Trên cơ sở sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation, ngày 21/6/2024, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Toạ đàm về “Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế”. Toạ đàm này là toạ đàm thứ hai trong chuỗi toạ đàm về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam trong các lĩnh vực tiêu biểu như giáo dục, y tế, nông nghiệp nhằm nhận diện các rủi ro, thách thức từ góc độ xã hội, đạo đức của việc phát triển và ứng dụng TTNT trong các lĩnh vực nói trên để tiến tới thảo luận và xây dựng bộ nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong tương lai. Buổi toạ đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật, công nghệ và y tế: TS. Chu Văn Thắng (Chuyên gia Chương trình Aus4Innovation), TS. Khương Anh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế - Bộ Y tế), ThS. Trần Ngọc Duy (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế); ThS. Trần Văn Tuyên (Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế), ông Đinh Hải Đăng (Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ), đại diện các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế. Về phía Trường Đại học Luật, ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Hiệu trưởng – chủ nhiệm Dự án), chủ trì Tọa đàm; PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (Phó hiệu trưởng), các giảng viên, lãnh đạo của các Khoa chuyên môn, các Phòng chức năng và các Trung tâm thuộc Trường. Về phía ĐHQGHN có PGS. TS. Hà Quang Thụy (Giảng viên cao cấp Khoa Công nghệ thông tin, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN); PGS.TS. Lê Hoàng Sơn (Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN), PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung (Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam), TS. BS. Phạm Dương Hiếu (Phó Giám đốc Bệnh viện ĐHQGHN), PGS. TS. Nguyễn Thanh Tùng (Trường Quốc tế, ĐHQGHN, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN về Ứng dụng AI trong Y tế) và các cán bộ, giảng viên của các đơn vị trong ĐHQGHN. Tại phần khai mạc Toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu: “Trường Đại học Luật, ĐHQGHN là trung tâm đào tạo luật có lịch sử hình thành lâu nhất trong các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam hiện nay. Trong thời gian gần đây, Nhà trường có định hướng phát triển nghiên cứu các lĩnh vực liên ngành, trong đó, chúng tôi nhận thấy một lĩnh vực quan trọng nổi bật đó là nghiên cứu về các công nghệ mới nổi. Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển đã ban hành bộ nguyên tắc đạo đức chung và bộ nguyên tắc riêng cho một số vấn đề cụ thể về trí tuệ nhân tạo. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhìn nhận rằng Việt Nam cũng cần phát triển theo xu hướng như vậy. Do đó, trên cơ sở đặt hàng của Aus4Innovation, nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Luật triển khai Dự án xây dựng bộ nguyên tắc TTNT có trách nhiệm mang tính tổng quát cho Việt Nam, sau đó hướng tới xây dựng các bộ nguyên tắc riêng cho một số lĩnh vực”. Hiệu trưởng cũng cho biết nhóm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ lần này đang tập trung vào 03 lĩnh vực chính bao gồm: y tế, giáo dục, nông nghiệp. PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh kỳ vọng Toạ đàm sẽ có những tác động tích cực tới quá trình xây dựng chính sách, pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan tạo nên giá trị thiết thực cho các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực y tế. Toạ đàm đã lắng nghe 3 bài tham luận của các chuyên gia : Báo cáo dẫn đề của PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh- Trường Đại học Luật, ĐHQGHN đã nhấn mạnh rằng TTNT đã và đang được áp dụng ngày càng phổ biến trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Trong năm 2021, ước tính đầu tư toàn cầu vào AI trong lĩnh vực y tế vào khoảng 8,19 tỷ đô la Mỹ; và với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 23,46%/năm thì dự kiến đến năm 2026 sẽ ước đạt 59,1 tỷ đô la Mỹ. Quá trình công nghệ hóa lĩnh vực y tế được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho bác sĩ, đồng thời đảm bảo sự ổn định và độ tin cậy của các công cụ được sử dụng để