Ngày 28 và 29/9/2021, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ, Viện Liên kết toàn cầu (IGE), Trung tâm Tôn giáo và xã hội toàn cầu - Đại học Kinh tế và chính trị Luân đôn, Trung tâm Quốc tế nghiên cứu Pháp luật và Tôn giáo - Trường Luật J. Reuben Clark - Đại học Brigham Young tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Tôn giáo và Pháp quyền: Tiến tới một quan hệ hài hoà trong thời đại toàn cầu hoá". Hội thảo được tổ chức bằng hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội thảo có Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Ông Bùi Văn Nghị - Tổng Thư ký Hội Việt - Mỹ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, TS. James Chen - Phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu tại Viện Liên kết toàn cầu (IGE), TS. Chris Seiple - Chủ tịch danh dự Viện Liên kết toàn cầu (IGE), TS. James Arthur Walters - Giám đốc Trung tâm Tôn giáo và xã hội toàn cầu, Đại học Kinh tế và chính trị Luân đôn, Vương quốc Anh, GS. Brett Scharffs - Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Pháp luật và Tôn giáo, Trường Luật J. Reuben Clark, Đại học Brigham Young, Hoa Kỳ. Về phía Khoa Luật có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hành chính, TS. Mai Văn Thắng – Trưởng phòng QLKH&HTPT, TS. Bùi Tiến Đạt – Phó Trưởng phòng QLKH&HTPT. Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, và nước ngoài. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu khai mạc Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết chủ đề của Hội thảo đề cập đến hai phạm trù rất lớn chi phối cách thức tổ chức và hoạt động của xã hội loài người, đó là tôn giáo và pháp quyền. Liệu hai phạm trù khác biệt đó có điểm gì tương đồng? Mối quan hệ giữa chúng như thế nào? Liệu chúng có thể cùng tồn tại và phát triển với nhau hay không? Làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ hài hoà giữa tôn giáo và pháp quyền trong thời đại toàn cầu hoá? Đây là những câu hỏi đã xuất hiện từ lâu nhưng cho đến nay vẫn cần tìm thêm lời giải đáp, và cuộc hội thảo này sẽ góp phần vào việc đó. Với tinh thần đó, PGS chờ đón tham luận của các học giả từ nhiều nước sẽ trình bày trong hai ngày hội thảo. Hôi thảo có 4 phiên làm việc dưới sự chủ trì của Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, TS. James Chen, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn, TS. Chris Seiple. Mở đầu Hội thảo là tham luận về Định nghĩa, thúc đẩy và thể chế hóa quyền tự do tôn giáo: Sự hợp tác giữa Chính phủ và xã hội dân sự của TS. Chris Seiple với các nội dung chính: Nhận thức về tôn giáo và đa nguyên tôn giáo; Định nghĩa tôn giáo trong chính sách đối ngoại: Sự khác biệt giữa quyền tự do tôn giáo và việc tham gia các hoạt động tôn giáo; Thúc đẩy quyền tự do tôn giáo quốc tế: đấu tranh hoặc xây dựng (advocating or building); Thể chế hóa tự do tôn giáo trong nước và quốc tế nên thực hiện từ trên xuống hay từ dưới lên? Hoặc cả hai? Cách chính phủ Mỹ và xã hội dân sự hợp tác với nhau để thúc đẩy tự do tôn giáo trên cả nước và cho cộng đồng toàn cầu? TS. Chris Seiple trình bày tham luận tại Hội thảo Liên quan tự do tôn giáo, pháp quyền và chủ nghĩa toàn cầu, GS. Jessica Giles đã nhắc tới khái niệm quyền tự do tôn giáo như một quyền phổ biến và mức độ phụ thuộc vào pháp quyền. Nói cách khác, liệu quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng phụ thuộc vào một kiểu cấu trúc hiến pháp phổ quát hay không? Nhìn từ góc độ pháp quyền, câu hỏi đặt ra là liệu pháp quyền có phụ thuộc vào tự do