Hội thảo “Quản trị quốc gia tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay”
Cập nhật lúc 11:00, 31/08/2022 (GMT+7)

Ngày 30/8/2022, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo “Quản trị quốc gia tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay”. Hội thảo này được tổ chức trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ được chủ trì bởi Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và do PGS.TS. Vũ Công Giao làm Chủ nhiệm. Hội thảo diễn ra bằng cả hình thức trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến trên nền tảng Zoom.

 

Toàn cảnh Hội thảo 

Tham dự Hội thảo, về phía Khoa Luật có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hành chính, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh – Chủ nhiệm Bộ môn LL&LSNN&PL, TS. Mai Văn Thắng – Trưởng Phòng QLKH&HTPT. Về phía các chuyên gia, nhà khoa học có Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội, TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, TS. Nguyễn Cảnh Lam - Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính trung ương, TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Nội chính trung ương, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Phạm Hồng Thái, PGS.TS. Chu Hồng Thanh và hơn gần 200 đại biểu tham gia trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến.

 
PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu mở đầu Hội thảo
 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết với quan niệm coi phòng, chống tham nhũng là công việc thường xuyên, liên tục và rất quan trọng với mỗi nhà nước, mỗi xã hội. Một quốc gia sẽ không thể phát triển thịnh vượng và văn minh nếu không thể khống chế được tham nhũng. Vì thế, để phòng chống tham nhũng hiệu quả thì chỉ có nhà nước là chưa đủ, mà còn cần có sự tham gia của mọi chủ thể khác trong xã hội, trong đó có các cơ sở học thuật, đặc biệt là các trường, các viện nghiên cứu khoa học. Chủ đề hội thảo hôm nay không chỉ đề cập đến một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam mà còn là một trong những lĩnh vực mà Khoa Luật đi tiên phong trong việc giảng dạy, nghiên cứu ở Việt Nam. Trong cuộc hội thảo này, ngoài các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Khoa Luật ĐHQG Hà Nội và một số trường luật khác, còn có sự tham gia của một số cán bộ, chuyên gia của các cơ quan nhà nước đang tham gia trực tiếp vào hoạt động phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam như Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. PGS tin tưởng rằng cuộc hội thảo này không chỉ hữu ích với các giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh mà còn có ý nghĩa đối với các nhà quản lý, các cơ quan nhà nước ở nhiều cấp bậc khác nhau.

Hội thảo gồm có 2 phiên: Phiên 1 về “Những chủ trương, chính sách mới của Đảng về phòng, chống lợi ích nhóm và tiêu cực trong mối quan hệ với quản trị quốc gia tốt và phòng, chống tham nhũng”; phiên 2 về “Áp dụng một số nguyên tắc của quản trị quốc gia tốt vào phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”.

 
 

Phiên 1 của Hội thảo được điều hành bởi PGS.TS Vũ Công Giao và TS. Nguyễn Quốc Văn với 04 báo cáo khoa học của các chuyên gia. Các báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ về những chủ trương, chính sách mới của Đảng về phòng, chống lợi ích nhóm và tiêu cực trong mối quan hệ với quản trị quốc gia tốt và phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là những chính sách mới được ban hành kể từ sau Đại hội XIII của Đảng.

 
 

Trong đó, vấn đề lợi ích nhóm, tham nhũng có tác hại lớn đến nhiều khía cạnh: Làm sai lệch chủ trương, đường lối, sai lệch phương hướng quản trị quốc gia, gây thất thoát, lãng phí lớn, làm băng hoại đạo đức, xói mòn lòng tin,… Lợi ích nhóm tác động đến quá trình xây dựng chính sách, thực thi chính sách thông qua những vận động không chính đáng trong quá trình xây dựng chính sách. Tuy nhiên, đối với các văn bản luật được xây dựng theo quy trình chặt chẽ nên khả năng chịu tác động là khó và hiện chưa phát hiện được có sự cài cắm lợi ích trong các văn bản quy phạm (phân biệt với trường hợp văn bản có sơ hở, dễ bị lợi dụng xuất phát từ năng lực, kinh nghiệm hạn chế).

 

Phiên 2 của Hội thảo được điều hành bởi PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh và TS. Nguyễn Quốc Văn với 05 báo cáo chuyên đề.

Trong phiên này, hàng loạt vấn đề áp dụng một số nguyên tắc của quản trị quốc gia tốt vào phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã được đưa ra thảo luận. Trọng tâm là các nguyên tắc về sự tham gia của người dân; nguyên tắc hiệu lực, hiệu quả và kịp thời; nguyên tắc công bằng, bao trùm và định hướng đồng thuận,… Đồng thời, các diễn giả cũng phân tích mối liên hệ giữa quản trị quốc gia tốt và phòng, chống tham nhũng với những cách tiếp cận khác nhau.

 

Một số quan điểm cho rằng tham nhũng có phần tác động tích cực giúp thúc đẩy sự vận động của nền kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn thì tham nhũng có những tác hại tiêu cực nhiều và khó giải quyết hơn. Từ tiếp cận về sự tham gia, TS. Lã Khánh Tùng cho rằng tiếng nói của người dân và các tổ chức xã hội cần được chú ý trong quá trình thực hiện các hoạt động liên quan đến đời sống của họ. Mặc dù khuôn khổ luật pháp và các chính sách hiện hành ở Việt Nam cũng đã được củng cố nhưng vẫn còn một số thách thức về thể chế (quyền tiếp cận thông tin còn nhiều bất cập) và cơ chế giải quyết khiếu nại và bảo vệ quyền; các quyền dân sự cơ bản (ngôn luận, hội họp, báo chí,…) cần được mở rộng hơn.

Các chuyên gia nhận định rằng, tham nhũng có thể dẫn đến nhiều hệ quả nhưng quan trọng là gây giảm sút lòng tin, đòi hỏi việc áp dụng các nguyên tắc phòng chống tham nhũng một cách đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong quá trình thảo luận, nhiều quan điểm, đánh giá từ phía các đại biểu đã được nêu ra, đóng góp những góc nhìn khác nhau về chủ đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm cũng như các biện pháp có thể sử dụng mà trọng tâm là các biện pháp pháp lí.

 

Qua 2 phiên làm việc, Hội thảo đã làm sáng tỏ các nội dung chính xoay quanh chủ đề chung của Hội thảo về Quản trị quốc gia tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay. Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo là vô cùng quý giá và cần thiết giúp cung cấp những cơ sở lí luận và thực tiễn sinh động, xác đáng cho công tác xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật ở Việt Nam trong thời gian tới và thực hành tốt các quy định pháp luật này.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081