Tọa đàm 05 Án lệ: Lí thuyết và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam
Cập nhật lúc 0:00, 17/03/2021 (GMT+7)

Tối ngày 16/3/2021, tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), tọa đàm số 05 đã diễn ra với chủ đề “Án lệ: Lí thuyết và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn luật học “Vietnam Law” được tổ chức bởi Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Học viện Khoa học xã hội. Diễn giả chính của Tọa đàm là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Tống Anh Hào - Nguyên Phó Chánh án Tòa án nHân dân Tối cao, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ và TS. Nguyễn Văn Nam - Phó trưởng Khoa Luật, Học viên An ninh Nhân dân, thành viên Tổ tư vấn án lệ Tòa án Nhân dân Tối cao.

 

Toàn cảnh Tọa đàm 

Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hành chính, Khoa Luật, ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh – Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật, ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật, ĐHQGHN, TS. Mai Văn Thắng – Trưởng phòng QLKH&HTPT, Khoa Luật, ĐHQGHN và gần 40 chuyên gia, nhà khoa học tham gia trực tiếp. Ngoài ra, qua ứng dụng Zoom, Tọa đàm thu hút hơn 120 khách mời là giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học các đơn vị trong cả nước.

 
 

 

Diễn giả của Tọa đàm: Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào (Trái) và TS. Nguyễn Văn Nam (Phải)

Nội dung chính của Tọa đàm chia làm 2 phần: Phần 1 – Diễn giả trao đổi và thảo luận các chủ đề các câu hỏi của Diễn đàn; Phần 2 – Thảo luận.

Mở Đầu Tọa đàm, Thẩm phán Tống Anh Hào đã chia sẻ quá trình và những tiêu chí để xây dựng án lệ. Theo đó, hiện nay Việt Nam đã có được 43 án lệ. Thực tiễn ở Việt Nam, chủ trương phát triển án lệ đã có từ Nghị quyết 49 nhưng quá trình triển khai sau đó gặp nhiều thách thức và luôn gắn liền với cải cách tư pháp nói chung và đến Luật tổ chức toà án 2014 mới lần đầu tiên luật hoá khái niệm án lệ. Nhiệm vụ của án lệ là thống nhất nhận thức; phân tích các yếu tố pháp lí, sự kiện khách quan. Có 2 tiêu chí nổi bật là tính thiếu thống nhất trong nhận thức liên quan đến vấn đề được giải quyết; thống nhất áp dụng về sự kiện pháp lí cụ thể.

Theo TS. Nguyễn Văn Nam, án lệ là điểm mới về văn hoá pháp lí ở Việt Nam nhưng trên thế giới đã phát triển từ lâu. Trong đó, hệ thống thông luật đã chú trọng án lệ từ sớm. Họ cũng coi đây là một nguồn luật để các toà án có thể sử dụng. Có 4 cấu thành của án lệ gồm: phải là bản án (án lệ phải nằm trong bản án); không phải mọi bản án là án lệ (phải giải quyết 1 câu hỏi pháp lí chưa rõ) nên chủ yếu án lệ được sản xuất từ toà cấp cao trở lên; có lập luận, quan điểm của Hội đồng xét xử.

Vậy, thứ bậc áp dụng nguồn luật là án lệ? Trước đây TANDTC có ban hành Nghị quyết của HĐTP thì đó có phải án lệ không?

Trả lời câu hỏi trên, Thẩm phán Tống Anh Hào cho biêt Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán là văn bản quy phạm pháp luật nên hoàn toàn khác án lệ. Án lệ không mang tính khái quát mà gắn với vụ việc cụ thể.

Tại phần thảo luận của Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã cùng nêu ý kiến đóng góp, bình luận về chủ đề của Tọa đàm và nêu các câu hỏi gửi tới diễn giả.

Theo GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế liên quan án lệ số 18, lời văn của án lệ dường như có tính bắt buộc. Vậy thực tế hành vi đâm xe như vậy khi nào được hiểu là giết người, khi nào là chống người thi hành công vụ?

Cùng thảo luận với nội dung do GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế nêu ra, TS Mai Văn Thắng đặt ra vấn đề vậy có khả năng xung đột với nguyên tắc suy đoán vô tội hay không? Án lệ này có vẻ dựa trên suy đoán không có lợi cho nghi phạm.

Bình luận thêm về các nội dung của Tọa đàm, TS. Đỗ Giang Nam cho rằng khi nói về hiệu lực ràng buộc của án lệ, dường như đang có chút khác biệt giữa hai diễn giả. TS cũng đặt câu hỏi với các diễn giả về quy trình 3 bước, gồm: lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ có hợp lý không và theo các diễn giả, nếu tiếp tục cải cách án lệ ở Việt Nam thì có thể cải cách ở những điểm nào nữa?

Tọa đàm số 05 đã diễn ra thành công, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Hi vọng với hình thức tổ chức mới mẻ, thuận tiện cùng những nội dung của mỗi số luôn mới, hấp dẫn, Tọa đàm sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

 

Minh Giang
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081