Hội thảo quốc tế “Hình phạt tử hình ở Châu Á: pháp luật và thực tiễn”
Cập nhật lúc 0:00, 19/02/2021 (GMT+7)

Trong 02 ngày 18-19/02/2021, Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến “Hình phạt tử hình ở Châu Á: pháp luật và thực tiễn” do Khoa Luật phối hợp với Trung tâm Luật châu Á thuộc Trường Luật, Đại học Melbourne (Úc), Mạng lưới chống hình phạt tử hình ở châu Á và Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức đã thu hút được hàng trăm diễn giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ chương trình thạc sĩ Pháp luật về quyền con người, được tài trợ bởi Đại sứ quán Úc tại Việt Nam thông qua chương trình Aus4Skills.

 

 

 Toàn cảnh Hội thảo tại Khoa Luật

Tham dự và trao đổi tại Hội thảo về phía Khoa có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hành chính, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và Lịch sử nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hành chính. Về phía đơn vị đồng tổ chức có GS. Sarah Biddulph – Giám đốc Trung tâm Luật châu Á thuộc Trường Luật, Đại học Melbourne, Úc, Bà Sara Kowal Đại diện Ban điều hành Mạng lưới chống hình phạt tử hình ở châu Á, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh – Phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ các đơn vị như Đại học Luật Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Đại học Huế và các chuyên gia quốc tế đến từ Pakistan, Thái Lan, Indonesia, Philipines, Canada, Ailen, Trung Quốc, UNDP, …

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các học giả trên thế giới thảo luận cả về lý luận và thực tiễn về Hình phạt tử hình ở Châu Á. Việc này cũng là một phần quan trọng để có thể có những khuyến nghị phù hợp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới.  

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh nhấn mạnh Hội thảo này là sự kiện mở đầu cho một năm mới theo truyền thống của Việt Nam. Nó còn đặc biệt hơn khi Hội thảo này có sự đồng tổ chức của các đối tác lớn, như Trung tâm Luật châu Á thuộc Trường Luật, Đại học Melbourne (Úc), Mạng lưới chống hình phạt tử hình ở châu Á và Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội. Chủ đề hội thảo hôm nay là về hình phạt tử hình - một vấn đề còn rất nhiều tranh luận và không chỉ dừng lại trong lĩnh vực của luật pháp, nó còn là vấn đề của nhận thức, chính trị và văn hóa, đặc biệt là ở khu vực châu Á cũng phần nào thể hiện được tất cả những điều ấy. Hi vọng rằng, Hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn hữu ích để các chuyên gia, nhà khoa học có thể trao đổi, đưa ra những quan điểm học thuật mới và có thể có những khuyến nghị phù hợp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới. PGS tin tưởng rằng, với sự tham gia nhiệt tình của các quý vị, và với chủ đề mang tính thời sự, hấp dẫn, có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, hội thảo này của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp.

Hội thảo đã nhận được 32 bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, thu hút hơn 150 đại biểu tham gia cho thấy sự hấp dẫn và sự quan trọng của chủ đề mà Hội thảo đưa ra.

Chương trình của Hội thảo chia làm 05 phiên chính, gồm: Phiên 1 - Tổng quan về những thách thức liên quan đến hình phạt tử hình; Phiên 2 - Quyền sống và Tử hình tại Đông Nam Á; Phiên 3, 4 – Tội phạm ma túy và án tử hình 1 và 2; Phiên 4: Án tử hình tại Việt Nam

Phiên 1 của Hội thảo có 6 tham luận được trình bày với sự chủ trì của TS. Dobby Chew. NCS. Lê Quỳnh Mai trình bày mở đầu với tham luận về “Hình phạt tử hình và mối liên hệ với hạn chế quyền theo pháp luật Việt Nam” với các nội dụng tổng quan về hình phạt tử hình cho thấy pháp luật Việt Nam đã có những điểm tương đồng với pháp luật quốc tế; phần thứ hai xem xét cách tiếp cận hình phạt tử hình là biện pháp hạn chế quyền, khi theo quy định của luật và trong các trường hợp cần thiết với những lý do chính đáng thì hình phạt tử hình được sử dụng để hạn chế quyền sống.

