Trong các ngày 23/6 và 25/6/2022, Đoàn Công tác của Khoa Luật, ĐHQGHN đã tới thăm, làm việc và phối hợp với Tòa án Nhân dân hai cấp tỉnh Khánh Hòa và Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk với chủ đề “Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 trong xét xử các vụ án tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và một số vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015” nhằm trao đổi về thực tiễn xét xử, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) để trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị tiếp tục hoàn thiện Bộ luật này trong thời gian tới. Toàn cảnh Tọa đàm Tại Khánh Hòa, ngày 23 tháng 6 năm 2022, Đoàn Công tác của Khoa Luật, ĐHQGHN do PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh làm Trưởng Đoàn và các giảng viên, nhà khoa học của Khoa đã thăm trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, trao đổi với đồng chí Nguyễn Anh - Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa về các vấn đề liên quan đến tổ chức, nhân sự, điều kiện làm việc của Tòa án. Sau đó, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQGHN PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh và đồng chí Nguyễn Anh Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, tọa đàm với chủ đề “Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 trong xét xử các vụ án tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự tại Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Khánh Hoà và một số vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015” đã diễn ra sôi nổi, chất lượng với sự tham dự của Lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh, Lãnh đạo các tòa án cấp huyện trực thuộc và các thẩm phán của Tòa án Nhân dân tỉnh cùng Đoàn công tác của Khoa Luật ĐHQGHN. Tham dự Đoàn công tác của Khoa, còn có sự hiện diện của Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Nguyên Chánh án Tòa án quân sự trung ương PGS.TS. Trần Văn Độ, Nguyễn Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Ủy viên Ủy ban QPAN Quốc hội, TS. Nguyễn Mai Bộ.  PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu tại Tọa đàm Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới Chánh án TAND tỉnh và Lãnh đạo TAND tỉnh Khánh Hòa nói chung đã dành cho Đoàn công tác nói chung và Khoa Luật, ĐHQGHN nói riêng sự tiếp đón trọng thị, chân thành. PGS. Nguyễn Thị Quế Anh đã giới thiệu về Khoa Luật, ĐHQGHN và trao đổi về mục đích của chuyến công tác. Về mục tiêu và nội dung của Tọa đàm: Tọa đàm có mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 trong xét xử các vụ án tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự tại Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Khánh Hoà và trao đổi, thảo luận về việc hoàn thiện Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015. Nội dung chính của Tọa đàm là các nhà thực tiễn trình bày những vướng mắc liên quan đến việc áp dụng khoản 6 Điều 134 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác; việc xác định TNHS đối tội phạm này và tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự; vấn đề xác định vị trí trọng yếu trên cơ thể; vấn đề áp dụng án lệ số 17 và 45; một số tình tiết định khung tăng nặng tại Điều 134 BLHS 2015. Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, lãnh đạo tòa án hai cấp và thẩm phán tòa án đã trao đổi, thảo luận, đưa ra các câu hỏi liên quan đến: (1) Những bất cập phát sinh từ những quy định về hành vi chuẩn bị phạm tội, đặc biệt là khoản 6 Điều 134 cả dưới góc độ lập pháp và áp dụng pháp luật. Khi định tội danh trong trường hợp chuẩn bị phạm tội thì tuyên bị cáo phạm tội gì là phù hợp. (2) Vấn đề khởi tố theo yêu cầu của người bị hại khiến việc gây thương tích cho người khác mà để lại hậu quả trên thực tế có thể không chắc đã bị xử lý hình sự, trong khi hành vi sửa soạn, tìm kiếm những điều kiện thuận lợi – thực tế là chưa bắt đầu thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, chưa xâm hại sức khoẻ của người khác thì lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguyên tắc công minh trong luật hình sự… Buổi Toạ đàm đã chỉ ra những điểm bất cập từ các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, đây là một trong những nguyên nhân khiến việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn đấu tranh với tội phạm còn chưa được thống nhất và tồn đọng những vướng mắc nhất định. Mặc dù chưa có đủ thời gian để đề cập tới những nội dung liên quan đến các tội xâm phạm nhân phẩm và danh dự của con người nhưng những ý kiến chia sẻ tại Toạ đàm là kết tinh của sự giao thoa giữa lý luận và thực tiễn, tạo cơ sở cho những kiến nghị về chính sách, đặc biệt là những sáng kiến hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm tăng cường bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của con người. Tại Đắk Lắk, ngày 25 tháng 6 năm 2022, Đoàn Công tác của Khoa Luật ĐHQGHN do PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh đã đến thăm, làm việc tại Trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh và phối hợp tổ chức Tọa đàm “Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 trong xét xử các vụ án tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự tại Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk và một số vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015.” Đón tiếp và làm việc với Đoàn Công tác có TS. Nguyễn Duy Hữu – Chánh án TAND tỉnh cùng toàn bộ các đồng chí lãnh đạo, thẩm phán Tòa án Nhân dân tỉnh và các tòa án nhân dân cấp huyện của Đắk Lắk. Ngoài ra, tham dự tọa đàm còn có sự hiện diện của lãnh đạo tòa án nhân dân các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh. Mục tiêu và Nội dung của Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm và những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 trong xét xử các vụ án tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự tại Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk và trao đổi, thảo luận về việc hoàn thiện Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015. Các nhà thực tiễn trình bày những vướng mắc liên quan đến việc áp dụng Điều 14 của Bộ luật hình sự về trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội; khoản 6 Điều 134 về hành vi chuẩn bị phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khoẻ của người khác; Điều 318 về tội gây rối trật tự công cộng. Bên cạnh đó, các thẩm phán cũng chia sẻ những tâm tư trong việc có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không đối với những hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng không trái với luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số (cụ thể là người Ê Đê), chẳng hạn như những hành vi tổ chức tảo hôn; hiếp dâm người dưới 16 tuổi hoặc giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi…. Thực tế cho thấy một số quy định của BLHS chưa đi vào đời sống của những người đồng bào, việc xử lý hình sự sẽ không đạt hiệu quả giáo dục ý thức pháp luật của họ. Các câu hỏi và nội dung thảo luận chính: - Những bất cập phát sinh từ những quy định về hành vi chuẩn bị phạm tội, đặc biệt là khoản 6 Điều 134 cả dưới góc độ lập pháp và áp dụng pháp luật. Những vướng mắc từ thực tiễn khi định tội danh trong trường hợp chuẩn bị phạm tội. - Sự vênh nhau giữa phong tục, tập quán với pháp luật, nhu cầu đưa pháp luật vào đời sống thực tiễn cũng như vấn đề phi tội phạm hoá đối với một số hành vi xảy ra rất phổ biến (ở 1 số vùng miền) và tính nguy hiểm chưa tới mức cần thiết phải bị xử lý hình sự. Kiến nghị, kết luận của Tọa đàm: Toạ đàm diễn ra rất sôi nổi, thú vị và bổ ích. Việc giải thích, chia sẻ quan điểm giữa đại diện cơ quan lập pháp (cộng tác viên của Bộ môn Tư pháp hình sự, Khoa Luật) với các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy luật và cán bộ áp dụng pháp luật tại buổi Toạ đàm có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức đối với các quy định của BLHS về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, làm cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật cũng như cơ sở của việc đưa ra các kiến giải hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015. |