Trong 4 ngày từ 1/6 đến 4/6/2023, đoàn công tác của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) gồm 5 thành viên: PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng (Trưởng đoàn), TS. Nguyễn Bích Thảo - Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự, TS. Trần Kiên – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật so sánh, TS. Nguyễn Thị Phương Châm và TS. Trương Huỳnh Nga - giảng viên Khoa Luật Dân sự, đã đến thăm, làm việc và phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế cùng với hai trường đại học đối tác ở Đài Loan (Trung Quốc) là Trường Luật, Đại học Chung Cheng (CCU) và Trường Luật, Đại học Tunghai (THU). Đây là hai cơ sở đào tạo luật có uy tín cao ở Đài Loan, đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Luật, ĐHQGHN (Khoa Luật ĐHQGHN trước đây) từ năm 2017, trong đó có nội dung đồng tổ chức hội thảo khoa học thường niên ở Đài Loan và Việt Nam để tăng cường giao lưu, trao đổi học thuật giữa các học giả Đài Loan và Việt Nam nhằm thúc đẩy công bố quốc tế. Ngày 1/6/2023, đoàn công tác tham quan Đại học Chung Cheng và có buổi gặp gỡ, trao đổi bên lề Hội thảo với GS. YAO Hsin-An - Phó Hiệu trưởng đồng thời là Trưởng Khoa Luật kinh tế và Luật tài chính, GS. JSENG Pin-Chieh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật Đông Á. Tại buổi gặp, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh đã giới thiệu với các giáo sư CCU về sự phát triển gần đây của Trường Đại học Luật, ĐHQGHN kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2022 khi Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 1124/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Luật thành viên ĐHQGHN trên cơ sở Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN. Hai bên đã trao đổi về các cơ hội hợp tác tiếp theo trên nhiều lĩnh vực như: Tiếp tục phối hợp tổ chức hội thảo khoa học; Xuất bản; Trao đổi học giả, trao đổi sinh viên; xếp hạng đại học v.v… Ngày 2/6/2023, Hội thảo khoa học quốc tế trong khuôn khổ Diễn đàn pháp luật Đài Loan – Việt Nam lần thứ 6 với chủ đề “Nguồn của luật tư – Sự phát triển mới ở Đài Loan và Việt Nam” đã long trọng diễn ra tại Hội trường của Trường Luật CCU kết hợp với trực tuyến qua nền tảng Google Meet. Tham dự Hội thảo có GS. SHENG Tzu-Lung - Hiệu trưởng Trường Luật, CCU, GS. LIN Geng-Schenq - Hiệu trưởng Trường Luật, THU, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, ĐHQGHN và các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học của Trường Luật CCU, Trường Luật THU và Trường ĐH Luật, ĐHQGHN. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh nhấn mạnh Trường Đại học Luật, ĐHQGHN, Trường Luật Đại học Chung Cheng và Trường Luật Đại học Tunghai (Đài Loan) là các đối tác có quan hệ hữu hảo và truyền thống. Sau một thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ba trường rất vui mừng tái khởi động Diễn đàn pháp luật Đài Loan-Việt Nam bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để thúc đẩy giao lưu, trao đổi học thuật. PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh khẳng định trong những năm gần đây, với sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của Đài Loan và Việt Nam, luật tư ở hai nền kinh tế này phát triển ngày càng mạnh mẽ, các loại nguồn của luật tư không ngừng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ dân sự hết sức đa dạng. Các học giả Đài Loan rất quan tâm đến sự phát triển các nguồn mới của luật tư Việt Nam như án lệ, lẽ công bằng, còn các học giả Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc học hỏi kinh nghiệm áp dụng các nguồn của luật tư ở Đài Loan. Do đó, việc tổ chức hội thảo này là cơ hội tốt để đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi học thuật của cả hai bên. Trong quá trình chuẩn bị cho hội thảo, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN đã nhận được sự đồng hành, phối hợp và hỗ trợ hết sức nhiệt tình và hiệu quả của Trường Luật, CCU và Trường Luật, THU, đặc biệt là GS. JSENG Pin-Chieh và GS. LIN Geng-Schenq. Thay mặt cho Trường Đại học Luật, ĐHQGHN, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh ghi nhận và bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Ban Giám hiệu, các giáo sư, giảng viên, cán bộ, học viên sau đại học và sinh viên của Trường Luật CCU, Trường Luật THU đã đón tiếp Đoàn rất nồng hậu, chu đáo và hỗ trợ hiệu quả trong công tác tổ chức Hội thảo. Hội thảo còn được sự ủng hộ của Tập đoàn Coretronic (Đài Loan) – doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và rất quan tâm tìm hiểu pháp luật Việt Nam. Hội thảo diễn ra trong cả ngày 2/6/2023 với 4 phiên. Phiên 1: Lý thuyết chung gồm 4 bài tham luận do GS. YAO Hsin-An, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Khoa Luật kinh tế và Luật tài chính, Trường Luật CCU chủ trì. Tại phiên này, các diễn giả trình bày những vấn đề lý luận chung về nguồn của luật tư và lịch sử phát triển của nguồn luật tư ở Việt Nam và Đài Loan. PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh mở đầu phiên 1 với tham luận “Học thuyết pháp lý trong hệ thống nguồn của luật tư”, tiếp theo là tham luận “Nguồn của luật tư trong quá trình cải cách pháp luật ở Việt Nam” của PGS. TS. Ngô Huy Cương do TS. Nguyễn Bích Thảo thay mặt tác giả trình bày. TS. Trần Kiên trình bày tham luận “Từ khái niệm nguồn pháp luật xã hội chủ nghĩa đến khái niệm nguồn luật La Mã: Hành trình về quá khứ ở Việt Nam”, và TS. LEE Chung-Tao, Trường Luật, THU trình bày tham luận “Tiếp nhận chế định trách nhiệm pháp lý do lỗi của luật La Mã trong luật dân sự hiện đại”. Phiên 1 kết thúc với phần bình luận của GS. LIN Geng-Schenq, Hiệu trưởng Trường Luật, THU. Tiếp theo, Phiên 2 với chủ đề “Tập quán và áp dụng tương tự pháp luật” do TS. Nguyễn Bích Thảo chủ trì gồm 3 tham luận: “Tập quán pháp trong luật tư Việt Nam” của TS. Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7), Giảng viên kiêm nhiệm của Trường ĐH Luật ĐHQGHN do TS. Trần Kiên thay mặt tác giả trình bày, và hai tham luận của các học viên cao học Trường Luật CCU. Sau các tham luận là phần bình luận của GS. JSENG Pin-Chieh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật Đông Á, CCU và phần thảo luận, đặt câu hỏi rất sôi nổi của các đại biểu Việt Nam và Đài Loan. Phiên 3 và Phiên 4 Hội thảo diễn ra vào buổi chiều với các chủ đề tương ứng về Án lệ và Lẽ công bằng. Phiên 3 gồm 5 tham luận tập trung vào các chủ đề: Vai trò của luật nước ngoài và án lệ trong pháp luật sở hữu trí tuệ Đài Loan (GS. YAO Hsin-An, CCU), Mở rộng phạm vi án lệ ở Việt Nam: từ góc nhìn của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân (TS. Nguyễn Thị Phương Châm và ThS. Đào Trọng Khôi, Trường Đại học Luật ĐHQGHN), Sự phát triển của luật hợp đồng ở Việt Nam: góc nhìn từ các án lệ đã công bố (TS. Trương Huỳnh Nga, Trường Đại học Luật ĐHQGHN), Nguồn gốc và sự phát triển của đạo luật bảo hiểm ở Đài Loan (TS. LAI Huan-Sheng, Khoa Quản trị rủi ro và Bảo hiểm, Đại học Feng Chia, Đài Loan), Vai trò của học thuyết pháp lý trong luật thương mại Đài Loan (tác giả YIN Chen-Yuan, học viên cao học của CCU). Phần thảo luận ở Phiên 3 được dẫn dắt bởi GS. CHIANG Chao-Sheng CCU và TS. Trần Kiên. Phiên 4 gồm 2 tham luận: “Vai trò của lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình ở Việt Nam” (TS. Nguyễn Bích Thảo và TS. Ngô Thanh Hương, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN) và “Luật công bằng áp dụng trong giải quyết tranh chấp về sáng chế tại Tòa án và Trọng tài” (TS. LIN Chin-Lung, Đại học Quốc phòng, Đài Loan). Phần thảo luận ở Phiên 4 được dẫn dắt bởi TS. CHANG Kai-Hsin, Trường Luật THU. Phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh và GS. JSENG Pin-Chieh khẳng định Hội thảo đã thành công tốt đẹp với nhiều bài viết có chất lượng chuyên môn cao và phần thảo luận sôi nổi, thú vị, giúp các học giả và sinh viên của các trường tham dự có thêm hiểu biết về luật tư của Đài Loan và Việt Nam, đặc biệt là về từng loại nguồn của luật tư, thứ tự áp dụng các loại nguồn và nguyên tắc, kỹ thuật giải thích pháp luật dân sự. Sau hội thảo, các bài viết sẽ được thẩm định, biên tập để xuất bản trên các tạp chí luật uy tín ở Đài Loan và Việt Nam. PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh trân trọng mời các giáo sư và học viên, sinh viên luật của CCU và THU đến thăm Trường Đại học Luật, ĐHQGHN và tiếp tục phối hợp tổ chức các hội thảo quốc tế trong thời gian tới. Ngày 3/6/2023, đoàn công tác của Trường Đại học Luật, ĐHQGHN đến thăm Trường Luật, THU và tham dự tọa đàm “Pháp quyền và công nghệ” cùng các giáo sư của Trường Luật, THU và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Đài Loan. Tọa đàm do GS. LIN Geng-Schenq, Hiệu trưởng Trường Luật, THU chủ trì. Tại buổi tọa đàm, ông Justin Chang, đại diện Công ty IfAIgo trình bày về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khai thác, phân tích thông tin sáng chế phục vụ cho việc đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế, định giá sáng chế, xây dựng chiến lược cạnh tranh, dự báo rủi ro kiện tụng của các doanh nghiệp công nghệ. Tiếp theo, ông Daniel Lin, đại diện Công ty eGroupAI trình bày tham luận về ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong nhiều lĩnh vực của đời sống như y tế, quản trị nhân lực, quản lý tiến độ công việc, quản trị nhà máy… Phát biểu thảo luận tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh chia sẻ về các chức năng khác của khai thác thông tin sáng chế như tìm kiếm đối tác nghiên cứu, tìm kiếm nhân tài trong cùng lĩnh vực để thu hút về doanh nghiệp của mình, lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp v.v…PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh cũng đặt câu hỏi về các khía cạnh đạo đức trong phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Đài Loan, thực trạng thảo luận, xây dựng chính sách về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Chuyến công tác đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu hảo giữa Trường Đại học Luật, ĐHQGHN với Trường Luật, CCU và Trường Luật, THU và mở ra nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi học thuật mới giữa ba trường, hứa hẹn đem lại những thành công tiếp theo về hợp tác phát triển, công bố quốc tế, trao đổi sinh viên… |