Ngày 21/6/2022, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Học viện Khoa học xã hội, Tổ chức Wildact tổ chức Tọa đàm Legal Talk số 15 với chủ đề “Bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam hiện nay: Thành tựu, thách thức và gợi ý chính sách”. Tọa đàm được tổ chức bằng cả 2 hình thức trực tiếp tại Khoa Luật, ĐHQGHN và trực tuyến qua nền tảng Zoom. Tham dự trực tiếp tại hội trường, về phía Khoa Luật co PGS. TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hành chính, TS. Văn Mai Thắng, Trưởng phòng QLKH&HTPT, TS. Phan Thị Thanh Thủy- PCN Bộ môn Luật Kinh doanh và đại biểu các trường đại học, các nhà khoa học của các viện nghiên cứu chuyên ngành. Ngoài ra, trên Zoom meetings của tọa đàm đã thu hút sự tham gia của 100 khách mời là giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học ở các cơ sở đào tạo và những người làm thực tiễn, người quan tâm đến chủ đề tọa đàm. Diễn giả của Tọa đàm là các chuyên gia đến từ các tổ chức bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam: TS. Trang Nguyễn - Giám đốc Tổ chức WILDACT Việt Nam, TS Hà Thăng Long - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nước Việt Xanh (GREENVIET), Ông Phạm Thành Trung - Quản lý Chương trình, Tổ chức WCS Việt Nam và Ông Hoàng Văn Lâm - Quản lý Chương trình, Tổ chức Fauna @ Flora International (FFI). Tại Tọa đàm, diễn giả và các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi các nhóm vấn đề xoay quanh nội dung của Tọa đàm gồm: Họat động bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là bảo tồn loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, tuyệt chủng ở Việt Nam; Thành tựu giám sát, bảo vệ hệ sinh thái động vật, thực vật; Đánh giá về chính sách và khung khổ pháp lý hiện hành đang điều chỉnh hoạt động bảo tồn thiên nhiên từ góc nhìn thực tiễn của các chuyên gia; Xây dựng chính sách và tăng cường thực thi pháp luật; Thảo luận mở, lắng nghe ý kiến của đại biểu tham dự. Các diễn giả của Tọa đàm Trong phần thảo luận mở, buổi Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và những người làm thực tiễn. Theo đó, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã đặt ra những câu hỏi hay bình luận về chủ đề này như: Làm thế nào để bảo vệ có hiệu quả môi trường sống của các loài động, thực vật hoang dã hiện nay? Ví dụ Môi trường sống của loài Vooc Mông trắng tại Hà Nam - một loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới đang bị đe doạ tuyệt chủng do nguồn thức ăn bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi tình trạng khai thác đá vôi? Các cánh rừng nguyên sinh liên tục bị tàn phá, các loài thực vật nguy cấp quý hiếm liên tục bị đốn hạ không những không bảo vệ được loài thực vật nguy cấp mà còn mất đi “ngôi nhà” của các loài động vật? Theo các diễn giả, từ góc độ pháp lý thì những lỗ hổng nào cần khắc phục (cả quy định pháp luật và thực thi)? Để đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, chỗ ở ở các nước đang và kém phát triển, kể cả ở VN, người dân đang có những hành vi phá rừng, xâm hại các khu rừng thiên nhiên, bảo tồn động vật để lấy đất đai trồng trọt sinh sống. Vậy làm thế nào để cân đối giữa nhu cầu sống chính đáng của người dân với bảo tồn thiên nhiên? Với sức hút từ chủ đề của buổi Tọa đàm và những trao đổi sâu sắc của các diễn giả, buổi Tọa đàm đã thu hút số lượng đại biểu tham dự trực tuyến rất đông và được các nhà khoa học đánh giá cao. |