GS.TS. Phạm Hồng TháiNguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
|
Tôi về làm Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội từ tháng 8 năm 2008, là người không trực tiếp trưởng thành trên con đường chức nghiệp từ đây, nhưng có đầy ắp những kỷ niệm về Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Là một trong những người tham gia giảng dạy tại Khoa Luật ngay từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước. Lần đầu được mời giảng môn Luật hành chính Việt Nam cho một lớp tại chức, tôi hỏi anh Việt (PGS.TS. Nguyễn Cửu Việt), có giảng phần riêng của Luật hành chính không? Và giảng theo giáo trình nào? anh đưa cho tôi một tập tài liệu và nói giảng theo cái này, đây là bản Dự thảo Giáo trình Luật hành chính đầu tiên của Khoa Luật, tới nay đã được sửa chữa, bổ sung nhiều nội dung với cách tiếp cận mới.
|
Một lần anh bảo tôi dịch giáo trình môn Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, tôi hỏi dịch “quyển xanh” hay “quyển đỏ” (bìa cuốn sách), nhưng rồi tôi đi nước ngoài không dịch được quyển đó, về sau tôi và TS. Lưu Kiếm Thanh dịch cuốn Lịch sử các học thuyết chính trị, để phục vụ cho giảng dạy ở Khoa Luật. Buổi ban đầu là như vậy, theo cách đó mà nhiều giáo trình đầu tiên của Khoa Luật được hình thành để giảng dạy không chỉ ở Khoa Luật mà nhiều cơ sở đào tạo các chuyên gia pháp luật ở Việt Nam đã sử dụng. Con đường hình thành hệ thống giáo trình của Khoa Luật những ngày đầu là như vậy, chưa viết được thì dịch ra để dạy. Tới nay Khoa Luật đã có đầy đủ giáo trình các môn luật học truyền thống và được sửa chữa, bổ sung, cập nhật những tri thức mới, hiện đại và nhiều môn học mới được biên soạn, đáp ứng yêu cầu của đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Công đầu đó thuộc về PGS.TS. Nguyễn Cửu Việt - người mà tôi gọi là anh với đầy sự kính trọng, đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển hệ thống giáo trình các môn học của Khoa. Đã nhiều năm làm công tác giảng dạy ở cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước và tham gia giảng cho sinh viên chính quy Khoa Luật (tôi thường giảng lớp chất lượng cao), một lần anh Chí (PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí khi đó là Phó Chủ nhiệm Khoa) nói với tôi, theo yêu cầu của Khoa khi giảng dạy lớp chất lượng cao phải giảng dạy theo phương pháp mới “giáo viên chỉ được thuyết trình 50% thời giờ trong một buổi giảng”, còn lại đặt những câu hỏi, tình huống để sinh viên trao đổi, phát biểu, hay để sinh viên đặt câu hỏi giáo viên trả lời... Phương pháp “lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học” tôi đã được nghe các chuyên gia nước ngoài, trong nước giảng nhiều lần và cũng từng giáo huấn cho giáo viên trẻ, nhưng sau khi giảng thử, anh Chí nói với tôi là giảng quá vài phút. Cách giảng dạy đó có giá trị hơn nhiều lần theo cách “giáo viên đọc bài giảng”, còn người học mải miết ghi chép. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có hệ thống giáo trình đầy đủ, ngoài ra còn có tài liệu, sách tham khảo khác và sự tự giác của người học. Điều quan trọng làm thế nào để người học có thể tự do phát biểu, thể hiện những hiểu biết của mình về những vấn đề cần trao đổi, không còn cách nào khác giáo viên phải tạo ra được môi trường thân thiện với người học và đóng vai là người dẫn dắt lớp học cùng trao đổi với mình. Nói tới những kỷ niệm về Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội mà không nói tới cách kiểm tra, đánh giá kết quả người học là thiếu sót. Có lần chúng tôi được phân công biên soạn các câu hỏi thi trắc nghiệm môn Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, câu hỏi cũng khá công phu, có nhiều phương án đối với từng câu hỏi: phương án đúng (theo giáo trình); phương