tôn giáo hay không. PGS.TS. Chu Hồng Thanh trình bày tham luận PGS.TS. Chu Hồng Thanh trình bày tham luận thứ tư với nội dung về “Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo trong thời hiện đại”. Theo PGS thì trong xã hội hiện đại thì các tôn giáo ngày càng phát triển và số lượng tín đồ cũng gia tăng. Bối cảnh đó đòi hỏi mỗi người phải chấp nhận sự khác biệt trong các tín ngưỡng, ở các quốc gia đa tôn giáo thì phải bảo đảm sự bình đẳng, ở những quốc gia có tôn giáo được chính thức hóa thì vẫn phải tôn trọng các tôn giáo khác. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề xung đột phức tạp như: Sự phát triển quá nhanh của các tôn giáo dễ dẫn đến các xung đột giữa các tôn giáo hoặc giữa các dòng khác nhau trong cùng tôn giáo; Một mặt các tôn giáo làm phong phú đời sống tinh thần của quốc gia nhưng cũng có thể dẫn đến sự mai một những giá trị chủ đạo của quốc gia đó; Một số tôn giáo mới rất tích cực nhưng cũng có một số loại tôn giáo tiêu cực; Xu hướng chính trị hóa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tại phiên 2 của Hội thảo, GS.TS. Janet Epp Buckingham trình bày tham luận về Quyền tự do tôn giáo và pháp quyền: vụ việc điển hình tại tỉnh Quebec; PGS.TS. Go Lisanawatti trình bày tham luận về “Hạn chế hành vi xúc phạm tôn giáo trên mạng xã hội dưới góc nhìn của Luật Thông tin và giao dịch điện tử (ITE) của Indonesia”; Bà Cekli Setya Pratiwi trình bày tham luận về “Giới thiệu phương pháp giải quyết xung đột nhằm thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo: Các chỉ trích đối với phương pháp quản lý giải quyết xung đột giữa các nhóm Shia và Sunni ở Sampang, Indonesia” và GS Nicholas Mark Hill trình bày tham luận về “Đưa tôn giáo vào nơi làm việc, thúc đẩy nhân phẩm và năng suất thương mại” Phiên 3 và 4 của Hội thảo diễn ra ngày 29/9/2021 với các phần trình bày của TS. Jame Walters, TS. Sébastien Lafrance, ông André Fagundes, GS. Yuichiro Tsuji, GS. Zhiyuan Guo, TS. Ved Pal Singh, bà Trần Phương Chi và ông Jan Figel. Theo đó, TS. Jame Walters nhắc tới tự do tôn giáo là vấn đề rất quan trọng và cần được xem xét kĩ mối quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức tôn giáo với nhiều chuẩn mực văn hóa và ứng xử khác nhau. Bản thân các quy tắc của tôn giáo cũng có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của các cộng đồng tôn giáo đó. TS. Sébastien Lafrance cho biết Quyền tự do tôn giáo ở Canada được bảo đảm bởi Hiến chương nhân quyền và tự do, trong đó có tự do tôn giáo. Mức độ ảnh hưởng của tôn giáo ở Canada khá lớn nên thậm chí có câu hỏi Nhà nước Canada có phải là một chính quyền tôn giáo hay không? Nhưng câu trả lời chắc chắn là không. Ngay cả trong Hiến chương nhân quyền và tự do cũng khẳng định nhà nước cũng như các nhân viên công vụ phải gìn giữ tính trung lập của họ khi có những ứng xử liên quan đến tôn giáo. Ngoài ra, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một người cũng có thể bị hạn chế nếu như việc thực hành tôn giáo của họ ảnh hưởng đến các tự do của người khác. Ông André Fagundes cho rằng thực tế cho thấy nhiều khi pháp luật có thể xung đột với các quy tắc tôn giáo. Chẳng hạn như khi pháp luật đặt ra một số quy tắc chung nhưng có nhóm tôn giáo lại không thực hiện và lấy lí do tôn giáo không cho phép thì rất khó giải quyết. Hoặc việc thực hành nghi lễ tôn giáo gây ra những âm thanh quá lớn so với sự cho phép ở nơi công cộng thì cũng gây ra trở ngại. Trong những trường hợp nhất định có thể chứng kiến các dạng phân biệt đối