Trong phiên 2 của Hội thảo, trình bày tham luận về “Xu hướng giảm và bỏ hình phạt tử hình ở các nước Châu Á: Quan điểm về cách tiếp cận dựa trên quyền con người” do ông Đặng Viết Đạt trình bày với nội dung bảo vệ quyền sống của mọi người và giảm nhẹ, xóa bỏ án tử hình đã và đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng thế giới. Cách tiếp cận dựa trên quyền con người cho thấy việc giảm và bỏ án tử hình đang trở thành xu hướng tất yếu của xã hội đương đại cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước và nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Việc giảm và bãi bỏ hình phạt tử hình ở các nước châu Á trong luật pháp hay thực tiễn cũng không nằm ngoài xu hướng chung này. Xu hướng này được giải thích cẩn thận từ quan điểm của cách tiếp cận dựa trên quyền con người. Phiên 2 của Hội thảo do TS. Ngô Minh Hương chủ trì.

Phiên 3 và 4 của Hội thảo có 7 tham luận với nội dung xoay quanh về Tội phạm ma túy và hình phạt tử hình. Theo đó, các diễn giả trình bày tham luận đã đưa ra các quan điểm khác nhau về hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này.

Thứ nhất, Trong các văn kiện quốc tế cũng như khuyến nghị của các cơ quan nhân quyền quốc tế, tội phạm ma túy không phải là loại tội phạm nghiêm trọng nhất. Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì hình phạt tử hình đối với một số tội phạm liên quan đến ma túy là chưa tương thích.

Thứ hai, Một số các quốc gia Đông Nam Á cho thấy có thể chia thành 3 nhóm: xóa bỏ, không áp dụng trên thực tế, và vẫn áp dụng. Với các quốc gia còn duy trì có điểm chung coi đây là loại tội phạm nghiêm trọng, hầu hết công dân ở các quốc gia này vẫn ủng hộ việc duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm ma túy. Với một số quốc gia đã xóa bỏ, cũng có trường hợp đáng lưu ý của Philippine khi nước này đôi lúc vẫn cân nhắc tái áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm ma túy do tính nghiêm trọng của tội phạm và sự ủng hộ của công chúng.

Phiên 5 của Hội thảo cùng thảo luận về án tử hình tại Việt Nam do TS. Lã Khánh Tùng chủ trì. Theo đó, PGS. Đặng Minh Tuấn cho rằng Việt Nam chịu ảnh hướng rất lớn từ hệ thống pháp luật Trung Quốc mà trọng tâm chú trọng vào pháp luật hình sự với mục tiêu trừng trị những người phạm tội. Đó là một lí do quan trọng khiến Việt Nam vẫn duy trì hình phạt tử hình nói chung, dù gần đây đã thu hẹp việc áp dụng. Ngay cả trong giới học giả, việc thảo luận và nghiên cứu về chủ đề này còn khá hạn chế và vẫn thường bị coi là nhạy cảm chính trị. Trong thời gian tới, nếu hình phạt này vẫn được quy định trong luật, khả năng cao hơn là sẽ không áp dụng trên thực tế thay vì một chuyển biến lớn là xóa bỏ. TS.Vũ Thị Thu Quyên đưa ra ví dụ về Vụ án Lê Văn Luyện và ảnh hưởng đến việc duy trì hình phạt tử hình ở Việt Nam. Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây xôn xao và rất nhiều tranh luận ở Việt Nam khi đó. Về mặt pháp lí, vụ án có ảnh hưởng lớn đến quan điểm của các chuyên gia, nhà làm luật Việt Nam về chính sách phòng chống tội phạm nói chung, trong đó đặc biệt là chính sách về hình phạt tử hình.

Hội thảo cũng thu hút được đông đảo ý kiến, phản hồi từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu xoay quanh chủ đề Hội thảo. Nhìn chung, không chỉ ở Việt Nam mà đây là vấn đề thách thức của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay trong mỗi quốc gia cũng có những góc nhìn khác nhau và cách tiếp cận khác nhau mà khó có thể đưa các yếu tố này đến gần với nhau.  

 
 
 
 
 

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi tại Hội thảo 

Sự quan tâm, phản hồi, chia sẻ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Hội thảo đã cho thấy rằng chủ đề này rất quan trọng và có vai trò cung cấp ý kiến tư vấn cho các cơ quan nhà nước và các nhà hoạch định chính sách hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực tư pháp hình sự và cũng nhằm xây dựng, củng cố hệ thống pháp luật theo hướng nhân quyền, hội nhập, nhân đạo hóa và phù hợp với xu thế chung của nhân loại.  Dù còn nhiều tranh luận, nhưng những ý kiến của học giả, chuyên gia cũng đã gợi mở cho việc nghiên cứu và sẽ là tài liệu quý cho hoạt động đào tạo. nghiên cứu tại Khoa.

 

Minh Giang
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081