Tọa đàm chuyên đề trực tuyến “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ở Việt Nam: Nỗ lực và thách thức”
Cập nhật lúc 11:00, 21/07/2021 (GMT+7)

Trong khuôn khổ Tọa đàm của Diễn đàn “Legal Talkshow” được phối hợp tổ chức bởi Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Học viện Khoa học xã hội, ngày 20/7/2021, Khoa Luật đã tổ chức Tọa đàm “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ở Việt Nam: Nỗ lực và thách thức” bằng hình thức trực tuyến.

 

Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, TS. Lê Lan Chi- Phụ trách BM Tư pháp Hình sự TS. Mai Văn Thắng – Trưởng phòng QLKH&HTPT, Khoa Luật, ĐHQGHN và gần 170 chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học các đơn vị trong cả nước trên nền tảng Zoom.

Với mục tiêu cùng thảo luận về thực trạng, nguyên nhân của hành vi buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật và các nỗ lực, kết quả của Việt Nam đã làm được cùng các thách thức đặt ra cho thiết chế pháp luật hiện hành về về bảo vệ động, thực vật hoang dã, Tọa đàm đã có sự tham gia của 03 diễn giả chính là: Bà Hoàng Bích Thủy – Giám đốc Chương trình bảo tồn động vật hoang dã (WCS) Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiếm sát Hà Nội và PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hành chính, Khoa Luật, ĐHQGHN.

 
 Bà Hoàng Bích Thủy – Giám đốc Chương trình bảo tồn động vật hoang dã (WCS) Việt Nam

Chia sẻ thông tin về tình hình buôn bán ĐVHD tại Việt Nam, Bà Hoàng Bích Thủy cho biết tội phạm về xâm phạm ĐVHD đang ngày càng phổ biến, diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng không ngừng với nhiều thủ đoạn thách thức và tinh vi, gây ra những bất ổn về an ninh quốc gia và kinh tế. Việt Nam là một trong những điểm trung chuyển, tiêu thụ và cung cấp động vật hoang dã, do đó đặt ra yêu cầu phải xử lý tội phạm này triệt để, hiệu quả và có sự tương trợ tư pháp giữa các quốc gia trong khu vực. Bà cũng cho biêt thêm, năm 2020, khi đại dịch Covid – 19 ảnh hưởng đến mọi hoạt động giao thương trên toàn thế giới thì việc mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD cũng có sự gián đoạn.

 
PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiếm sát Hà Nội
 

Chia sẻ về các nỗ lực, kết quả của Việt Nam trong việc xử lý tội phạm buôn bán ĐVHD, PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh cho biết đến nay đã có nhiều hiệp định quốc tế về bảo vệ động, thực vật hoang dã đòi hỏi các quốc gia phải cam kết tuân thủ và tuân thủ triệt để. Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và trở thành thành viên của Công ước Đa dạng sinh học, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994,... Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới như ký Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn buôn bán sừng tê giác với Nam Phi năm 2012.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, cam kết quốc tế và khu vực như Mạng lưới thực thi pháp luật về bảo vệ động, thực vật hoang dã.

Các cơ quan chức năng nỗ lực trong công tác đấu tranh, xử lý nghiêm nhiều đối tượng vi phạm. Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã được đưa ra xét xử trung bình mỗi năm chiếm khoảng 73%. Riêng năm 2018, công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã có kết quả khả quan nhất với 82/98 vụ án được đưa ra xét xử.