xử trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong bài thuyết trình của mình GS. Yuichiro Tsuji để cập đến xã hội có đa dạng các nhóm cư dân thì việc giải quyết các vấn đề xung đột rất cần sự cẩn trọng. Nhiều khi các nhóm đa số cần phải chấp nhận quan điểm/tín ngưỡng của những nhóm thiểu số. Trong một số trường hợp phải xác định từng hành vi cụ thể có phải là biểu hiện của thực hành tín ngưỡng, tôn giáo hay không và từ đó mới đối chiếu với các quy phạm. Để chấp nhận quan điểm tôn giáo của các nhóm thiểu số có thể sẽ khó khăn trong một số trường hợp nhưng phải được xử lí một cách linh hoạt chứ không chỉ đơn thuần dựa trên các nguyên tắc của luật. Theo GS. Zhiyuan Guo, Trung Quốc là một đất nước đa tôn giáo. Tự do tôn giáo được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật như Luật lao động, Luật giáo dục phổ cập, Luật về khu tự trị,… Đây không phải là một quyền tuyệt đối mà bị giới hạn theo luật. Thậm chí pháp luật còn nghiêm cấm việc thực hành tôn giáo kiểu sùng bái/mê tín. Đề cập đến những nguyên tắc của chủ nghĩa thế tục là không xây dựng chính quyền tôn giáo, tôn trọng tất cả các tôn giáo và bảo đảm công bằng, bình đẳng trong khu vực công bất kể liên quan đến gia tầng nào. TS. Ved Pal Singh cho rằng nguyên tắc này được thể hiện rõ trong Hiến pháp và Nhà nước không cung cấp tài chính cho những cơ sở có biểu hiện phân biệt tôn giáo hoặc các nhóm thiểu số. Nhắc tới Nhà nước và không gian tôn giáo trong giáo dục đại học, bà Trần Phương Chi cho rằng tôn giáo là một cầu nối quan trọng giữa nhà nước với công dân, đặc biệt là với giới trẻ. Tham luận trình bày tại Hội thảo này đã tiến hành khảo sát việc thực hiện một số hành động có tính tín ngưỡng trong giới trẻ ở một số trường đại học tại Việt Nam. Tham luận của ông Jan Figel cho biết hiện nay có nhiều quốc gia đang đặt ra nhiều cản trở đối với tự do tôn giáo xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chỉ một số nhỏ dân số thế giới thực sự được bảo đảm quyền này. Trong khi tự do tôn giáo có mối liên hệ mật thiết với phẩm giá con người và giúp xã hội loài người trở nên nhân văn hơn. Trong đó, việc hỗ trợ các nhóm thiểu số là nhiệm vụ cao cả. Phần thảo luận của các phiên cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự. TS. Chris Seiple giải thích thêm về khái niệm “Institutionalizing” (Thể chế hóa) về tự do tôn giáo. GS. Jessica giải thích thêm về Luật nhân quyền quốc tế không cho quyền tự do tôn giáo là một quyền tuyệt đối mà có thể bị hạn chế trong những trường hợp nhất định. PGS Chu Hồng Thanh chia sẻ thêm về vấn đề chính trị hóa tôn giáo hiện nay và trước đây. GS Mark Hill chia sẻ thêm làm thế nào để hòa hợp giữa các tôn giáo, đức tin ở nơi làm việc. TS. Go Lisanawati cho biêt thêm tại Indonesia đã làm thế nào để thực thi Luật ITE được thuận lợi. Với câu hỏi liên quan đến sự khác nhau giữa phân biệt đối xử gián tiếp và phân biệt đối xử ngầm, ông André Fagundes cho biết hai loại phân biệt này khá tương đồng với nhau và đều đặt ra áp lực đối với các nhóm thiểu số, đặc biệt với những phân biệt có nguồn gốc từ pháp luật. Hội thảo diễn ra với 16 tham luận chính của 16 diễn giả trong nước và quốc tế. Hội thảo đã thu hút gần 150 đại biểu tham dự cho thấy chủ đề Hội thảo đang là chủ đề mà nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm. Khoa Luật rất vui mừng và gửi lời cám ơn tới nỗ lực và hỗ trợ quý báu của ĐHQGHN và các đơn vị đồng tổ chức, sự tham gia tích cực của các diễn giả và của tất cả các đại biểu tham gia. |