Chương trình đào tạo Cử nhân ngành Luật Kinh doanh của Khoa Luật đạt chuẩn kiểm định của mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á - AUN
Cập nhật lúc 10:59, 25/12/2020 (GMT+7)

Ngày 23/12/2020 vừa qua, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã chính thức nhận được Chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á - AUN (Asean University Network) cho chương trình đào tạo Cử nhân ngành Luật Kinh doanh của Khoa. 

 

Ảnh: Giấy chứng nhận Chương trình đào tạo Cử nhân Luật Kinh doanh đạt chuẩn kiểm định của Hệ thống đảm bảo chất lượng các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA)

AUN-QA (AUN-QA là viết tắt của ASEAN University Network - Quality Assurance) là mạng lưới chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á, được thành lập với nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.

Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của AUN-QA có 11 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 1 - Chuẩn đầu ra: 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 2 - Bản mô tả chương trình đào tạo: 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 3 - Cấu trúc và nội dung chương trình: 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 4 - Phương pháp tiếp cận trong dạy và học: 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 5 - Đánh giá kết quả học tập của người học: 5 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 6 - Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên: 7 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 7 - Đội ngũ nhân viên: 5 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 8 - Người học và hỗ trợ người học: 5 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 9 - Trang thiết bị và cơ sở vật chật: 5 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 10 - Nâng cao chất lượng: 6 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 11 - Kết quả đầu ra: 5 tiêu chí.

Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức:

Mức 1: Không có gì (không có tài liệu, kế hoạch, hồ sơ minh chứng )

Mức 2: Mới xây dựng kế hoạch

Mức 3: Có tài liệu, nhưng không có hồ minh chứng hoặc có nhưng không rõ ràng

Mức 4: Có tài liệu và hồ sơ minh chứng rõ ràng

Mức 5: Có hồ sơ minh chứng rõ ràng về hiệu quả trong lĩnh vực xem xét

Mức 6: Chất lượng tốt

Mức 7: Xuất sắc.

Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 50 tiêu chí. 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN

Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN-QA nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại, những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN. Việc tham gia kiểm định AUN-QA cũng sẽ mang lại giá trị như:

-                     Sinh viên sẽ được hưởng một chương trình đào tạo có chất lượng được cải tiến liên tục, trên tất cả các khía cạnh như khung chương trình, các môn học, giảng viên và hoạt động giảng dạy, hoạt động hỗ trợ sinh viên.

-                      Nhà tuyển dụng có cơ hội sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.

-                   Giảng viên được giảng dạy cho đối tượng là các sinh viên giỏi, được nghiên cứu và giảng dạy trong môi trường mang tính quốc tế, đặc biệt là có thêm cơ hội giao lưu học hỏi với các đối tác quốc tế và cũng tự hoàn thiện mình để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Cho đến nay, Khoa Luật đã có 4 chương trình đào tạo tham gia kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Năm 2016, Khoa Luật, ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên trong khối ngành Luật tại Việt Nam có chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN- QA. Năm 2017, Khoa tham gia kiểm định chất lượng đối với CTĐT thạc sĩ về Quyền con người và Quyền công dân. Và năm 2019, Khoa tiếp tục tham gia kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn này đối với chương trình đào tạo ngành Luật Kinh doanh. Để chuẩn bị cho quá trình kiểm định này, Khoa Luật đã có những chuẩn bị trong thời gian dài với các hoạt động như tập huấn, tự đánh giá, hoàn thiện các báo cáo, ... Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh doanh với mục tiêu cung cấp kiến thức kinh tế và pháp lý cơ bản và tư duy pháp lý hệ thống; để cung cấp kiến thức chuyên sâu về các quy định của môi trường thương mại trong nước và quốc tế. Với 135 tín chỉ kéo dài trong 4 năm đào tạo, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có nền tảng tư duy pháp lý có hệ thống để nhận định và giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp trong hoạt động thương mại và áp dụng vào thực tiễn nghề nghiệp.

Với truyền thống 44 năm hình thành và phát triển, với mục tiêu phát triển trở thành cơ sở đào tạo luật định hướng nghiên cứu chất lượng cao của đất nước, đến nay, Khoa đã và đang đào tạo các hệ: đào tạo đại học chính quy, đo tạo SĐH (gồm thạc sĩ & tiến sĩ). Đặc biệt, Khoa còn tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo liên ngành. Một số chuyên ngành đào tạo mang tính liên ngành cao như: Chương trình Thạc sĩ Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng; Chương trình Thạc sĩ Luật Biển và Quản lý Biển; Chương trình Thạc sĩ pháp luật về Quyền con người. Ngoài ra, Khoa còn đào tạo các hệ VLVH, văn bằng hai, văn bằng kép & liên kết đào tạo tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và quốc tế. Các sản phẩm đầu ra của loại hình đào tạo nào của Khoa, cũng được xã hội đánh giá cao về chất và về tiềm năng nguồn nhân lực; phần lớn người học sau khi tốt nghiệp đáp ứng tốt những điều kiện cần và đủ của nhà tuyển dụng với những phản hồi tốt. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ sở giáo dục Đại học như hiện nay, Khoa Luật, ĐHQGHN tự tin với sản phẩm đào tạo thực chất của mình; đồng thời, đây cũng là động lực cho Khoa phấn đấu hơn nữa để có thể khẳng định vị thế của mình trong tương lai trong tâm thế tự chủ trên nhiều phương diện.

 

Minh Giang
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081