Ngày 24/3/2022, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Áp dụng các tiêu chí quản trị nhà nước tốt vào thực tế ở Việt Nam hiện nay”. Hội thảo được tổ chức kết hợp cả hình thức trực tiếp tại Hội trường P703 và trực tuyến qua ứng dụng Zoom Cloud Meetings. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu mở đầu Hội thảo Tham dự trực tiếp tại Hội trường, về phía Khoa Luật có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh – Chủ nhiệm Bộ môn LL&LSNN&PL, PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hành chính. Hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu, diễn giả của Khoa Luật, ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo và nghiên cứu. Ngoài ra, trên Zoom Cloud Meetings của Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 100 khách mời là giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học ở các cơ sở đào tạo và những người làm thực tiễn, người quan tâm đến chủ đề Hội thảo. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh gửi lời chào mừng tới các đại biểu tham gia Hội thảo và cho biết đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài khoa học cấp bộ “Quản trị tốt nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” và Đề tài Khoa học cấp ĐHQGHN “Hoàn thiện pháp luật về quản trị nhà nước ở việt nam đáp ứng các yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0” do 2 giảng viên của Khoa làm chủ nhiệm đề tài là PGS.TS. Vũ Công Giao (đề tài cấp Bộ) và PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (đề tài cấp ĐHQGHN). PGS cũng nhấn mạnh vai trò của quản trị tốt cũng như mối quan hệ, tầm quan trọng của quản trị tốt đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng nói cung và ở Việt Nam nói riêng. PGS hi vọng các đại biểu tham gia Hội thảo sẽ cùng nhau thảo luận các nội dung về chủ đề của Hội thảo. Chỉ trì Hội thảo: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh và PGS.TS. Vũ Công Giao (từ trái qua) Hội thảo được chia làm 2 phiên với 6 tham luận. Các nôi dung chính mà Hội thảo đưa ra xoay quanh các vấn đề như: Lý luận cơ bản về quản trị quốc gia tốt; Sự cần thiết phải chuyển đổi sang mô hình quản trị quốc gia tốt và sự tham gia của người dân trong quá trình này; Nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng trong quản trị quốc gia tốt. Ngoài các câu hỏi được chủ trì Hội thảo đưa ra cho các diễn giả của từng tham luận, tại phiên thảo luận, Hội thảo cũng đã nhận được các phản hồi, bình luận của các đại biểu. GS. TS Hoàng Thị Kim Quế cho biết các mô hình khác nhau có tên gọi khác nhau và do đó cần phải làm rõ ba khái niệm gần gũi với nhau là “nhà nước pháp quyền”, “các nguyên tắc pháp quyền” và “quản trị nhà nước”. Xét về chủ thể, “nhà nước pháp quyền” có chủ thể rộng hơn với bộ máy cưỡng chế. Từ đó cần xác định sự tham gia của các nhánh quyền lực vào công tác quản trị nhà nước và từ đó chứng minh quản trị nhà nước là một công cụ, phương tiện không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền hiện đại. Một vấn đề khác nữa là cần xem xét bối cảnh chính trị, văn hóa xã hội của từng thời kì và từng quốc gia, khu vực chứ không thể “nhập khẩu” một cách máy móc. PGS.TS. Vũ Công Giao cho biết trong sáu nguyên tắc của nhà nước Việt Nam thì nguyên tắc cuối cùng (do một đảng lãnh đạo) là đặc trưng của NNPQ ở Việt Nam và cơ bản không ảnh hưởng đến việc áp dụng các nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt vì các nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt không “kén” các mô hình chính trị ở các quốc gia. Và thậm chí có lợi thế nếu như trong hệ thống chính trị một đảng có ý chí thống nhất thì sẽ được thực hiện rất nhanh. Bên cạnh đó cũng có rủi ro như một đảng lãnh đạo thì đôi khi khó bảo đảm được sự tuân thủ tuyệt đối với pháp quyền. PGS. TS. Nguyễn Minh Phương cũng bình luận trong bối cảnh covid-19 là chưa có tiền lệ nên cũng có những lúng túng nhất định như thiếu thống nhất giữa trung ương - địa phương hay giữa các ngành với nhau. Nhưng phân cấp và hướng dẫn luôn là tiêu chí cần thiết. Sự lúng túng thời gian qua dường như là do đã có sự phân cấp nhưng thiếu hướng dẫn kịp thời. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Toàn cảnh Hội thảo qua Zoom Với mục đích trao đổi, thảo luận về việc áp dụng các tiêu chí quản trị nhà nước tốt vào thực tế ở Việt Nam, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu, diễn giả trong thời gian 4 tiếng diễn ra. Ban tổ chức của Hội thảo hi vọng sau Hội thảo này các bài viết sẽ được biên soạn thành tài liệu với mục đích tham khảo, nghiên cứu trong thời gian tới. |