giải quyết các vấn đề đơn giản cũng như đưa ra một số quyết định lâm sàng phức tạp. Tham luận chỉ ra 8 rủi ro, thách thức từ góc độ đạo đức, xã hội của việc ứng dụng TTNT trong lĩnh vực y tế như sự phân biệt đối xử, thiên vị một cách chủ ý hoặc vô ý, phân công trách nhiệm không rõ ràng, vi phạm nguyên tắc bảo mật dữ liệu, v.v. Trên cơ sở nhận diện các rủi ro đó, tham luận đề xuất bên cạnh các nguyên tắc đạo đức y sinh học đã được hình thành từ lâu đời trong lĩnh vực y tế, cần sớm thảo luận và hướng tới ưu tiên phát triển TTNT theo những nguyên tắc đạo đức công nghệ cốt lõi sau: (1) bảo vệ quyền tự chủ của con người; (2) đảm bảo phúc lợi và an toàn cho người dân và bảo vệ lợi ích công cộng, không gây hại cho con người; (3) đảm bảo tính minh bạch, dễ giải thích và dễ hiểu; (4) đảm bảo trách nhiệm và trách nhiệm giải trình; (5) đảm bảo sự toàn diện và công bằng; (6) thúc đẩy việc áp dụng TTNT có khả năng đáp ứng nhanh và bền vững. Tham luận thứ hai của ThS. Trần Văn Tuyên - Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển và ứng dụng TTNT trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Tham luận đã chỉ rõ TTNT đã và đang ứng dụng tương đối rộng rãi trong các lĩnh vực nổi bật như: Phẫu thuật với sự hỗ trợ từ robot có công nghệ AI, Trợ lý ảo trong y tế với AI, AI trong hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng, AI trong phân tích, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế, AI trong hỗ trợ giám bớt khối lượng, quản trị y tế. Tham luận cuối cùng của TS. Nguyễn Thị Phương Châm- Trường Đại học Luật, ĐHQGHN đã phân tích kinh nghiệm quốc tế về phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế. Thông qua phân tích các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hướng dẫn của các quốc gia về đạo đức và quản trị TTNT trong y tế (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Singapore, Châu Âu..), tham luận nhận diện xu hướng phát triển và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc đạo đức cốt lõi khi phát triển TTNT có trách nhiệm trong y tế. Ở phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn về đạo đức TTNT trong lĩnh vực y tế. Ở phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn về đạo đức trong việc phát triển và ứng dụng TTNT trong lĩnh vực y tế. Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược (ĐHQGHN), Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, TTNT không thể thay thế cho bác sĩ, và khi ứng dụng TTNT trong lĩnh vực y tế, điều quan trọng đầu tiên là đảm bảo tính an toàn (không gây hại), sau đó mới đến lợi ích do ứng dụng đó mang lại. Hành lang pháp lý hiện nay ở Việt Nam với Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng đã có những quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ về ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Thể chế, chính sách về TTNT trong y tế một mặt cần bảo đảm tính an toàn và mặt khác không hạn chế các nhà nghiên cứu, phát triển TTNT. Đồng quan điểm này, TS. Khương Anh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế) cũng khẳng định TTNT không thể thay thế con người, kết quả điều trị phụ thuộc vào sự tương tác thường xuyên giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ông Tuấn nhấn mạnh TTNT không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong chẩn đoán và điều trị, mà cả trong dự phòng bệnh tật. Để thúc đẩy TTNT có trách nhiệm, trước mắt cần nâng cao nhận thức cho tất cả các bên liên quan về vấn đề này, từ các nhà quản lý, hoạch định chính sách, lãnh đạo cơ sở y tế, đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân và người dân nói chung. Thực trạng dữ liệu y tế ở Việt Nam hiện nay có khối lượng rất đồ sộ nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng dữ liệu, chia sẻ dữ liệu và kiểm soát việc sử dụng dữ liệu. Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia khác về y tế, pháp luật, công nghệ thông tin. Các đại biểu thống nhất rằng để thúc đẩy TTNT có trách nhiệm ở Việt Nam, việc điều chỉnh bằng pháp luật là chưa đủ và khó theo kịp sự phát triển nhanh chóng của TTNT; do vậy, cần xây dựng các bộ nguyên tắc đạo đức TTNT và hướng dẫn thực hiện, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. |