Ngày 03/10/2016, tọa đàm: "Các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người" đã được tổ chức tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Tới tham dự tọa đàm, đồng thời là báo cáo viên có nhiếp ảnh gia Toshi Kazama và đại diện tổ chức CADPA (The Coalition for the Abolitions of the Death Penalty in ASEAN) – Tổ chức phi chính phủ hoạt động về việc bãi bỏ án tử hình. Về phía Khoa Luật có, PGS.TS. Trịnh Quốc Toản – Q. Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Chu Hồng Thanh – giảng viên Bộ môn HP-HC – Chủ tọa; PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn HP-HC và các thầy, cô giáo, nghiên cứu sinh, học viên tới tham dự. Phát biểu khai mạc của PGS.TS. Trịnh Quốc Toản Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Trịnh Quốc Toản đã nhấn mạnh về xu hướng phát triển của luật hình sự quốc tế, trong đó, việc xóa bỏ án tử hình là một trong những đề tài đang có những ý kiến trái chiều về việc xóa bỏ hay không? Việc thực thi án tử hình có vi phạm vào luật nhân quyền quốc tế hay không? Và án tử hình có thực sự mang lại hiệu quả hay không? Là những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ. PGS.TS. Trịnh Quốc Toản hi vọng thông qua tọa đàm này, các đại biểu sẽ phần nào hiểu hơn về hình phạt tử hình. PGS.TS. Trịnh Quốc Toản cũng chúc tọa đàm thành công và hi vọng trong thời gian tới có nhiều hơn các tọa đàm từ các bộ môn. Tại phiên báo cáo thứ nhất, PGS.TS. Vũ Công Giao đã đưa ra 10 câu hỏi về hình phạt tử hình nhằm làm sáng rõ hơn những vấn đề mà hình phạt tử hình đang không thỏa mãn được thực tế của xã hội. Theo đó, các câu hỏi được đưa ra như: Hình phạt tử hình có khác các hình phạt khác không? Hình phạt tử hình có hiệu quả răn đe vượt trội không? Hình phạt tử hình có phù hợp với chuẩn mực đạo đức con người và xã hội không? Hình phạt tử hình có gây ra mâu thuẫn giáo lý, tôn giáo trên thế giới không? Hình phạt tử hình có thực sự giải quyết vấn đề tâm lý của gia đình các nạn nhân không? Hình phạt tử hình có tác động tiêu cực nào đến xã hội và gia đình phạm nhân bị kết án tử hình không? Luật nhân quyền quốc tế quy định như thế nào về hình phạt tử hình? Quan điểm của công chúng như thế nào về hình phạt tử hình? Có hình phạt nào thay thế hình phạt tử hình hay không? Và xu hướng trên thế giới và Việt Nam về hình phạt tử hình? PGS.TS. Vũ Công Giao đã đề cập đến như tổn thất của hình phạt tử hình gây ra Trong báo cáo, PGS.TS. Vũ Công Giao đã đề cập đến những tổn thất của hình phạt tử hình gây ra: không thể khắc phục khi có sai sót, gây tranh cãi nhất từ xã hội trong số các hình phạt. PGS.TS. Vũ Công Giao đã đưa ra các thống kê nghiên cứu của mình một cách khái quát nhưng cũng chi tiết và đa dạng với những số liệu thu thập khảo sát về hình phạt tử hình của các nước trên thế giới; đưa ra những quan niệm được ghi nhận của các tôn giáo trên thế giới và từ quy định về hình phạt tử hình trong luật nhân quyền quốc tế. Từ báo cáo mang tính học thuyết, nghiên cứu của PGS.TS. Vũ Công Giao, có lẽ câu hỏi quan trọng nhất chúng ta cần đặt ra là nên tăng hay giảm các tội có mức án tử hình? Xóa bỏ hay không xóa bỏ án tử hình? Nhiếp ảnh gia Toshi Kazama kể những câu chuyện về hình phạt tử hình Với báo cáo thứ hai của tọa đàm, đại biểu được nghe nhiếp ảnh gia Toshi Kazama kể những câu chuyện mà chính ông đã từng gặp, từng tiếp xúc khi tham gia chụp ảnh về số phận các tử tù tại Hoa Kỳ và Đài Loan. Những gương mặt, cảm xúc của các phạm nhân chờ thi hành án tử hình; Những phòng giam tại các nhà tù; Hình ảnh nơi thi hành án tử hình hay là lời kể của ông Toshi Kazama về công việc của người thi hành án, quá trình thi hành án tử hình được diễn ra như khắc sâu nỗi ám ảnh về án tử hình tới các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Câu hỏi nhiếp ảnh gia Toshi Kazama gửi tới thông qua buổi tọa đàm: Bạn có sẵn sàng là người thi hành án tử hình không? Chúng ta – những người vô tội phải thực hiện hành vi giết người một cách bài bản, hệ thống, vậy có phải là nhân đạo không?
Các đại biểu phát biểu ý kiến Qua 02 bài báo cáo, dường như các đại biểu đã phần nào hiểu hơn về những hệ quả mà hình phạt tử hình đem lại từ nhiều góc độ. Các câu hỏi được đặt ra, được giải đáp từ 2 báo cáo viên và những đại biểu tham dự. Không còn ý kiến trái chiều về hình phạt tử hình trong các đại biểu tham dự có lẽ chính là thành công của tọa đàm. |