Khoa Luật và tôi - Một bến đỗ không định trước
Cập nhật lúc 10:50, 04/11/2016 (GMT+7)

 GS.TS. Nguyễn Đăng Dung
Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội 

 

 

Sau khi tốt nghiệp Đại học ở Liên Xô (cũ) năm 1981, về nước tôi một mực xin Bộ Đại học về quê công tác với lý do rất đơn giản - tôi người nhà quê. Được phân công về cơ quan có quyền lực nhà nước cao nhất, đương nhiên với tư cách là cơ quan giúp việc - Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước cũng với lý do không kém phần học thuật của chủ nghĩa Mác mà tôi đã từng học: anh là bộ đội giành được chính quyền thì bây giờ anh phải tổ chức xây dựng chính quyền. Công việc này còn khó hơn công việc đầu tiên đấy. Không “cãi” vào đâu được, tôi cầm quyết định về làm việc.
Thấm thoắt đã 10 năm, là một chuyên viên pháp luật cần mẫn, tôi cũng đã kịp bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ ở Liên Xô (cũ), và có một số đóng góp nhất định cho Văn phòng Quốc hội mà thành quả của nó cũng có ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của Quốc hội. Trong Hiến pháp và trong các văn bản luật, ít nhiều cũng có những dấu ấn của tôi. 

Lý do tôi chuyển khỏi Văn phòng Quốc hội cũng rất đơn giản: Cuộc sống của thời bao cấp với một gia đình hai vợ chồng đều làm cán bộ công chức, lại càng khó khăn hơn khi cả hai không là quan chức bàn giấy, không có liên quan gì đến kinh doanh thương mại, không có khoản thu nhập thêm. Tôi tính chuyện đi dạy thêm cho Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Hà Nội, lúc bấy giờ Khoa đã mở lại sau một thời gian bị sáp nhập với Trường Cao đẳng Pháp lý thành Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Đại học Luật Hà Nội). Rất thiếu giáo viên, tôi dần trở thành giáo viên kiêm nhiệm của Khoa, tôi dần xa rời Văn phòng Quốc hội, ngay cả khi Quốc hội họp, tôi cũng xin đi dạy cho Khoa ở vùng xa Hà Nội. Thủa ban đầu của việc xin chuyển đi, Khoa Luật, Đại học Tổng hợp không phải đích đến của tôi, hay ít nhất chỉ là một cái đích tạm thời. Nhưng việc xin đi xa không thành bởi nhiều lý do, trong đó có lý do cơ bản là chỗ ăn chỗ ở, tôi đành xin về Khoa. Việc xin đi khỏi Văn phòng Quốc hội càng thuận tiện hơn khi Hiến pháp năm 1992 được thông qua, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước được tách thành hai cơ quan khác nhau, một phục vụ cho Quốc hội và một cho Chủ tịch nước. Thế là tôi chuyển thẳng về Khoa Luật một cách dễ dàng hơn theo cách là tạm tạm rồi tính tiếp. 
Về Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cơ bản cuộc sống gia đình và của tôi không có gì thay đổi lắm. Nhiều người cho rằng, về sau này tôi sẽ rời Khoa đi chỗ khác, tham gia vào các công ty với mục đích kinh doanh. Quả thật, tôi cũng có nhiều dự định xin đi tiếp, nhưng không thành. Nhưng ít nhất là cho đến bây giờ tôi cũng có thể chứng minh rằng, lời “tiên tri” của các ông thầy phán trên lại là không đúng. Tôi vốn dĩ là một người thấm tinh thần của chủ nghĩa Mác, không hay thích tướng số, đoán mệnh.
Cuối cùng, Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mặc dù không là lựa chọn của tôi, nhưng nó vẫn là cái đích cuối cùng của cả cuộc đời tôi. Kể từ khi tôi chỉ là giảng viên kiêm nhiệm cho đến nay, tôi đã làm việc tại Khoa gần 30 năm. Ba mươi năm có thể nói là tất cả đời làm việc của một con người. 
