Hội thảo khoa học chuyên đề “Luật tư trước yêu cầu phát triển bền vững”
Cập nhật lúc 9:38, 05/11/2024 (GMT+7)

Chiều ngày 25/10/20224, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Luật tư trước yêu cầu phát triển bền vững”. Đây là Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Luật học Mùa Thu lần thứ IV.

 

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị như PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Phó hiệu trưởng VNU-UL), PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng (Phó giám đốc Học viện Tư pháp)  và nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực luật tư như: PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Nguyên Hiệu trưởng VNU-UL);  PGS.TS. Ngô Huy Cương; TS. Nguyễn Bích Thảo (Chủ nhiệm Khoa LDS VNU-UL); TS. Đỗ Giang Nam (Phó chủ nhiệm Khoa LDS VNU-UL); …

 

Hội thảo bao gồm 05 tham luận:

1. Pháp luật Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững - PGS. TS. Ngô Huy Cương

Bài viết phân tích các yêu cầu của phát triển bền vững đối với pháp luật, đặc biệt là sự điều chỉnh pháp luật để quản lý mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Từ đó nghiên cứu pháp luật Việt Nam liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững, từ chính sách pháp luật, Hiến pháp, đến các đạo luật liên quan đến môi trường và kinh doanh.

2. Bảo hộ “Công nghệ xanh” hướng tới phát triển bền vững - PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh

Trong phần tham luận, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phân tích vai trò của công nghệ xanh trong phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự suy thoái môi trường nghiêm trọng do phát triển kinh tế không bền vững. Bài viết nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ môi trường thông qua các công nghệ xanh nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội. Tác giả kêu gọi các quốc gia cần xem xét lại quan điểm toàn cầu về tầm quan trọng của phát triển bền vững.

3. Luật tài sản trước yêu cầu phát triển bền vững: Bước đầu nhận diện một số xu hướng nghiên cứu trên thế giới - TS. Đỗ Giang Nam, TS. Nguyễn Bích Thảo, ThS. NCS. Đào Trọng Khôi

Trong phần tham luận, các tác giả đánh giá tầm quan trọng của luật tài sản trong bối cảnh phát triển bền vững. Các tác giả tập trung vào nghiên cứu những lý thuyết mới và xu hướng cải cách luật tài sản, nhấn mạnh vào khía cạnh hiến định và quyền sở hữu. Các tác giả nhận định rằng cần điều chỉnh chế định quyền sở hữu để đáp ứng các yêu cầu mới của phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

4. Cải cách thủ tục tố tụng dân sự hướng tới phát triển bền vững - TS. Nguyễn Bích Thảo, TS. Ngô Thanh Hương

Các tác giả nhận diện những thay đổi trong tranh chấp dân sự hiện đại và nhu cầu cải cách thủ tục tố tụng dân sự để tăng cường tiếp cận công lý cho những nhóm yếu thế trong xã hội. Bài viết nhấn mạnh xu hướng toàn cầu của tố tụng đại diện/tập thể như một giải pháp hướng tới phát triển bền vững. Các tác giả phân tích thực trạng pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, đặc biệt là các quy định về tố tụng đại diện, đồng thời chỉ ra những bất cập và đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

5. Pháp luật hợp đồng trước yêu cầu phát triển bền vững - TS. Trương Huỳnh Nga

Trong bài viết, tác giả phân tích vai trò của pháp luật hợp đồng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững. Bài viết nhấn mạnh rằng pháp luật tư nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng không chỉ cần hỗ trợ sự phát triển kinh tế mà còn phải đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh diễn ra theo cách có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Tác giả định hướng rằng cần phải xây dựng pháp luật hợp đồng trở thành công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững toàn diện

6. Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững - ThS. NCS. Trần Công Thịnh

Tham luận tại Hội thảo, tác giả đã đánh giá mối quan hệ giữa phát triển bền vững của xã hội và pháp luật hôn nhân và gia đình. Tác giả nhận xét Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam 2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng đồng thời vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Tác giả cũng đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện Luật Hôn nhân và Gia đình, hướng tới phát triển bền vững của luật tư nói chung, đặc biệt trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống pháp luật.

Nhìn chung, các tác giả đều đồng thuận rằng pháp luật đóng vai trò chủ đạo trong mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng tới công bằng xã hội và thúc đẩy kinh tế bền vững.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081