Khoa Luật tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh sự của con người trong Phần các tội phạm, Bộ luật hình sự năm 2015”
Cập nhật lúc 11:51, 05/07/2022 (GMT+7)

Trong các ngày 24 và 25 thắng 6 năm 2022, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) và TP. Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), dưới sự tài trợ và đồng hành của Viện FES Việt Nam, Khoa Luật, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh sự của con người trong Phần các tội phạm, Bộ luật hình sự năm 2015”.

Đây là Hội thảo rất đặc biệt bởi lần đầu tiên, Hội thảo được tổ chức ở hai địa điểm khác nhau và trước mỗi phiên của Hội thảo, Ban Tổ chức đều thực hiện một cuộc Tọa đàm với Tòa án nhân dân hai cấp ở chính địa phương nơi tổ chức các phiên của Hội thảo để khảo sát, tìm hiểu các vấn đề và vướng mắc của thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự liên quan đến nội dung bảo vệ các tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Qua khảo sát và trao đổi thực tiễn, các thảo luận tại Hội thảo vì vậy mà trở nên gần gũi với cuộc sống, bám sát các vấn đề thực tiễn và có sự kết hợp hài hòa giữa lý luận, khoa học và thực tiễn. Bên cạnh đó, các trao đổi của các nhà khoa học tham gia Hội thảo cũng đã giúp cho các thẩm phán ở địa phương hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, trao đổi để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn xét xử.

 

Tại Nha Trang, bên cạnh sự đồng hành của Viện FES Việt Nam, Khoa Luật ĐHQGHN còn nhận được sự phối hợp hiệu quả của Trường Đại học Thái Bình Dương. Phần thứ 1 và phần thứ 2 của Hội thảo được tổ chức tại chính Trường Đại học này – đơn vị đối tác vừa ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Khoa Luật, ĐHQGHN trước đó một ngày.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh gửi lời cám ơn chân thành đến Viện FES Việt Nam – đối tác đã đồng hành, hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động của Khoa trong suốt thời gian qua. PGS cũng gửi lời cảm ơn tới Ban Giám hiệu Trường Đại học Thái Bình Dương, đối tác đã tích cực phối hợp và tạo mọi điều kiện tốt nhất để Khoa có thể tổ chức được Hội thảo ở địa điểm rất đẹp, trang trọng và lịch sự này. PGS cho rằng, Hội thảo được tổ chức theo cách thức rất đặc biệt và có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia hàng đầu của luật hình sự, luật tố tụng hình sự và quyền con người cũng như của các chuyên gia thực tiễn, các luật sư, các thẩm phán sẽ giúp cho Hội thảo có thể đưa ra được các đề xuất chất lượng, góp phần hoàn thiện Bộ Luật Hình sự của nước ta trong bối cảnh phát triển mới.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bà Trần Hồng Hạnh – Điều phối viên Chương trình của Viện FES Việt Nam đánh giá cao Khoa Luật, ĐHQGHN như là một đối tác cực kỳ hiệu quả, tích cực và thân thiết của Viện FES. Viện FES đã không thể thực hiện thành công và hiệu quả các dự án, mục tiêu của mình nếu không có sự đồng hành hiệu quả, chất lượng của Khoa Luật, ĐHQGHN và các chuyên gia tham dự Hội thảo hôm nay cũng như các hội thảo, sự kiện trước đó mà Khoa Luật, phối hợp thực hiện cùng Viện FES Việt Nam. Bà Hạnh cũng cho rằng, thông qua những hoạt động này FES kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện được BLHS góp phần tích cực vào tiến trình hội nhập, xây dựng NNQPXHCN ở Việt Nam.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Phạm Quốc Lộc – Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Thái Bình Dương bày tỏ niềm vui được đón tiếp các chuyên gia hàng đầu của luật hình sự Việt Nam đến dự Hội thảo lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà trường. TS cho rằng, việc cùng Khoa Luật, ĐHQGHN và Viện FES tổ chức Hội thảo này sẽ là động lực to lớn để phát triển chương trình đào tạo ngành luật của Trường hiện đang còn non trẻ. TS đã giới thiệu đôi nét về Trường Đại học Thái Bình Dương, mục tiêu, sứ mệnh, chiến lược phát triển của Trường và mong nhận được sự trợ giúp, đồng hành của các đối tác, chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia, đại biểu có mặt trong Hội thảo hôm nay.

 

Tham dự Hội thảo, ngoài các chuyên gia của Khoa Luật, ĐHQGHN còn có Trung tướng, PGS.TS. Trần Văn Độ, Nguyên Phó Chánh án TANDTC, Nguyên Chánh án Tòa án QSTW; TS. Nguyễn Mai Bộ, Nguyên ủy viên Ủy ban QPAN của Quốc hội, Nguyên Phó Chánh án TAQSTW; TS. Lê Xuân Thân, Đại biểu Quốc hội khóa 15, TS. Nguyễn Thanh Toại, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình Dương, TS.LS. Nguyễn Đình Thơ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa và nhiều chuyên gia, nhà khoa học uy tín đến từ Khoa Luật, ĐHQGHN, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thái Bình Dương, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa và nhiều chuyên gia thực tiễn khác.

Phiên thứ nhất của Hội thảo được chủ trì bởi GS.TSKH Lê Văn Cảm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí và TS Lê Xuân Thân; Phiên thứ hai được chủ trì bởi PGS.TS Trịnh Quốc Toản, PGS. TS Trương Quang Vinh.

 

Mục tiêu và Nội dung của hai phiên đầu tiên của Hội thảo:

- Làm sáng tỏ các vấn đề lý luận xoay quanh trục quyền nhân thân, quyền về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của con người với tư cách là khách thể của tội phạm được pháp luật Việt Nam nói chung và luật hình sự Việt Nam nói riêng bảo vệ.