Và tôi cũng vẫn và sẽ vì nó ít nhất là cho đến tận ngày nay.
Nhìn lại 30 năm qua, tôi cũng có những thành công và cũng có những mất mát, cũng có lúc cười sảng khoái, cũng có những cảm xúc trào dâng cố giấu những cảm động như khi bắt tay phát bằng tốt nghiệp và nhận được lời cám ơn của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, khi chúng tôi cùng chứng kiến kết quả của một thời gian vất vả và cũng không tránh khỏi những giọt nước mắt không thể nào lăn ra được vì những nỗi buồn không thể nói thành lời.
Nhưng cuối cùng tôi vẫn tự hào về Khoa Luật, nơi đã chiếm lĩnh tâm trí cả đời tôi, và với tinh thần của dòng kỷ niệm, tôi muốn nhắc lại rằng nơi đây - thành phố Hà Nội là nơi đầu tiên giảng dạy luật học đã được bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1931 kể từ khi có Sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương thành lập Trường Cao đẳng Luật, có lẽ chúng ta đã có một nền tảng luật từ 85 năm trước, thay cho cung cách học thuật của nền giáo dục phong kiến Nho giáo. Nếu chúng ta vẫn cho rằng, Đại học Tổng hợp Hà Nội có nguồn gốc từ năm 1906 của Đại học Đông Dương, Khoa Luật nhanh chóng là một trong những phân hiệu chính của Đại học này, trong khi còn rất nhiều ngành, lĩnh vực học thuật khác chưa kịp được thành lập. Mặc dù có quyết định thành lập trường từ năm 1931 nhưng mãi tới năm 1939 mới có khóa học đầu tiên chỉ gồm 7 sinh viên cho cả Đông Dương rộng lớn. Nhưng họ là những người rất tài năng, nên được mọi người thời bấy giờ gọi là “thất hiền”,tức là 7 người tài, trong đó có Võ Nguyên Giáp, nguyên sau này không những là giảng viên trường Tư thục đầu tiên ở Việt Nam, mà còn là Tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ với chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, chấm dứt chế độ thực dân trên lãnh thổ Việt Nam. Khóa 2 có 18 sinh viên người Việt và 5 sinh viên người Pháp, nhưng chỉ 11 người Việt được nhận bằng, trong đó có Vũ Đình Hòe, nguyên là Tổng biên tập báo Thanh Nghị, và sau này là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của chế độ mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, và cho đến cuối đời vẫn là một người cương quyết bảo vệ cho sự độc lập của nền tư pháp văn minh. Trong số những người cuối cùng nhận bằng cử nhân có ông Lưu Văn Đạt, nguyên tác giả chính của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời mở cửa và từng là Chủ tịch Hội đồng Dân chủ pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
Ngày 15-10, Sắc lệnh đổi thành Trường Đại học Luật khoa. Năm 1945 vì chiến tranh Nhật chiếm Đông Dương, Trường đóng cửa và được thành lập lại năm 1947 tại Sài Gòn. Khoa Luật nói chung hay ngành khoa học luật nói riêng không như câu thành ngữ Việt: “Sinh sau đẻ muộn”mà là “sinh trước đẻ sau”.Không những thế mà còn rất khó khăn, “năm chìm bảy nổi chín lênh đênh”.Ở một thời chiến tranh, rồi tiếp theo ở một nền kinh tế tập trung kế hoạch, cả một thời kỳ dài không đào tạo luật, không có trường luật. Mãi cho đến năm 1976, Khoa Luật, Đại học Tổng hợp mới được thành lập, bằng quyết định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong thể chế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng chỉ kịp đào tạo được một khóa đã phải nhập với Trường Cao đẳng Pháp lý thành trường Đại học Pháp lý mà bây giờ là Đại học Luật Hà Nội trực thuộc Bộ Tư pháp. Mãi đến năm 1986, Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp mới được thành lập lại và tồn tại cho đến hiện nay trở thành Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, tôi mới là giảng viên kiêm nhiệm và năm 1992 là giảng viên chính thức, rồi trở thành giảng viên cao cấp cho đến hôm nay. Ba mươi năm quả là một quãng thời gian dài đối với tôi.Có thể nói rằng, tất cả những thành công của tôi đều gắn bó mật thiết với Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ba mươi năm ngoảnh đầu nhìn lại, nhiều bạn bè của tôi là thứ trưởng, bộ trưởng: Người ta thích đi lên, không ai lại thích đi xuống. Vợ tôi vẫn thường nói vậy với tôi. Thật vậy, không mấy ai như tôi. Nhiều người bạn thân thiết thường nói với tôi rằng, ông cứ ở đây thì ít nhất cũng là thứ trưởng. Thôi, vụ trưởng thôi. Nhưng bù lại có thể là sự mất mát, tôi trả lời họ rằng, ít nhất ở đây tôi cũng tự do hơn. Không phải giúp việc cho ai cả. Tôi giúp việc mãi mười năm tôi biết rồi. Của tôi là của tôi và không phải của người khác...
