Ngày 12/12/2024, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Góp ý dự thảo bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam”. Hội thảo là sự kiện tổng kết chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu xây dựng bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn cho phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam”, phối hợp tổ chức bởi CSIRO (Cơ quan khoa học quốc gia Úc), Bộ KH&CN và Trường ĐH Luật. PGS.TS. Trịnh Tiến Việt phát biểu khai mạc Hội thảo Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, học viên, sinh viên đến từ các cơ sở đào tạo luật. Về phía Trường ĐH Luật ĐHQGHN có: PGS.TS. Nguyễn Trọng Điệp (Bí thư Đảng uỷ Trường ĐHL, ĐHQGHN); PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐHL); PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Phó Hiệu trưởng); PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Nguyên Hiệu trưởng - Chủ nhiệm nhiệm vụ); TS. Nguyễn Bích Thảo (Chủ nhiệm Khoa LDS - đồng chủ nhiệm nhiệm vụ); và các thầy cô là giảng viên, lãnh đạo quản lý của các Khoa chuyên môn và các Phòng chức năng thuộc Trường. Về phía khách mời có: Ông Nguyễn Phương Tuấn (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội); PGS.TS. Bùi Thế Duy (Thứ trưởng Bộ KH&CN); TS. Trần Anh Tú (Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN); Tiến sĩ Kim Wimbush (Tham tán CSIRO và Giám đốc Chương trình Aus4Innovation); TS. Chu Văn Thắng (Chuyên gia tư vấn Chương trình Aus4Innovation); cùng nhiều đại diện tới từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước; … Phát biểu tại Hội thảo, TS. Kim Wimbush cho rằng Hội thảo là dịp để nhìn lại hành trình đã qua, những cột mốc đã đạt được cả về khía cạnh lý luận lẫn thực tiễn trong xây dựng khuôn khổ cho phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Những thỏa thuận và ý kiến chuyên môn tại hội thảo sẽ đóng góp giá trị to lớn vào việc hoàn thiện bản dự thảo của Bộ nguyên tắc. Ông nói thêm “Do bộ nguyên tắc đang ở giai đoạn đầu, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật để đảm bảo nội dung nguyên tắc đáp ứng được sự phát triển công nghệ và định hướng của Việt Nam. Ông cũng cam kết AS4Innovation sẽ luôn đồng hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các đối tác như Trường ĐH Luật trong nhiệm vụ này. Phần cuối TS. Kim Wimbush khằng định với sự hợp tác bền chặt của các bên liên quan, dự án sẽ xây dựng nền tảng cho một tương lai phát triển công nghệ bền vững, vừa đảm bảo lợi ích xã hội, vừa thực hành có trách nhiệm. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, thứ trường Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết “Hội thảo hôm nay là sự kiện cuối cùng đánh dấu kết thúc của dự án đã được triển khai trong suốt một năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là bước khởi đầu mới mở ra những dự án tiếp theo cho các năm sắp tới”. Thứ trưởng khẳng định một trong những kết quả nổi bật của dự án là việc hình thành một trong những nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Trường Đại học Luật, ĐHQGHN, nhằm đánh giá các tác động của công nghệ mới. Bên cạnh đó, một mục tiêu khác đã đạt được thông qua dự án này đó là xây dựng được một đội ngũ chuyên gia của Việt Nam có khả năng tham gia vào các tổ chức quốc tế, các hoạt động khoa học quốc tế. Việc tham gia này không chỉ giúp chúng ta cập nhật những vấn đề mới, ý tưởng mới trên thế giới mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực quản trị trí tuệ nhân tạo. Tiến tới nội dung chính của Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Trưởng nhóm nghiên cứu) trình bày tổng quan các kết quả nghiên cứu chính của dự án, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện thành công 03 nhiệm vụ nghiên cứu chính: Xác định các nguyên tắc phát triển TTNT có trách nhiệm; Phân tích những thách thức và cơ hội trong 3 lĩnh vực điển hình; Đề xuất Bộ Nguyên tắc và Hướng dẫn. Đồng thời, PGS cũng chỉ ra những định hướng nghiên cứu của dự án trong giai đoạn sắp tới bao gồm: Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bộ nguyên tắc; Tăng cường thảo luận về TTNT có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế; Đào tạo và nâng cao năng lực cho các bên liên quan nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trách nhiệm. Tiếp nối, TS. Nguyễn Bích Thảo trình bày tham luận “Giới thiệu dự thảo bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn cho phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam”. Trong đó, nội dung chính của Dự thảo bao gồm: Bền vững, an toàn, bảo mật; Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân; Minh bạch và giải thích được; Công bằng (bình đẳng, bao trùm và không phân biệt đối xử); Tôn trọng quyền tự chủ, quyền tự quyết định; Trách nhiệm giải trình; Cơ chế xử lý phản hồi, khiếu nại và khắc phục thỏa đáng. Kết thúc hội thảo, các chuyên gia thống nhất rằng việc xây dựng bộ nguyên tắc phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm là nhiệm vụ quan trọng, góp phần định hướng Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và có trách nhiệm của công nghệ trong tương lai. |