Bài thuyết giảng về “Thẩm quyền của Tòa án trên không gian mạng và quyền tài phán ngoài lãnh thổ quốc gia”
Cập nhật lúc 11:00, 02/08/2022 (GMT+7)

Sáng ngày 01/8/2022, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vinh dự mời được Giáo sư Hannah Buxbaum - Phó Chủ tịch phụ trách Hợp tác quốc tế, giảng viên luật, chuyên gia sâu của Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tham gia trao đổi với cán bộ, giảng viên, NCS, học viên, sinh viên với chủ đề rất nóng, cấp thiết “Thẩm quyền của Tòa án trên không gian mạng và quyền tài phán ngoài lãnh thổ quốc gia”

 

Tham gia tiếp đón và tham dự Buổi thuyết trình, về phía ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Anh Thu – Trưởng Ban Hợp tác phát triển, về phía Khoa Luật có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Trịnh Tiến Việt – Phó Chủ nhiệm Khoa, TS. Mai Văn Thắng – Trưởng Phòng QLKH&HTPT, TS. Nguyễn Bích Thảo – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Dân sự. Ngoài ra, Buổi thuyết trình cũng thu hút được sự quan tâm của hơn 100 chuyên gia, nhà làm thực tiễn, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trực tiếp tham gia tại Hội trường và gần 250 đại biểu tham gia trực tuyến qua nền tảng Zoom.

 
GS. Hannah Buxbaum trình bày phần thuyết trình
 

Trong bài thuyết trình của mình, GS. Hannah Buxbaum đã nhấn mạnh một trong những vấn đề quan trọng của luật quốc tế là về khả năng một quốc gia cụ thể có thể áp dụng quy tắc pháp lí của quốc gia đó trên những thực thể nằm ngoài lãnh thổ hay không. Để xác định được điều đó chúng ta cần phải dựa vào những quy định về không gian mạng có xác lập thẩm quyền gì đối với các lãnh thổ ngoài quốc gia. GS. Hanna đã đề cập đến các nội dung: Cách tiếp cận truyền thống để xác định thẩm quyền (quyền tài phán) của một quốc gia theo luật quốc tế; Xác định thẩm quyền (quyền tài phán) trong lãnh thổ và ngoài lãnh thổ quốc gia theo cách tiếp cận truyền thống; Những thách thức đến từ các hoạt động trên không gian mạng; Cộng đồng quốc tế có những giải pháp nào cho các thách thức này? Những giải pháp đó nói lên vấn đề gì về quyền tài phán ngoài lãnh thổ quốc gia trong xã hội đương đại?

Theo cách tryền thống, có thẩm quyền lập pháp và thẩm quyền thực thi luật. Khái niệm thẩm quyền tài phán là khả năng điều chỉnh của pháp luật quốc gia liên quan đến yếu tố địa lí. Dù vậy, pháp luật truyền thống như vậy chủ yếu gắn liền với thế giới vật chất thực và có quan hệ chặt chẽ với khái niệm “chủ quyền quốc gia”.

 

Liên quan đến các hành vi trên không gian mạng, có thể kể đến 02 trường phái. Một trường phái theo hướng “tự do” cho rằng không gian mạng phải được xem như môi trường độc lập so với thế giới thực và cần được quy định theo các cách thức khác biệt (không hẳn là hoàn toàn khác so với thế giới thực). Trong khi đó, phái bảo thủ cho rằng không gian mạng có kết nối chặt chẽ với thế giới thực vì mọi người ở thế giới thực sử dụng các vật chất thực (như máy tính, thiết bị kĩ thuật mạng) để thực hiện các hành vi trên không gian mạng. Trong cuộc tranh luận này, cho đễn cuối thập niên 90 thì đã thể hiện phần lợi thế thuộc về phái bảo thủ.

Nhưng thách thức đặt ra là làm sao để điều chỉnh các hành vi trên không gian mạng cho phù hợp với các khuôn khổ vật chất truyền thống? Nhiều hành vi trên không gian mạng có thể không/chưa từng thể hiện/được điều chỉnh ở thế giới thực, khó xác định nguồn gốc phát sinh hành vi,… Thậm chí, khi có những hành vi tội phạm xảy ra trên không gian mạng thì rất khó xác định được cụ thể quốc gia nào có thẩm quyền xử lí đối với các hành vi đó, hoặc nếu có xác định được thì cũng có khả năng pháp luật giữa các quốc gia liên quan có xung đột với nhau. Một vấn đề liên quan khác là về bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đâu là nơi lưu trữ dữ liệu, đâu là nơi dữ liệu được lưu chuyển,... cũng là thách thức lớn.

 

Trong nhiều điều ước đa phương có nội dung quy định về thẩm quyền ngoài lãnh thổ của quốc gia thành viên và áp dụng trong một số lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như các điều ước quốc tế nhằm chống lại một số tội phạm quốc tế cũng có thể cho phép một quốc gia áp dụng pháp luật nội địa ở những khu vực ngoài lãnh thổ. Điều đó thể hiện sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong việc coi “thẩm quyền tài phán ngoài lãnh thổ” là một trong những biện pháp giải quyết các thách thức pháp lí. Điều tương tự cũng có thể dẫn từ trường hợp hành vi xảy ra ở địa điểm không thuộc lãnh thổ của bất kì quốc gia nào (như trên trạm không gian) thì phi hành gia sẽ phải tuân thủ theo pháp luật của nơi mà người đó là công dân.

Trong phần thảo luận, Một số câu hỏi liên quan đến lưu giữ dữ liệu cá nhân, xác định/xây dựng những quy ước chung giữa các quốc gia về việc thực hiện thẩm quyền tài phán ngoài lãnh thổ nói chung và trên không gian mạng nói riêng.

Kết thúc Buổi thuyết trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh đã gửi lời cám ơn tới GS. Hannah Buxbaum đã dành thời gian chia sẻ nhưng nghiên cứu, hiểu biết của mình về một chủ đề rất thời sự và rất nóng, cấp thiết. PGS hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những chia sẽ từ GS. Hannah Buxbaum nói riêng và từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước với các nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên của Khoa.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081