Bên cạnh những người bạn thân thiết như trên, thì cũng có người lại cương quyết cho rằng, quyết định ra đi của ông là đúng đắn. Sách vở cùng với lý tưởng của ông để lại là vĩnh viễn, còn mọi thứ quan chức chỉ là nhất thời, theo kiểu: “Quan nhất thời, dân vạn đại”.
Có lẽ đúng vậy chăng? Cho đến nay tôi đã công bố gần 100 các bài báo khoa học và hơn 40 cuốn sách chuyên khảo và phổ thông của mình, đào tạo được nhiều chuyên gia về lĩnh vực luật học. Tôi đã cố gắng tích lũy chúng gần bằng một tủ sách riêng. Trong lĩnh vực đào tạo - công việc chính của tôi, tính đến nay đã có hơn 100 thạc sĩ, hơn 10 nghiên cứu sinh (7 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công) và nhiều ngàn cử nhân luật học khác. 
Tôi rất tự hào vì đi đâu cũng có người chào bằng thầy. Nhiều lúc cũng thấy hay, nhưng nhiều lúc thấy dở và nghĩ rằng, mình có phải thực sự như vậy không? 
Nhưng nói chung, tôi rất tự hào mỗi khi viết và mỗi khi nói Nguyễn Đăng Dung ở đâu, đều phải nằm trong dòng chữ uy nghi đáng được tự hào: Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Để có được những thành quả như trên không biết bao nhiêu những bản thảo đã phải bỏ đi, những lời nói trước được cải sửa bằng những bài giảng tiếp theo, nhất là những thời gian đầu, rồi bài viết, những bài giảng được công bố ra, đọc lại vẫn còn là lầm lỗi nào đó; cũng không ít những học sinh thành đạt theo hướng tôi chỉ ra, và cũng không ít người đành bỏ dở sự nghiệp nghiên cứu của mình, mà không ưng thuận theo cách chỉ dẫn cầu kỳ, quá phức tạp, và quá nóng nẩy của tôi. Với phương châm có làm có biết, cũng thật thà mà nói với mọi người rằng, tôi cũng hơi tham, cho nên cũng không thể nào tránh được những thiếu sót, khiếm khuyết, thậm chí là làm bừa, nói ẩu như nhiều người đã từng biết. Nhưng phần nhiều những thiếu sót này do khách quan đưa lại, mà hoàn toàn không phải tất cả đều ở phía chủ quan từ bản thân. Nặng nhất là trong một số trang sách của tôi công bố có một số đoạn của người khác là do học sinh của tôi tự chép bằng vi tính mà tôi không biết cách sửa thế nào. Vì lúc đó tôi không biết vi tính là gì. Điểm căn bản ở đây là một khi đã được mọi người chỉ ra, tôi cũng cố gắng nghiêm khắc kiểm điểm và khắc phục những hậu quả của chúng một cách thỏa đáng. Cho đến hiện nay, tôi kiên quyết không vấp phải những thiếu sót tương tự như vậy.
