Hội thảo góp ý về Dự thảo Luật Nhà giáo
Cập nhật lúc 0:00, 11/09/2024 (GMT+7)

Sáng ngày 10/9/2024 tại Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc UBTV Quốc hội, Trường Đại học Luật phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Nhà giáo”. 

Theo chương trình tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được đưa ra để thảo luận. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và các bên liên quan đã đóng góp ý kiến về việc hoàn thiện dự thảo này, nhấn mạnh cần làm rõ những đặc điểm riêng biệt của nghề giáo so với các ngành nghề khác. Đồng thời, cần xác định rõ khái niệm nhà giáo, đảm bảo tính khả thi và sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

 

Theo Tờ trình số 864 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể hiện chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Luật này cũng hướng tới việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng và tốt về chất lượng, đồng thời tạo động lực cho đội ngũ giáo viên và tôn vinh nghề nhà giáo.

 

Tham gia góp ý tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo các quy định trong luật không kìm hãm sự phát triển của các yếu tố khác. Bà cũng nhấn mạnh rằng cần làm rõ những điểm mới của luật để tôn vinh sự đóng góp của nhà giáo, đồng thời làm rõ tính mới mẻ, sự khác biệt giữa Luật Nhà giáo và các luật liên quan như Luật Viên chức và Luật Lao động. Bên cạnh đó, PGS cũng cho rằng có nhiều nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung liên quan đến giáo dục ngoài công lập, giáo viên nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam, …

Cũng tại buổi làm việc, PGS.TS Chu Hồng Thanh, giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh rằng nghề giáo không chỉ đòi hỏi kiến thức mà còn cần kỹ năng và khả năng sư phạm đặc thù, dự thảo luật mới cần làm rõ tính khác biệt này của nghề giáo thì mới đảm bảo tính thuyết phục. Ngoài ra, theo quan điểm của ông, dự thảo luật cũng cần lưu ý phân biệt rõ hai khái niệm ‘nhà quản lý’ và ‘nhà giáo’.

 

Chia sẻ những ý kiến góp ý của mình, PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đều có các quy định pháp luật liên quan đến nhà giáo nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và bảo vệ quyền lợi của giáo viên. Các quy định này thường liên quan đến tiêu chuẩn nghề nghiệp, điều kiện làm việc, tiền lương, quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo. Ở một số nước, nghề giáo được coi là một nghề đặc biệt và được luật pháp bảo vệ chặt chẽ. Về phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà giáo, PGS cho rằng cần chú ý điều chỉnh luật nhà giáo ở mức độ phù hợp để có thể tương thích với các quy định pháp luật chuyên ngành. Về quản lý, kinh nghiệm quốc tế cho thấy dù theo mô hình nào, luôn có xu hướng phân cấp, phân quyền, uỷ quyền trong quản lý giáo dục. Do đó, cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hơn nữa cho địa phương và các trường, hiệp hội trong quản lý giáo dục.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081