 
Các đại biểu tham dự trực tuyến 

Chia sẽ nhiều hơn dưới góc độ pháp luật quốc tế, PGS.TS. Vũ Công Giao chia sẻ trong pháp luật quốc tế có một số công ước bảo vệ ĐVHD, trong số đó Công ước CITES là một Công ước quan trọng về việc cấm buôn bán ĐVHD quy định gần 5.000 loài động vật và 29.000 loài thực vật được đưa vào danh sách bảo vệ do bị khai thác quá mức trong thương mại quốc tế. Mỗi loài được bảo vệ thuộc một trong ba danh sách được gọi là phụ lục. Phụ lục này thể hiện mức độ đe doạ của loài và sự kiểm soát được áp dụng trong thương mại. Phụ lục I gồm 1200 loài bao gồm các loài bị đe doạ tuyệt chủng và có thể bị ảnh hưởng do thương mại. Các loài động vật nổi tiếng được liệt kê trong phụ lục I gồm gấu trúc đỏ, Gorilla gorilla, chimpanzee, hổ phân loài của Panthera tigris, …và tất cả loài Tê giác (trừ một vài quần thể của phân loài Nam Phi). Phụ lục II gồm khoảng 21.000 loài, là các loài chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có thể xảy ra nếu việc buôn bán các loài này là đối tượng cần được quy định chặt chẽ để tránh việc sử dụng không phù hợp với sự sinh tồn của chúng trong tự nhiên. Phụ lục III gồm khoảng 170 loài bao gồm các loài được liệt kê sau khi một nước thành viên yêu cầu các tổ chức khác CITES hỗ trợ kiểm soát buôn bán các loài này. Các loài không cần phải thuộc diện đe doạ tuyệt chủng trên toàn cầu. Ở tất cả các nước thành viên, việc buôn bán các loài này chỉ được phép với giấy phép xuất khẩu tương ứng và chứng nhận nguồn gốc từ quốc gia thành viên đã liệt kê các loài này. Ngoài ra, PGS cũng nói thêm về một số các Công ước khác như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế năm 1989, Công ước chống sa mạc hóa năm 1998,…

Tại Tọa đàm, các diễn giả cũng đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do dân số tăng, kéo theo áp lực về khai thác, tiêu dùng ÐVHD để làm thực phẩm và làm thuốc. Ðáng chú ý, có một số loài ÐVHD do được quảng bá về một số tính năng đặc biệt như: bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, chữa bệnh nan y (dù có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh) cho nên trở thành đối tượng bị săn lùng, khai thác tận diệt. Ðã có không ít người sẵn sàng chấp nhận bất cứ mức giá nào để có được các sản phẩm như sừng tê giác, cao hổ cốt…, nhằm thỏa mãn thị hiếu tiêu dùng của “độc”, hoặc để “chơi sang”. Chính vì vậy, càng thúc đẩy việc săn bắt, tiêu thụ trái phép các ÐVHD nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam.

Ngoài ra, do Việt Nam là quốc gia trong khu vực và có chung đường biên giới với các nước có nhu cầu tiêu thụ loài hoang dã lớn cho nên Việt Nam đang là điểm nóng về trung chuyển, buôn lậu ÐVHD qua biên giới. Trong khi đó, sự hiểu biết về pháp luật của người dân vẫn hạn chế. Năng lực phát hiện vi phạm pháp luật về lĩnh vực này của cơ quan thực thi pháp luật còn hạn chế do lực lượng mỏng, trang thiết bị phương tiện thiếu; khả năng đấu tranh đối với loại hình vi phạm này của lực lượng chuyên trách chưa theo kịp các thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp của các đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép các ÐVHD nguy cấp, quý, hiếm…

Tại phần thảo luận của Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã cùng nêu ý kiến đóng góp, bình luận về chủ đề của Tọa đàm và nêu các câu hỏi gửi tới diễn giả như: Hành vi vi phạm quy định ĐVHD sẽ bị xét xử theo tội phạm về môi trường song hiện nay tại BLHS 2015 sửa đổi đã tách thành 2 điều luật thuộc Chương tội phạm về trật tự kinh tế và tội phạm về môi trường. Theo ý kiến của đại biểu chỉ nên quy định về tội phạm về môi trường để phù hợp với Công ước quốc tế và đại biểu muốn tham khảo ý kiến từ các diễn giả của Tọa đàm.

Các câu hỏi khác gửi tới các diễn giả là: Nguyên nhân của việc nhận được sự tương trợ tư pháp muộn có ảnh hưởng như thế nào cho việc xử lý tội phạm buôn bán ĐVHD đặc biệt là các tội phạm có yếu tố nước ngoài? Ngoài ra, các chứng cứ điện tử có ảnh hưởng như thế nào trong việc phát hiện tội phạm buôn bán ĐVHD? Căn cứ định giá tang vật đối với ĐVHD là như thế nào? Chúng ta có giải pháp nào cho chợ buôn bán ĐVHD hay không?

Tọa đàm với chủ đề về buôn bán và bảo vệ ĐVHD đã diễn ra thành công, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Dù thời gian của Tọa đàm được giới hạn song đã có rất nhiều đại biểu quan tâm tham gia. Hi vọng trong thời gian tới, chuỗi Tọa đàm được tổ chức bởi Khoa Luật, ĐHGQHN và Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam vẫn sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm.

 

Minh Giang
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081