Trong số những sách vở của tôi đã công bố phải kể đến những cuốn sách sau: 
1. Tính nhân bản của Hiến pháp và bản tính của các cơ quan nhà nước , Nxb. Tư pháp, 2004. 
2. Hình thức của các nhà nước đương đại, Nxb. Đại học Quốc gia, 2004. 
3. Sự giới hạn quyền lực của Nhà nước, Nxb. Đại học Quốc gia, 2005.
4. Hiến pháp của các nhà nước tư bản phát triển, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội (Chủ biên và viết chính), 2006. 
5. Tòa án nhân dân trong nhà nước pháp quyền, (Chủ biên), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010...
Bên cạnh thành công về mặt sách giáo trình và chuyên khảo. Tôi đã công bố khoảng 100 bài báo trên các tạp chí quốc gia. Mặc dù chỉ trong khuôn khổ một bài báo không dày như những chuyên khảo nói trên, nhưng ý nghĩa của chúng là không nhỏ. Trong số đó có những bài được đánh giá cao như: “Một xã hội làng xã”được công bố năm 2003, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12, với một kết luận rằng, xã hội Việt Nam là một xã hội không có truyền thống tuân thủ pháp luật, một sự khó khăn không ít cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. Bài “Lương tâm của người Thẩm phán”Tạp chí Tia sáng năm 2004 với nội dung là khi xét xử Thẩm phán phải có lương tâm, nhưng xét xử theo lương tâm vẫn chỉ dừng lại ở một nguyên tắc trên giấy mà rất khó lòng đi vào thực tế. Sau đấy là phải kể đến bài Liệu pháp vắc xin cho nhà nước, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp năm 2006 và được đăng tải lại ở Tạp chí Khoa học Tổ quốc với nội dung là tham nhũng, một bệnh dịch phải xử lý chúng theo cách của việc phòng, chống bệnh dịch. Vắc xin đó là gì? Đó là sự phân quyền, đó là hệ thống “kìm chế và đối trọng.” 
Những thứ này phải chứa đựng trong Hiến pháp, tức là muốn chống tham nhũng chúng ta phải tạo ra môi trường, phòng và chống tham nhũng, cho mọi thể chế, cho mọi chỗ, mọi nơi. Nếu không có hệ thống này thì tham nhũng khó có thể kìm chế. Bằng bài “Nhu cầu lập pháp của hành pháp”,tôi muốn chỉ ra rằng hiện nay có nhiều tác giả, bao gồm cả các nhà khoa học và cả những chính trị gia hiện nay cho rằng, một khi chúng ta đã áp dụng hạt nhân hợp lý của nguyên tắc phân quyền, tức là phân công, thì chính phủ phải giảm bớt, thậm chí phải trả các công việc dự thảo các dự án luật cho Quốc hội là một quan điểm không mang tính khoa học. 
Những năm gần đây tôi được bổ sung nguồn kiến thức hết sức quý giá. Đó là nhân quyền, những thứ mà tôi không được trang bị một cách đầy đủ và cơ bản dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ở hệ bậc cử nhân. 
Rất may lại được cử làm Giám đốc dự án đào tạo nghiên cứu về nhân quyền - một trong những hợp phần của dự án Tăng cường năng lực quản trị côngđược ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch, sau một số lần có dự định thay đổi, tôi không làm giám đốc nữa. Dự án thu hút sự tham gia hầu như toàn bộ các cán bộ, giảng viên trong Khoa, thậm chí còn phải huy động cả cán bộ ngoài Khoa. Phải khẳng định rằng, với sự hỗ trợ của Dự án, không khí học thuật và chất lượng học thuật về quyền con người ở Khoa Luật được nâng lên một cách rõ rệt. 