- Đối chiếu khung pháp lý Việt Nam với Luật nhân quyền quốc tế để đánh giá về mức độ phù hợp của pháp luật Việt Nam với các tiêu chí của pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền sống của con người; nghiên cứu và thảo luận vấn đề tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền sống của con người.

Hội thảo thảo luận về các nội dung chính như:

- Lý luận về quyền nhân thân bằng pháp luật hình sự; chính sách hình sự trong việc bảo vệ quyền nhân thân; khái niệm nhân phẩm và vấn đề bảo vệ nhân phẩm bằng pháp luật quốc té và pháp luật Việt Nam.

- Quyền sống của con người trong luật nhân quyền quốc tế, vấn đề bảo vệ quyền sống của con người trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015; một số kiến nghị hoàn thiện các quy định về các tội xâm phạm tính mạng của con người trong BLHS và kiến nghị về việc xoá bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam nhằm bảo vệ quyền sống của con người.

Trong hai phiên đầu tiên của Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến: (1) Khái niệm và nội hàm của nhân phẩm và quyền về nhân thân, việc phân chia các nhóm tội phạm tương ứng với các nhóm quyền về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự trong pháp luật Việt Nam; (2) Thực trạng của các quy định pháp luật hình sự Việt Nam so với với chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền sống của con người; Vấn đề về hình phạt tử hình ở Việt Nam hiện nay.

Tại TP. Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Khoa Luật ĐHQGH cùng Viện FES Việt Nam đã tổ chức phiên thứ ba và thứ tư của Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, ngoài đại diện đến từ Khoa Luật, ĐHQGHN, Viện FES Việt Nam và các chuyên gia đã tham dự phiên thứ nhất và thứ hai, Hội thảo còn chào đón sự hiện diện của: Lãnh đạo, thẩm phán thuộc Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk; Đại diện Lãnh đạo Toà án nhân dân tỉnh Kon-Tum và đại diện Lãnh đạo Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng; đại diện Lãnh đạo và một số đại biểu đến từ Trường Đại học Thái Bình Dương (Khánh Hòa).

Chủ trì Phiên thứ ba là PGS.TS Trần Văn Độ, TS Nguyễn Duy Hữu (Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk) và Phiên thứ tư là PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, PGS.TS Trịnh Tiến Việt.

Tại Đắk Lắk, Hội thảo tập trung thảo luận về xu hướng quốc tế hoá luật hình sự và những vấn đề đặt ra khi hoàn thiện Bộ luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm sức khoẻ; Bảo vệ quyền nhân thân trong quy định về các tội mua bán người: chuẩn mực quốc tế, pháp luật Việt Nam, thực tiễn áp dụng và một số vấn đề đặt ra; Pháp luật hình sự về các tội phạm tình dục; Thực tiễn xét xử tội phạm về tình dục tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk và một số vấn đề đặt ra.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo tại đây đã thảo luận, trao đổi về: Sự tương thích của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự với pháp luật quốc tế; Vấn đề tội phạm hoá một số hành vi xâm hại tình dục chưa được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015; Sự cần thiết của việc làm sáng tỏ hơn nữa một số dấu hiệu định tội trong nhóm tội phạm về tình dục.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo ở cả Nha Trang và Đắk Lắk đã kiến nghị một số nội dung chính sau:

- Dưới góc độ của pháp luật về nhân quyền thì nhân phẩm là cốt lõi của quyền con người và nội hàm của nhân phẩm vô cùng rộng lớn. Tuy nhiên dưới góc độ của pháp luật chuyên ngành thì nhân phẩm hay quyền nhân thân cần được chia nhỏ để bảo vệ và dễ thực thi pháp luật về bảo vệ những quyền này. Đặc biệt, trong Bộ luật hình sự, chỉ những hành vi xâm phạm nhân phẩm có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội mới bị quy định là tội phạm nên việc sử dụng thuật ngữ theo cách tiếp cận rộng của luật nhân quyền quốc tế sẽ không bảo đảm được tính khoa học trong việc phân chia các tội phạm theo khách thể loại của tội phạm.

- Một số tội phạm xâm phạm tính mạng được quy định trong BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) còn thể hiện sự bất cập và thiếu tính logic cần được tiếp tục hoàn thiện (cấu thành tội phạm còn chưa bảo đảm nguyên tắc công minh và nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự). Vấn đề quy định và áp dụng hình phạt tử hình liên quan trực tiếp tới quyền sống của con người, Việt Nam cũng cần cân nhắc tiếp tục thu hẹp hơn nữa phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, tuy nhiên, xoá bỏ hình phạt tử hình cần được hiện thực hoá theo lộ trình phù hợp nhằm đáp ứng với tâm lý và trình độ nhận thức của người dân Việt Nam.

- Cách tiếp cận của Hội thảo có sự kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả của các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn, thậm chí cả những người vừa hoạt động nghiên cứu vừa làm thực tiễn, đã tạo nên sự khác biệt so với kết quả của các hội thảo khác;

- Những phiên làm việc hiệu quả của Hội thảo đã mang lại những giá trị như: tạo nên cơ sở lý luận, đặc biệt là phương pháp tiếp cận quyền trong việc nghiên cứu và áp dụng quy định của BLHS 2015 về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.

- Hội thảo đề cập tương đối chi tiết về 3 nhóm tội xâm phạm tính mạng, các tội xâm phạm sức khoẻ và các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người;

- Ý kiến trao đổi, nhận xét, đánh giá sẽ được các nhà khoa học biên tập thành những bài nghiên cứu và công bố để làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081