Thảo luận chuyên đề “Pháp luật Hàn Quốc và Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0” giữa Trường Đại học Luật, ĐHQGHN và Trường Luật, Đại học Hàn Quốc
Cập nhật lúc 17:01, 25/04/2023 (GMT+7)

Sáng ngày 25/04/2023, tại Hội trường 703-E1, sau buổi lễ ký kết thoả thuận hợp tác, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN cùng với Trường Luật, Đại học Hàn Quốc tổ chức buổi thảo luận chuyên đề “Pháp luật Hàn Quốc và Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

 

Buổi thảo luận có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, học viên đến từ Trường Đại học Luật, ĐHQGHN và Trường Luật, Đại học Hàn Quốc.

Về phía Trường Luật, Đại học Hàn Quốc, buổi thảo luận vinh hạnh đón tiếp: GS. Seung-Hwan JUNG (Hiệu trưởng); GS.TS. Lee Byung Jun; GS.TS. Lee Seunghoon; GS.TS.Ha Myeong-Ho; GS.TS. Park Ki Gab; Ông PARK Byung-Min (Thẩm phán TAND Tối cao Hàn quốc).

Về phía Trường Đại học Luật, ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh (Hiệu trưởng); PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (Phó Hiệu trưởng) và đại diện lãnh đạo các đơn vị của Trường Đại học Luật cùng đông đảo học viên, sinh viên Nhà trường.

 

Mở đầu phiên thảo luận, GS.TS. Lee Byung Jun trình bày tham luận “Bảo vệ người yếu thế trong thương trường trực tuyến”. Tại phần thuyết trình, GS trình bày Khái niệm về sự yếu thế và các cách thức bảo vệ những người yếu thế trong không gian ảo. Bên cạnh đó, GS cũng giới thiệu một số quy định liên quan của pháp luật Hàn quốc cũng như đưa ra một vụ kiện điển hình tại Toà án quận Seoul có áp dụng Đạo luật chống phân biệt đối xử đối với người khiếm thị để làm rõ hơn các quy định của pháp luật Hàn Quốc về bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội.

 

Tiếp theo đó, bài phát biểu của GS.TS. Lee Seunghoon với chủ đề “Thực trạng và nhiệm vụ tương lai của các quy định hành chính về trí tuệ nhân tạo ở Hàn Quốc”. Trong bài phát biểu, GS đề cập đến 2 nội dung chính: Phản ứng của Chính phủ Hàn Quốc đối với trí tuệ nhân tạo và Thách thức đối với Luật Hành chính trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

 

Cuối phiên thảo luận đầu tiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh tham luận với chủ đề “Pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam trước bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo”. Bài tham luận của PGS xoay quanh hai nội dung chính: Tác động của trí tuệ nhân tạo tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và Đánh giá sự đáp ứng của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành với nhu cầu bảo hộ các thành tựu lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và đề xuất giải pháp. Theo PGS, có hai yếu tố chính để hài hoà sự phát triển giữa khoa học kỹ thuật và pháp luật: thứ nhất, xây dựng các tiêu chí cho công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu pháp luật; và thứ hai đó là xây dựng và phát triển các khuôn khổ pháp lý theo cách thức đáp ứng sự phát triển của công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Do đó, PGS cho rằng Việt Nam cần có những bước tiến rõ ràng hơn, nhanh nhạy hơn trong xây dựng hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới trong bối cảnh hiện nay.

 
 

Sau giờ nghỉ giải lao, buổi thảo luận tiếp tục với phần thảo luận chuyên đề “Kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo tại các trường luật”. Trong phần thảo luận, hai Nhà trường đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu về đào tạo luật tại cả Hàn Quốc và Việt Nam với mục tiêu phát huy, học hỏi những thế mạnh, khắc phục các điểm yếu trong công tác đào tạo luật của cả hai bên.


 

Kết thúc buổi thảo luận, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh gửi lời cảm ơn các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm đáng quý của mình và chúc cho sự hợp tác giữa hai trường đại học sẽ thành công tốt đẹp.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081