Ngày 21/3, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và Tạp chí Thanh tra tổ chức Hội thảo khoa học "Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng" (PCTN) phục vụ cho Đề tài độc lập cấp quốc gia "Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam". Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Luật, ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Luật Hiến pháp – Luật hành chính cùng các thầy, cô là chuyên gia đến từ Trường Đại học Luật, ĐHQGHN. Về phía Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ có TS. Nguyễn Quốc Văn – Viện Trưởng và các chuyên gia, nhà khoa học của Viện. Ngoài ra, Hội thảo có sự tham dự của đông đảo chuyên gia đến từ Quốc hội, Chính phủ, Báo Thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo và nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội. Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để làm sáng tỏ các triết lý, tư tưởng, quan điểm về PCTN, kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; đánh giá thực trạng nghiên cứu lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam hiện nay. Hội thảo được tổ chức công khai, dân chủ, với các ý kiến đa chiều. Hội thảo chia làm 02 phiên với các nội dung gồm: Phiên 1 “Tiếp cận khung lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”, Phiên 2 “Tiếp cận chính sách và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”. Tại Hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ, thống nhất nhận thức khi tiếp cận phạm vi kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phải được thực hiện trong trong cả hai khu vực công và tư; phải tiếp cận kiểm soát quyền lực theo hướng chủ thể kiểm soát luôn có thể là đối tượng bị kiểm soát; phải tiếp cận các cơ chế kiểm soát hiện có bao gồm cơ chế kiểm soát của Đảng, cơ chế kiểm soát của Nhà nước và cơ chế kiểm soát của xã hội; phải tiếp cận các phương thức kiểm soát bên trong - bên ngoài hệ thống; kiểm soát cứng - kiểm soát mềm; tiền kiểm - hậu kiểm; kiểm soát quyền trong ban hành chính sách và quyền trong thực thi chính sách; kiểm soát bằng công nghệ 4.0. Đồng thời, nhiều đại biểu cũng thống nhất xây dựng một khái niệm mang tính từ khóa, đó là khái niệm "kiểm soát quyền lực" phù hợp với thực tiễn Việt Nam, theo đó, liệu nội hàm của khái niệm kiểm soát quyền lực theo nghĩa hẹp có thể hàm chứa trong đó các phương thức hiện có như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát, điều tra, giám sát... Bế mạc Hội thảo, Ban Điều hành Hội thảo bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới các chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian viết bài và tham dự Hội thảo. Ban Điều hành nhấn mạnh rằng, Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ và Trường Đại học Luật, ĐHQGHN là hai đối tác chiến lược và gần gũi, đã có thỏa thuận hợp tác và triển khai hiệu quả trong suốt thời gian qua và Hội thảo này cũng là minh chứng cho điều đó. Hội thảo tiếp cận các khía cạnh lý luận về kiểm soát quyền lực để qua đó phòng, chống tham nhũng. Đây là cách tiếp cận trúng và đúng. Những tham luận và những thảo luận hôm nay đã chứng minh điều đó và kết quả của Hội thảo này sẽ là cơ sở khoa học để hai đơn vị tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả của Việt Nam qua đó góp phần đấu tranh và phòng, ngừa tham nhũng hiệu quả như tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương vừa qua. Hội thảo kết thúc tốt đẹp và hoàn thành mọi mục tiêu, chương trình đề ra. Hội thảo tiếp theo sẽ thảo luận các khía cạnh thực tiễn của kiểm soát quyền lực để nhằm phòng, chống tham nhũng hiệu quả và hi vọng sẽ tiếp tục được chào đón các chuyên gia, nhà khoa học tới dự và thảo luận. |