Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng trong pháp luật đầu tư và thương mại quốc tế”
Cập nhật lúc 11:00, 23/08/2022 (GMT+7)

Ngày 23/8/2022, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng với Trường Luật Toàn cầu Jindal, ĐH Toàn cầu Jindal, Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng trong pháp luật đầu tư và thương mại quốc tế”. Hội thảo được tổ chức bằng cả hai hình thức trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Tham dự Hội thảo, về phía Khoa Luật có PGS.TS. Trịnh Tiến Việt – Phó Chủ nhiệm Khoa, TS. Mai Văn Thắng – Trưởng Phòng QLKH&HTPT, PGS.TS. Bùi Tiến Đạt – Phó Trưởng Phòng QLKH&HTPT. Về phía các đơn vị đồng tổ chức có TS. Fiona Donson, Trường Luật, Đại học Cork, PGS.TS. Sawmiya Rajaram, Trường Luật Toàn cầu Jindal, ĐH Toàn cầu Jindal, PGS.TS. Trần Văn Nam, Khoa Luật, ĐHKTQD, TS. Hà Công Anh Bảo, Khoa Luật, ĐH Ngoại thương. Ngoài ra, trên nền tảng Zoom, Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các đơn vị trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trịnh Tiến Việt cho biết Khoa Luật là cơ sở đào tạo rất năng động trong việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế không chỉ với các đối tác Việt Nam mà còn với rất nhiều quốc gia trên tất cả các châu lục. Khoa Luật hiện là thành viên của Hiệp hội quốc tế các trường luật (IALS), Diễn đàn công lý thế giới (WJF) và tham gia nhiều mạng lưới học thuật uy tín như Hiệp hội Nghiên cứu hiến pháp châu Á, Hiệp hội Luật và xã hội châu Á…Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, Khoa đã phối hợp với nhiều cơ sở học thuật ở Việt Nam và một số nước như Úc, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ai-len, Ấn Độ… tổ chức nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế, trong đó có cuộc hội thảo này. Với nội dung liên quan đến “Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng trong pháp luật đầu tư và thương mại quốc tế”, PGS cho biết vẫn còn một số vấn đề đang gây tranh luận như: Khi nào và bằng cách nào pháp luật đầu tư quốc tế và thương mại quốc tế được sử dụng như một công cụ pháp lý để thúc đẩy quản trị tốt và phòng chống tham nhũng? Phạm vi tác động và mức độ hiệu quả của pháp luật quốc tế trong vấn đề này? Xu hướng quản trị tốt và nghĩa vụ phòng, chống tham nhũng trong pháp luật quốc tế là gì?

 

PGS hi vọng với dung lượng 10 bài tham luận được trình bày trong Hội thảo này sẽ giúp các nhà khoa học, nghiên cứu, giảng viên, học viên thu được một lượng kiến thức, thông tin lớn mà sẽ có nhiều ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Theo đó, Hội thảo được chia thành hai ngày làm việc với tổng cộng 05 (năm) phiên về các nhóm vấn đề khác nhau. Trong đó, hai phiên đầu tiên được thực hiện vào ngày 23/8/2022; các phiên còn lại được thực hiện vào ngày 24/8/2022.

Phiên 1 được điều hành bởi PGS.TS Trần Văn Nam (Khoa Luật - ĐHKTQD) với 05 báo cáo khoa học của các chuyên gia đến từ Trung Quốc và Việt Nam. Hai báo cáo thuộc phiên này của Giáo sư Zhiyuan Guo và NCS Lê Thị Ngọc Mai tập trung bàn luận về những thay đổi gần đây trong chính sách và pháp luật của Trung Quốc về phòng, chống tham nhũng cũng như các biện pháp bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại nước này. Các báo cáo về Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã thực hiện 3 cuộc cải cách trong 1 thập kỉ qua, đưa vào áp dụng 2 thủ tục đặc biệt như tịch thu tài sản/nguồn lợi bất hợp pháp và nguyên tắc xét xử vắng mặt. Ngoài ra cũng cải cách không truy tố hành vi không tuân thủ của các doanh nghiệp. Các báo cáo còn lại xoay quanh những vấn đề chung như “Lí thuyết Bàn tay sạch trong quá trình phân xử tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài”, những nguyên tắc kiểm soát tham nhũng trong đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng phân tích đến trường hợp cụ thể của một số điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên. Các báo cáo cho thấy Nhà nước cần nhận thức đầy đủ hơn về những nghĩa vụ và trách nhiệm của họ khi để xảy ra tham nhũng. Đồng thời, trách nhiệm không chỉ nằm trong tay Nhà nước mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia, nhà đầu tư quốc tế cũng phải góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tôn trọng đầy đủ hơn các lợi ích công ở quốc gia mà họ đầu tư.

 

Phiên 2 của Hội thảo được điều hành bởi TS. Fiona Donson với 04 báo cáo chuyên đề thực hiện bởi các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ.

