Hội thảo “Quy định của phần chung Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và những vấn đề đặt ra”
Cập nhật lúc 17:54, 14/11/2021 (GMT+7)

Ngày 12 – 13/11/2021, Tại Serena Resort Kim Bôi, Hòa Bình, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng với Viện FES tại Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Quy định của phần chung Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và những vấn đề đặt ra”. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Hội thảo được diễn ra bằng cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Bộ luật hình sự năm 2015 đã ghi dấu ấn trong lịch sử lập pháp theo một cách rất riêng của nó, đem lại nhiều cảm xúc và trăn trở cũng như những việc cần phải làm đối với những người nghiên cứu và giảng dạy luật, đặc biệt là Luật Hình sự, kể cả sau khi Bộ luật này được sửa đổi bổ sung năm 2017. Với tư cách là luật nội dung, là nguồn thể hiện chính sách hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng tác động quan trọng tới nội dung, tới tính đồng bộ với các luật khác trong lĩnh vực Tư pháp Hình sự. Là một đơn vị nghiên cứu, đào tạo luật, trong những năm vừa qua Khoa Luật, ĐHQGHN đã có rất nhiều đề tài, bài viết về các khía cạnh khác nhau của Bộ luật Hình sự năm 2015. Khoa Luật cho rằng, câu chuyện đặt ra đối với người nghiên cứu không chỉ là nêu ra những vấn đề, những hạn chế nội tại của Bộ luật này mà còn là đưa lại những cách suy nghĩ mới, những tham chiếu mới để Luật Hình sự đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của cuộc sống, là công cụ quản lý xã hội hiệu quả của một nhà nước pháp quyền, một nhà nước đặt trọng tâm vào kiến tạo và thúc đẩy xã hội phát triển.

Tham dự Hội thảo có Trung tướng, PGS.TS. Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Chánh án TAQSTW, TS. Nguyễn Sơn -     Nguyên Phó Chánh án TANDTC, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, PGS.TS Kiều Đình Thụ - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Mai Bộ - Nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, TS. Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Quốc hội, GS.TSKH Đào Trí Úc – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành luật học, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Khoa Luật, ĐHQGHN. Về phía Khoa Luật có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Trịnh Tiến Việt – Phó Chủ nhiệm Khoa, GS.TSKH. Lê Văn Cảm - Nguyên Chủ nhiệm Khoa, GS.TS Phạm Hồng Thái -  Nguyên Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Trịnh Quốc Toản - Nguyên Quyền Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí - Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa, TS. Lê Lan Chi – Phụ trách Bộ môn Tư pháp Hình sự, TS. Mai Văn Thắng – Trưởng Phòng QLKH&HTPT. Ngoài ra, tham dự Hội thảo trực tuyến qua ứng dụng Zoom còn có 190 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học.

 
PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu tại Hội thảo
 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết đây là một Hội thảo chuyên sâu và có ý nghĩa khoa học rất quan trọng. Hoàn thiện Luật Hình sự, nhất là với Bộ luật Hình sự hiện hành không phải chỉ là câu chuyện của các nhà lập pháp mà còn là quan tâm, trăn trở của những người nghiên cứu và giảng dạy luật tại Khoa Luật, ĐHQGHN cũng như tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác. Khoa Luật rất mong muốn và quyết tâm tổ chức Hội thảo “Quy định của phần chung Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và những vấn đề đặt ra”. PGS cho biết thêm, Hội thảo không mang tính chất sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật vì sẽ có các hội nghị của các cơ quan có thẩm quyền. Hội thảo là diễn đàn chia sẻ các quan điểm khoa học, các ý tưởng khoa học để tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự, hoàn thiện đạo Luật Hình sự để bảo đảm tính đồng bộ với các văn bản luật khác trong hệ thống Tư pháp Hình sự, trên cơ sở những thành quả và những bài học lịch sử trước đó.

Hội thảo kết cấu thành 3 phần, tương ứng với 6 phiên, diễn ra trong 3 buổi gồm các nội dung: Xu hướng phát triển của Luật Hình sự, tính thống nhất của Luật Hình sự; Tội phạm và trách nhiệm Hình sự; Hình phạt và Quyết định hình phạt, chấp hành hình phạt.

 
 

Trong Phần 1, Hội thảo nhận được các ý kiến tham luận và thảo luận để góp phần nhận diện các xu hướng phát triển, hoàn thiện của Luật Hình sự, bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy những xu hướng phát triển, hoàn thiện của Luật Hình sự như thế nào. Ngoài ra, xu hướng hoàn thiện của Luật Hình sự còn xuất phát từ một yêu cầu vô cùng quan trọng, từ câu chuyện của bản thân Bô luật Hình sự năm 2015, đó là vấn đề kĩ thuật lập pháp và tính thống nhất trong Bộ luật này.

Phần thứ hai của Hội thảo với chủ đề về tội phạm và trách nhiệm Hình sự, đây là những vấn đề trọng tâm của Luật Hình sự. Trong phần này, Hội thảo đã làm rõ những cách tiếp cận mới về những dấu hiệu hay những đặc điểm chung của những hành vi bị coi là tội phạm, những cấu trúc chung, mẫu số chung của những hành vi bị coi là tội phạm, kỹ thuật phản ánh tội phạm trong Luật Hình sự. Về vấn đề trách nhiệm hình sự, hội thảo cũng nhận được các ý kiến thảo luận về các vấn đề đang đặt ra từ cách tiếp cận hiện nay của Bộ luật Hình sự về trách nhiệm Hình sự và miễn trách nhiệm Hình sự.

Phần thứ ba và cũng là phần cuối cùng của Hội thảo về hình phạt và Quyết định hình phạt, chấp hành hình phạt. Hội thảo được nghe các diễn giả trình bày trực diện vào các vấn đề của hình phạt chính, hình phạt bổ sung, những quy định của Luật Hình sự về chấp hành hình phạt và xoá án tích đang chưa tương thích, chưa phù hợp với các luật khác và với thực tiễn áp dụng.

Sau 3 buổi làm việc với 6 phiên và 24 tham luận được trình bày, Hội thảo với tinh thần xây dựng, thẳng thắn, tích cực, Hội thảo đã làm sáng tỏ các nội dung chính đề ra. Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo là vô cùng quý giá và cần thiết để đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy tiến trình hoàn thiện pháp luật mà đến nay đã làm được rất nhiều nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm. Thông qua Hội thảo lần này, Khoa Luật hi vọng các đại biểu cũng tìm thấy cho mình những chia sẻ dù là đồng thuận hay phản biện cho những vấn đề quan tâm chung.

Minh Giang
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081