Tọa đàm khoa học Legal Talk thứ 14 với chủ đề “Một số khiếm khuyết trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam - góc nhìn Đại biểu”
Cập nhật lúc 10:01, 21/04/2022 (GMT+7)

Ngày 19/4/2022, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Học viện Khoa học xã hội (GASS) tổ chức Tọa đàm khoa học “Một số khiếm khuyết trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam - góc nhìn Đại biểu”. Đây là tọa đàm thứ 14 trong chuỗi tọa đàm “Legal talk” được xây dựng và phát triển từ năm 2021. Tọa đàm được tổ chức bằng cả 2 hình thức trực tiếp tại Khoa Luật, ĐHQGHN và trực tuyến qua nền tảng Zoom.

 

Tham dự trực tiếp tại hội trường có các thầy giáo, cô giáo của Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội và Khoa Luật, ĐHQGHN và đại biểu các trường đại học, các nhà khoa học của các viện nghiên cứu chuyên ngành. Ngoài ra, trên Zoom meetings của tọa đàm đã thu hút sự tham gia của 200 khách mời là giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học ở các cơ sở đào tạo và những người làm thực tiễn, người quan tâm đến chủ đề tọa đàm. Diễn giả của Tọa đàm là TS. Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội Khoá XV.

 

Tại Tọa đàm, diễn giả và các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi các nhóm vấn đề xoay quanh nội dung của Tọa đàm gồm: Xây dựng pháp luật ở Việt Nam – Những thành công và khiếm khuyết; Vai trò chủ thể – Nhân tố có tính quyết định trong xây dựng pháp luật; Bàn về giải pháp bảo đảm chất lượng trong xây dựng pháp luật. Theo đó, diễn giả của Tọa đàm đã cùng thảo luận về những thành công và khuyết điểm, nguyên nhân trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam. TS. Lê Thanh Vân cũng đã khái quát những yếu tố tác động đến đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện hay và đưa ra những so sánh giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Với ý kiến về việc xây dựng pháp luật là hoạt động có tính sáng tạo của con người, được tiến hành bằng một quy trình, thủ tục do chính pháp luật quy định và chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau và quan điểm cho rằng, vai trò chủ thể là nhân tố có tính quyết định trong xây dựng pháp luật cũng được TS. Lê Thanh Vân và các đại biểu tham dự thảo luận qua đó đã làm rõ nhiều vấn đề về thành tựu, khiếm khuyết và nguyên nhân của khiếm khuyết của hoạt động này.

Trong phần thảo luận mở, buổi Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và những người làm thực tiễn. Theo đó, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã đặt ra những câu hỏi hay bình luận về chủ đề này như: Để nâng cao được chất lượng của pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam theo Đại biểu vấn đề quan trọng nhất trong xây dựng pháp luật hiện nay là gì và phải làm như thế nào? Vai trò của toà án, giới học thuật, cơ quan lập pháp trong xây dựng pháp luật? Sự tham gia của nhân dân trong xây dựng pháp luật – từ góc nhìn của một ĐBQH? Tọa đàm còn trao đổi về hiện tượng hành chính hóa cơ quan dân cử, phương thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý nghĩa của hoạt động lập pháp của Quốc hội trong bối cảnh Việt Nam hiện nay…

 

Với sức hút từ chủ đề của buổi Tọa đàm và những trao đổi sâu sắc của các diễn giả, buổi Tọa đàm đã thu hút số lượng đại biểu tham dự trực tuyến rất đông và được các nhà khoa học đánh giá cao.

 

Minh Giang
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081