Tọa đàm chuyên đề trực tuyến “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung trong thương mại điện tử ở Việt Nam”
Cập nhật lúc 16:47, 01/10/2021 (GMT+7)

Ngày 30/9/2021, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Tọa đàm chuyên đề số 10 với chủ đề “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Tọa đàm của Diễn đàn “Legal Talkshow” được phối hợp tổ chức bởi Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Học viện Khoa học xã hội. Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, TS. Nguyễn Trọng Điệp – Phó Chủ nhiệm Khoa, TS. Phan Thị Thanh Thủy – Phó Chủ nhiệm BM Luật Kinh doanh, PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm BM Luật Hiến pháp – Luật Hành chính, TS. Mai Văn Thắng – Trưởng phòng QLKH&HTPT và gần 250 chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học các đơn vị trong cả nước trên nền tảng Zoom.

 
Toàn cảnh Tọa đàm tại Hội trường 

Với sự xuất hiện của Internet, từ những năm 2000, những ứng dụng đầu tiên về giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đã xuất hiện tại Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 thì loại hình thương mại này ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thời gian qua trên cả nước đã xuất hiện nhiều sàn TMĐT thu hút lượng khách hàng lớn như: Sen đỏ, lazada, tiki, shoppee… Để hiểu rõ hơn về hoạt động TMĐT, tác động của TMĐT đến người tiêu dùng Việt Nam cũng như khung khổ pháp lý về TMĐT, Tọa đàm đã có sự tham gia của 02 diễn giả chính là: Ông Cao Xuân Quảng – Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương và Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương.

 
Diễn giả trao đổi tại Tòa đàm 

Tọa đàm như truyền thống được chia làm 2 phần là các diễn giả và Ban tổ chức sẽ trao đổi các nội dung liên quan đến chủ đề bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT ở Việt Nam và phần thảo luận mở, giao lưu giữa diễn giả và các đại biểu tham dự tọa đàm thông qua hình thức hỏi đáp.

Trong phần đầu tiên của Tọa đàm, các diễn giả đã cùng trao đổi các vấn đề chính như: Thực trạng của hoạt động thương mại điện tử và tác động của TMĐT đến người tiêu dùng ở Việt Nam; Khung khổ pháp lý về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam; Hoạt động quản lý nhà nước đối với TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng; Xu hướng phát triển của TMĐT ở Việt Nam và ứng phó của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong trao đổi về lịch sử phát triển của sự hình thành và phát triển của thị trường TMĐT ở Việt Nam, diễn giả cho biết giai đoạn 1997 – 2010 có thể nói là giai đoạn sơ khởi đánh dấu sự xuất hiện của thị trường TMĐT Việt Nam. Đến 2005, Luật Giao dịch điện tử ra đời cùng với các kế hoạch phát triển TMĐT cho thấy lợi ích của kênh bán hàng này. Giai đoạn 2010 – 2015, đây là giai đoạn chuyển mình với các mô hình mới của sàn TMĐT và cũng xuất hình mô hình kinh tế chia sẻ. Giai đoạn 2016 – nay là giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều nền tảng TMĐT mới với sự cạnh tranh khốc liệt. Cùng với đó, trong giai đoạn này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP để sửa đổ, bổ sung cho Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng đánh dấu bước chuyển mình mới cho TMĐT phát triển một cách minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng. Có thể nói, sự ra đời và phát triển của TMĐT đã giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng, tiếp cận thông tin sản phẩm,…

Cùng với sự phát triển đó, thực tế vẫn còn nhiều thủ đoạn hoạt động gian lận TMĐT của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Vậy làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng đó đang được các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng. Theo diễn giả thì hiện nay có 02 hệ thống bảo vệ người tiêu dùng là: Hệ thống văn bản pháp luật bao gồm Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn,…; Hệ thống cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội nhằm bảo vệ người tiêu dùng các cấp. Để làm rõ hơn về thể chế pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói chung và người tiêu dùng trong TMĐT nói riêng, 2 diễn giả cũng đã phân tích rõ hơn về các khung khổ pháp lý hiện hành và sự hoạt động của hệ thống cơ quan chuyên trách là Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương.

Tại phần thảo luận của Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã cùng nêu ý kiến đóng góp, bình luận về chủ đề của Tọa đàm và nêu các câu hỏi gửi tới diễn giả liên quan đến Nghị định 85/2021/NĐ-CP; Trách nhiệm của các Sàn thương mại điện tử đối với người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử; Sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo trong nâng cấp thương mại điện tử; Vấn đề bảo mật thông tin người tiêu dùng; Giải quyết tranh chấp trực tuyến,…

Tọa đàm với chủ đề về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT đã diễn ra thành công, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Dù thời gian của Tọa đàm được giới hạn song đã có rất nhiều đại biểu quan tâm tham gia. Hi vọng trong thời gian tới, chuỗi Tọa đàm này vẫn sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm.

 

Minh Giang
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081