án gần đúng (với giáo trình); phương án có đúng, có sai; phương án sai (hoàn toàn với giáo trình); nhưng rồi hình thức này cũng chỉ áp dụng được một vài lần vì tính phức tạp của nó, hơn nữa trong đào tạo luật học nếu cứ lấy giáo trình làm chuẩn mực duy nhất để đánh giá kết quả học tập của người học thì sẽ khó mà phát huy được tính sáng tạo của người học, đặc biệt trong điều kiện bùng nổ thông tin, người học ngày nay cũng khai thác được rất nhiều thông tin khác ngoài những giáo trình, về sau phương pháp này không được áp dụng. Hỏi thi vấn đáp, mỗi bàn hỏi thi phải có 02 giáo viên cùng hỏi (mặc dù những năm đầu Khoa Luật rất ít giáo viên), mỗi sinh viên phải trả lời khoảng 20-30 phút, ngoài 03 câu hỏi trong phiếu thi, giáo viên còn đặt ra một vài câu hỏi để sinh viên trả lời, qua đó mà đánh giá được thực lực kiến thức của người học. Có lần anh Nghị (PGS.TS. Phạm Hữu Nghị) ngồi bàn bên cạnh hỏi thi, cứ phân trần với tôi là từ sáng tới giờ (lúc đó khoảng 12 giờ) hỏi thi lớp tại chức mới chỉ có vài người được điểm trên trung bình, còn lại là dưới trung bình, vậy mà anh Việt vẫn kêu các chú cho điểm hơi cao, thôi hạ xuống 0,5 điểm. Một lần ngồi hỏi thi cùng bàn PGS.TS. Nguyễn Niên, tôi còn nhớ hỏi thi môn Luật hành chính (lớp đào tạo từ xa có hướng dẫn), giáo sư hỏi một học viên về vị trí, tính chất pháp lý của Chính phủ, sau một hồi trả lời, Giáo sư kết luận “cậu là quan chức nhà nước” mà biết ít thế à, thôi về học lại nhé. Nói đến thi, không thể không nói tới quy tắc trường thi, có lẽ anh Lương (Nguyễn Mạnh Lương) là người duy trì trường thi nghiêm túc, chặt chẽ nhất, mà sinh viên nói với tôi đó là “dũng sĩ diệt sinh viên”, cứ mang tài liệu vào phòng thi, dù có sử dụng hay không sử dụng đều bị lập biên bản đình chỉ thi. Là người nhiều năm làm công tác giảng dạy ở cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện nhiều đề tài cấp Học viện Hành chính Quốc gia (cấp bộ), khi về Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội mới thực sự thấy môi trường, không khí nghiên cứu khoa học với các loại đề tài cấp cơ sở, cấp Đại học Quốc gia, tập trung nghiên cứu để phục vụ đào tạo, nhiều đề tài sau khi được nghiệm thu đã được biên tập lại thành sách tham khảo, chuyên khảo, ngoài ra còn có những đề tài do các dự án nước ngoài, các quỹ của Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ, mà nhiều cơ sở đào tạo khác khó có được môi trường, điều kiện nghiên cứu như vậy. Một kỷ niệm khó quên, khi tôi mới về Khoa, có lần anh Cảm (GS.TSKH. Lê Văn Cảm) nói với tôi, là làm quản lý được giảm số lượng các công trình công bố hàng năm, tôi hỏi mấy bài, anh Cảm nói làm Chủ nhiệm Khoa và là giáo sư phải có ít nhất 4 công trình được công bố. Thực tế anh Cảm công bố hàng chục bài báo trên các tạp chí chuyên ngành. Khoa Luật ngoài thế hệ như chúng tôi (tự nói với nhau là thế hệ vàng), nhưng cũng đã lớn tuổi hết rồi, hiện Khoa Luật có một thế hệ vàng thực sự đó là các giảng viên trẻ được đào tạo ở nước ngoài, trong nước, được chọn lọc kỹ càng làm giảng viên của Khoa, sự nghiệp phát triển của Khoa Luật. Tôi hoàn toàn tin tưởng và gửi gắm vào các bạn. Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Khoa Luật và tương lai trở thành Trường, không thể không nhớ tới lời căn dặn của GS.TS. Mai Trọng Nhuận, GS.TSKH. Vũ Minh Giang với tôi: sự phát triển của Khoa Luật không chỉ là phát triển thành trường, điều quan trọng phải làm cho Khoa Luật thay đổi về chất, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, tiền đề cho nó, đặc biệt là đội ngũ giảng viên phải đủ về số lượng và có trình độ cao, chất lượng cao để thực hiện sứ mệnh của Đại học Quốc gia Hà Nội là đào tạo chất lượng cao, tiến tới ngang tầm khu vực, một số ngành đạt trình độ quốc tế. |