Hội thảo khoa học quốc tế “Ảnh hưởng của mô hình pháp luật Xô Viết tới hệ thống pháp luật hiện đại của Nga, Trung Quốc và Việt Nam”
Cập nhật lúc 11:00, 12/10/2023 (GMT+7)

Trong 02 ngày 11-12/10/2023, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN phối hợp với Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov và Trường Luật, Đại học Thành phố Hong Kong tổ chức Hội thảo quốc tế “Ảnh hưởng của mô hình pháp luật Xô Viết tới hệ thống pháp luật hiện đại của Nga, Trung Quốc và Việt Nam”. Hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước trao đổi và chia sẻ những nghiên cứu của mình về ảnh hưởng của mô hình pháp luật Xô Viết tới các quốc gia như Nga, Trung Quốc và Việt Nam.

 
Toàn cảnh Hội thảo 

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Luật, ĐHQGHN có: PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Hiệu trưởng); TS. Nguyễn Trọng Điệp (Chủ tịch Hội đồng Trường); PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (Phó Hiệu trưởng); và các thầy cô là lãnh đạo các Khoa, Trung tâm thuộc Trường, các giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh.

Bên cạnh đó, Hội thảo có sự quan tâm tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành như: GS.TS. Võ Khánh Vinh, GS.TS. Lê Minh Tâm, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, GS.TS. Phạm Hồng Thái, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Trung tướng PGS.TS. Trần Văn Độ, TS. Nguyễn Văn Thanh, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn; … .

Về phía các chuyên gia nước ngoài, Hội thảo vinh dự được đón tiếp: GS. Guobin Zhu (Giám đốc Trung tâm Luật công và Quyền con người, Trường Luật, Đại học Thành phố Hong Kong); PGS.TS. Alexander Molotnikov (Giám đốc Trung tâm Pháp luật Châu Á. Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov); PGS.TS. Konstantin Lubenchenko (Giảng viên Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Liên bang của Xô Viết tối cao Liên Xô (1991)); GS.TSKH. Eygeny Gubin (Trưởng Bộ môn Luật kinh doanh, Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov, Nhà khoa học công huân Liên bang Nga); GS.TS. Alexey P. Albov  (Trưởng Bộ môn Lý luận pháp luật, nhà nước và Luật học so sánh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Liên bang Nga); GS.TSKH. Damir Salikhov (Trường đại học nghiên cứu cấp cao về kinh tế Liên bang Nga); GS. Zhiyuan Guo (Đại học Chính pháp Bắc Kinh, Trung Quốc); PGS.TS. Dmitrii Dedov (Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov); TS. Luong Thanh Hải (Trường khoa học xã hội, Đại học Queensland, Úc); PGS.TS. Ran Lu (Trường Luật, Đại học Soochow, Đài Loan); PGS.TS. Aleksandr Pishchulin (Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov)… cùng với rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học có uy tín khác của cả 03 quốc gia.

 
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu tại Hội thảo
 

Phát biểu chào mừng Hội thảo, lời đầu tiên, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh bày tỏ lòng cảm ơn và chào mừng tới các học giả trên thế giới và Việt Nam đã có mặt tại Trường Đại học Luật, ĐHQGHN tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Ảnh hưởng của mô hình pháp luật Xô Viết tới hệ thống pháp luật hiện đại của Nga, Trung Quốc và Việt Nam”. Nhận định về chủ đề Hội thảo, Hiệu trưởng cho biết “Mô hình pháp luật Xô viết ra đời và phát triển ở Liên Xô cũ, sau đó du nhập và có ảnh hưởng lớn trong hệ thống các nhà nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Cho tới tận ngày nay, mô hình pháp luật Xô viết vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật hiện đại của Việt Nam, Nga và Trung Quốc. Nó đã tác động đến xu thế phát triển của pháp luật trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và đổi mới ở các quốc gia này. Việc so sánh và nghiên cứu các hệ thống pháp luật đã tiếp nhận hoặc ảnh hưởng từ pháp luật Xô Viết có ý nghĩa rút ra bài học kinh nghiệm cho Nga, Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời đóng góp cho nghiên cứu về du nhập pháp luật và cải cách pháp luật nói chung”.

