa 1 chúng tôi. Sau này, các thầy, cô tốt nghiệp ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu về được bổ sung vào đội ngũ giảng viên của Khoa, lúc nhiều nhất (trước khi tách ra để thành Trường Đại học Luật Hà Nội) lên đến trên dưới ba mươi người. Trải qua các thời kỳ phát triển, nhiều thầy, cô đã về với Khoa Luật, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp đào tạo, cho sự phát triển khoa học pháp lý Việt Nam, tạo nên danh tiếng, vị thế cho Khoa Luật đối với sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước, cho cải cách hành chính, cải cách tư pháp và cải cách lập pháp hiện nay. Cho đến bây giờ, đội ngũ các thầy của Khoa, tuy không nhiều so với các cơ sở đào tạo luật khác nhưng thật sự có chất lượng vượt trội, nhiều giáo sư đầu ngành ở những lĩnh vực khác nhau đã tụ hội về đây, các giáo viên trẻ được đào tạo cơ bản, hệ thống ở những trường danh tiếng trên thế giới và trong nước, đầy nhiệt huyết là sự bảo đảm vững chắc cho sự phát triển bền vững của Khoa. Nhìn vào đội ngũ các thầy, cô giáo của Khoa, người học tin tưởng, tự hào nơi mình học, ở đó, không những trang bị cho mình kiến thức đầy đặn, cập nhật mà còn tạo dựng cho mình tính trung thực, bản lĩnh kiên cường của người làm nghề luật, tính sáng tạo của người làm khoa học, sự quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của người quản lý và là nơi hun đúc tình yêu, rèn luyện nhân cách con người. Đội ngũ giảng viên Khoa Luật đã tạo được niềm tin yêu, sẻ chia của xã hội, sự hợp tác cởi mở của bạn bè quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý. Bốn mươi năm, không dài mà cũng chẳng ngắn trong quá trình phát triển của một cơ sở đào tạo luật, ở đó có niềm vui và nỗi buồn, thăng hoa và day dứt, vinh quang và cả bầm dập... nhưng các thầy, cô không vì thế mà sao nhãng thiên chức của mình. Các thầy, cô vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học, ngày ngày lên lớp giảng bài, vẫn hết lòng vì sinh viên, có những buổi học giữa mùa hè, nhiệt độ trên 40 độ, mồ hôi ướt đầm mà thầy vẫn say sưa giảng về học thuyết phân quyền, lẽ công bằng của nền tư pháp trong nhà nước pháp quyền. Sự tận tâm của người thầy Khoa Luật phải chăng là khởi nguồn cho bề dày kiến thức, bản lĩnh cuộc đời cho các thế hệ học trò và khơi dậy ý thức hướng theo triết học pháp luật vì quyền con người, tính nhân văn của pháp luật nhân đạo ở những người thực thi pháp luật tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà xã hội và giới luật học đều cho rằng, ở Khoa Luật tập trung nhiều nhà khoa học đầu đàn trong những lĩnh vực pháp lý khác nhau. Cũng không phải vô tình mà Nhà nước khi xây dựng Hiến pháp và những đạo luật chủ yếu đều tham vấn ý kiến các nhà giáo của Khoa Luật, mà thư khen của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho tập thể các thầy, cô giáo Khoa Luật đã có đóng góp tích cực, có giá trị vào quá trình soạn thảo Hiến pháp năm 2013, do GS. TSKH. Đào Trí úc đứng đầu là một trong những ví dụ sinh động. Dẫu còn nhiều khó khăn, bó buộc nhưng bằng nhiệt tâm của mình, các thầy, cô Khoa Luật đã chủ trì, tham gia nhiều đề tài, chương trình cấp Nhà nước, cấp Bộ... không chỉ đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia mà còn hình thành nên trường phái học thuật pháp lý ở Đại học Quốc gia Hà Nội, được học giả trong nước và thế giới thừa nhận. Kết quả nghiên cứu khoa học của các thầy, cô là nền tảng để xây dựng đại học nghiên cứu theo định hướng của Đại học Quốc gia Hà Nội, là cơ sở hiện thực để khẳng định chất lượng đào tạo vượt trội ở Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ai cũng biết, xây dựng nhà nước pháp quyền không phải là khẩu hiệu, lời nói suông mà phải bắt đầu từ việc đào tạo để có các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ làm nên sự nghiệp đó. Trách nhiệm đó thuộc về những người thầy. Trải qua bốn mươi mùa xuân và đang hứa hẹn sự chuyển mình lớn lao của Khoa Luật, các thầy, cô chỉ mong có cơ hội thể hiện mình trong tự do học thuật, tháo bỏ các ràng buộc, tạo điều kiện để các thầy, cô có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học. Những điều tốt đẹp nhất đang chờ đón chúng ta. |