Việc học tập và nghiên cứu về quyền con người được trải rộng khắp các bộ môn của Khoa, từ khóa luận, cho đến luận văn và luận án. Hiện nay, rất ít khi vắng bóng thuật ngữ “quyền con người”trong các văn bản thể hiện kết quả hoạt động của Khoa, cũng như trong các diễn đàn khoa học được Khoa tổ chức. 
Dự án đã kết thúc nhưng kết quả của dự án vẫn còn nguyên. Đó là tinh thần nghiên cứu về quyền con người trong Khoa và số lượng sách vở về nhân quyền cũng còn có thể được sử dụng mười năm nữa. Nhưng đáng kể nhất phải kể đến kiến thức về quyền con người của các giảng viên và học viên. Đó là hướng đi mới làm nên bản sắc của Khoa Luật trong số 50 các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam. 
Với nhân quyền, tôi cùng các giảng viên Bộ môn Luật Hiến pháp - Luật hành chính đang mở ra một hướng nghiên cứu với tên gọi là Tiếp cận dựa quyền cho mọi lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy. Chúng tôi đã mở hội thảo về vấn đề này và kỷ yếu của hội thảo đã được công bố, trong đó tôi có công bố bài viết “Làm luật dưới góc độ quyền con người”.Với 
nội dung là hiện nay công việc lập pháp của chúng ta không nhiều khi vẫn không dựa vào cách tiếp cận này. 
Hiện tuy chỉ là một Khoa, tức là rất nhỏ so với hai trường luật rất lớn của Hà Nội và của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tiếng của Khoa Luật của chúng ta không nhỏ. Vì hàm lượng khoa học của chúng ta không nhỏ. 
Cho đến nay các hội thảo khoa học luật tầm quốc gia và tầm quốc tế diễn ra ở Việt Nam các giảng viên, nghiên cứu sinh của Khoa rất tích cực tham gia. Thậm chí ở không ít hội thảo tầm cỡ quốc gia, nhìn đi nhìn lại toàn thấy người Khoa Luật. Thành công lớn nhất ở lĩnh vực này là Bản đóng góp ý kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội với dự thảo Hiến pháp năm 2013, mà nòng cốt Bản đóng góp là các ý kiến của các thành viên trong Khoa Luật của chúng ta. Bản đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp của Đại học Quốc gia Hà Nội được Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đánh giá là một trong 3 bản có chất lượng cao.
Ba mươi năm nhìn lại tôi thấy lực lượng của chúng ta phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trước đây vào những năm 90 của thế kỷ XX chỉ có 1, 2 tiến sĩ được đào tạo ở Liên Xô (cũ), thì nay đã có tới 8 giáo sư, 16 phó giáo sư và gần 60 giảng viên có trình độ tiến sĩ trở nên được đào tạo ở khắp nơi trên thế giới, mà không chỉ ở các nước xã hội chủ 
nghĩa như trước đây. Đó là thành công lớn. Tôi tin rằng Khoa Luật của chúng ta sẽ rất mạnh trong hàng ngũ các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam. Tuy không phải là bến đỗ được định trước, nhưng cuối cùng đã có tới 30 năm tôi gắn bó với Khoa Luật. Tôi cũng có những thành công, những hạnh phúc đi cùng với những nỗi buồn. Vì lẽ đó tôi rất trân trọng Khoa Luật, tôi muốn ứng xử với nó như một con người gần gũi, tôi thực sự yêu thương nó. Và vì vậy tôi không thể không muốn nó phát triển hơn. Đó phải chăng cũng là những mong muốn của mọi người là thành viên của Khoa Luật, của tất cả các học viên đã và đang làm việc, học tập ở Khoa?Đến tuổi gần 70 không còn vô thần nữa, tôi xin cầu chúc cho sự thành đạt của Khoa Luật chúng ta và cho tất cả mọi người theo tinh thần phổ quát quyền của mọi người trước hết phải được hiểu trong môi trường học thuật trong các trường luật và sau đó là những quyền ấy phải cần được bảo vệ trong xã hội Việt Nam.
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081