 
 

Trong 02 ngày diễn ra Hội thảo, với 05 phiên và 20 bài tham luận, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới nguồn gốc, sự ảnh hưởng của mô hình pháp luật Xô Viết tới các luật chuyên ngành, nguồn luật, tư tưởng pháp lý tại Việt Nam, Trung Quốc và Nga.

Phiên 1 với chủ đề “Ảnh hưởng của mô hình pháp luật Xô Viết: Nguồn gốc và đặc điểm". Tại phiên này, các chuyên gia thảo luận xoay quanh một số vấn đề chính như: những ưu điểm mang tính hệ thống của pháp luật Xô Viết; tác động của pháp luật Xô Viết lên các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam; …

Phiên 2 với chủ đề “Tác động của mô hình pháp luật Xô Viết đến tư duy pháp luật, nguồn pháp luật và hệ thống tư pháp”, các tác giả tập trung làm rõ những vấn đề mang tính hệ thống, những tác động rõ nét nhất của hệ thống pháp luật Xô Viết tới hệ thống tư pháp, Lý luận Nhà nước & Pháp luật tại Việt Nam, …

Phiên 3, các chuyên gia về Luật công của cả 03 quốc gia tập trung phân tích những ảnh hưởng mô hình pháp luật Xô viết đến Luật hiến pháp và Luật hành chính. Một số tham luận nổi bật bao gồm: ADN Liên Xô trong Hiến pháp Trung Quốc đương đại qua lăng kính hai khái niệm và một thể chế (GS. Guobin Zhu); : Hiến pháp Việt Nam - Từ ảnh hưởng của Hiến pháp Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đến việc ban hành Hiến pháp 2013 (GS. TS. Nguyễn Đăng Dung); Ảnh hưởng của khoa học luật hành chính Xô Viết đến khoa học luật hành chính Việt Nam (GS. TS. Phạm Hồng Thái).

 
 
 

Phiên 4: Ảnh hưởng mô hình pháp luật Xô viết đến Luật Hình sự, xoay quanh các nội dung về tội phạm học, nguyên tắc suy đoán vô tội, ảnh hưởng của mô hình pháp luật Xô Viết đến Luật tố tụng hình sự của các quốc gia; …

Phiên 5: Ảnh hưởng mô hình pháp luật Xô viết đến Luật Dân sự, Luật Kinh doanh, Luật Lao động và Luật Đất đai với các tham luận nổi bật: Tác động của Pháp luật Xô viết tới Luật tố tụng dân sự Việt Nam (TS. Nguyễn Bích Thảo); Khối SEV – mô hình hợp tác kinh tế kiểu Liên Xô (PGS. TS. Vũ Công Giao; NCS. Nguyễn Mạnh Tuân); Nghiên cứu so sánh pháp luật về sở hữu đất đai ở Liên Xô, Nga, Trung Quốc và Việt Nam (PGS. TS. Bùi Anh Thủy).

Phát biểu tổng kết, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn đánh giá “Theo tôi, Hội thảo khoa học quốc tế lần này đã diễn ra thành công tốt đẹp bởi sức hút mà nó tạo ra đối với đông đảo nhà khoa học, học viên, nghiên cứu sinh và quan trọng nhất là Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề mà chúng ta cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu trong tương lai”. PGS cũng không quên gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia đã tham gia Hội thảo, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài đã không quản ngại đường xa đến tham dự trực tiếp tại Hội thảo.

 
Chụp hình lưu niệm 

Sau 2 ngày làm việc, Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp. Đây dự kiến sẽ là tiền đề để các nhà khoa học tiếp tục phát triển các công trình nghiên cứu về sự ảnh hưởng của pháp luật Xô Viết và là cơ sở để các bên tiếp tục mối quan hệ hợp tác về học thuật trong tương lai.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081