Trong phiên này, hàng loạt vấn đề trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp, ảnh hưởng của chuyển đổi số đến thương mại, cũng như yêu cầu hoàn thiện bộ máy các cơ quan phòng, chống tham nhũng đã được đưa ra phân tích và thảo luận chuyên sâu. PGS. Sawmiya Rajaram nhấn mạnh rằng, pháp luật thương mại và đầu tư quốc tế đã và đang ngày càng chú trọng hơn đến các quyền lợi của người tiêu dùng nhằm giúp họ có được sự an toàn tốt nhất khi sử dụng các hàng hóa, dịch vụ từ thương mại và đầu tư quốc tế, đặc biệt đối với những sản phẩm thiết yếu như lương thực, thuốc men, nước, và gần đây còn được bổ sung một số tiêu chí mới như được bảo đảm sinh kế và tính an toàn. Đối với Việt Nam, hệ thống pháp luật cũng như bộ máy thực thi pháp luật còn hạn chế có thể là thách thức lớn nhất cần giải quyết bên cạnh tiến trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần chú trọng đến việc tuân thủ các cam kết thương mại quốc tế được thể hiện qua hàng loạt hiệp định song phương và đa phương, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do mới gần đây như CPTPP, RCEP, EVFTA,…

Phiên 3 của Hội thảo dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phan Thị Thanh Thủy.

TS. Toh See Kiat (ĐH Quốc gia Singapore) trình bày tham luận “Những quy định pháp luật và thực hành tốt về phòng, chống tham nhũng” phân tích một số vụ việc cụ thể ở Việt Nam (vụ Huỳnh Ngọc Sĩ lạm dụng chức vụ, quyền hạn và bị kết án 20 năm tù). Vụ việc này cho thấy pháp luật ở Việt Nam trong trường hợp này là khá đầy đủ và việc áp dụng pháp luật cũng khá tốt. Việc truy cứu tội phạm cũng được thực hiện một cách khá chắc chắn. Tham luận thứ 2 của cô Đồng Thị Huyền Nga về chống tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm công nhìn từ các tiếp cận pháp lí và kinh tế, nghiên cứu cụ thể trường hợp luật cạnh tranh ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Tác giả cho rằng cần phải tạo lập một thị trường mua sắm công hiệu quả với sự cạnh tranh bình đẳng giữa các bên và giảm thiểu những rủi ro về tham nhũng. TS. Đặng Viết Đạt và Báo cáo viên Lê Xuân Tùng trình bày hai tham luận về các quy định phòng, chống tham nhũng trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam. Với sự quan tâm ngày càng lớn, cộng đồng quốc tế đã có những bước tiến mới lồng ghép các quy định về phòng, chống tham nhũng vào các hiệp định thương mại tự do gần đây với quy định trực tiếp về minh bạch, cam kết phòng, chống tham nhũng, xử lí hình sự, kêu gọi sự tham gia của các khối ngoài nhà nước. Những quy định này có thể được xây dựng thành một chương độc lập hoặc nằm rải rác ở hầu hết các phần nội dung của hiệp định. Tuy vậy, Việt Nam vẫn gặp phải một số thách thức như quy trình xây dựng luật còn thiếu sự tham gia của các bên, sự tiếp thu các góp ý/kiến nghị/giải trình trong quá trình soạn thảo còn chưa được tương xứng. Cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách trong các hoạt động công, đặc biệt là về đấu thầu; cải cách các thủ tục nói chung và thủ tục hành chính nói riêng; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tăng cường minh bạch trong khối công.

Phiên 4 được điều hành bởi PGS.TS Sawmiya Rajaram với ba tham luận xoay quanh các vấn đề về thực tiễn kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; sự trì hoãn việc thực thi hệ thống tự chứng nhận xuất xứ theo các hiệp định thương mại tự do, và vấn đề chuyển giá của các công ty đa quốc gia nhìn từ thực tiễn Việt Nam. Các báo cáo này đều chỉ ra những khoảng trống về thể chế pháp lí của Việt Nam khiến cho thực trạng những vấn đề nêu trên khó được giải quyết thấu đáo mà qua đó ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị hoặc hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực này.

Phiên 5 được điều hành bởi TS. Hà Công Anh Bảo với ba báo cáo được thực hiện bởi các chuyên gia từ In-đo-nê-xi-a và Việt Nam. Những vấn đề chính được thảo luận trong phiên này là vai trò của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống tham nhũng; những cam kết và việc thực thi của Việt Nam đối với việc cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới; và bảo đảm minh bạch, trách nhiệm giải trình trong các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.

Từ kinh nghiệm của In-đô-nê-xi-a cho thấy, không chỉ nhà nước, các cá nhân mà cả các doanh nghiệp cũng phải tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng. Vấn đề là cần làm rõ phạm vi tham gia và làm rõ những khác biệt giữa trách nhiệm của các cá nhân với các doanh nghiệp khi tham gia vào công cuộc này.

Sau 2 buổi làm việc, với tinh thần xây dựng, thẳng thắn, tích cực, Hội thảo đã làm sáng tỏ các nội dung chính xoay quanh chủ đề chung của Hội thảo về Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng trong pháp luật thương mại và đầu tư quốc tế. Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo là vô cùng quý giá và cần thiết giúp cung cấp những cơ sở lí luận và thực tiễn sinh động, xác đáng cho công tác xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật ở Việt Nam trong thời gian tới và thực hành tốt các quy định pháp luật này.

Hội thảo đã tạo diễn đàn hấp dẫn không chỉ cho các nhà khoa học mà còn với cả các nhà quản lí để rút ra được nhiều bài học quan trọng về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng nói chung cũng như trong lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế nói riêng.

Hội thảo đã tiếp tục khẳng định và phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Khoa Luật - ĐHQGHN với các đối tác quan trọng trong và ngoài nước, tạo điều kiện tiếp tục thực hiện tăng cường giao lưu, thúc đầy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu pháp luật trong tương lai.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081