Ngày 23/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1124/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Luật là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) trên cơ sở Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN. Trường Đại học Luật trở thành một trong chín trường đại học thành viên của ĐHQGHN.
Theo Quyết định thành lập, Trường Đại học Luật là cơ sở giáo dục đại học công lập thành viên của ĐHQGHN; thưc hiện tự chủ theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; chịu sự quản lý trực tiếp của ĐHQGHN, quản lý Nhà nước về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quản lý về lãnh thổ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đề án thành lập, việc nâng cấp Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN thành Trường Đại học Luật là trường đại học thành viên của ĐHQGHN góp phần hoàn thiện mô hình phát triển của ĐHQGHN. Việc Khoa Luật được nâng cấp thành trường đại học thành viên, mô hình ĐHQGHN sẽ được hoàn thiện hơn như kỳ vọng, hiệu quả quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực, bộ máy sẽ cao hơn, phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của từng cấp trong tổ hợp đại học đa ngành, đa lĩnh vực là ĐHQGHN. Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật thành viên ĐHQGHN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu luật ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học pháp lý phục vụ tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển đất nước trong bối cảnh mới; Trường Đaik học Luật cũng sẽ góp phần thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước ở Việt Nam hiện nay trong điều kiện, mô hình ĐHQGHN; thúc đẩy phát triển định hướng đại học nghiên cứu và khuyến khích phát triển đại học nghiên cứu thuộc lĩnh vực pháp luật trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Trường Đại học Luật được thành lập trong mô hình ĐHQGHN tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng cho mọi đối tượng tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời góp phần phát huy vượt bậc tiềm năng, thế mạnh của Khoa Luật ĐHQGHN với tư cách là trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật uy tín hàng đầu của đất nước, có bề dày truyền thống, luôn tiên phong, khai phóng trong các hoạt động và định hướng phát triển. Trường Đại học Luật có
lịch sử đến nay là 46 năm hình thành và phát triển. Tiền thân của Nhà Trường là
Khoa Pháp lý thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được thành lập theo Quyết định
số 1087/QĐ ngày 30 tháng 7 năm 1976 của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học
chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT) - là cơ sở đào tạo đầu tiên và duy nhất của
nước ta được giao nhiệm vụ chính trị “đào tạo cán bộ pháp lý bậc đại học” ở thời
điểm đó. Năm 2000 Khoa Luật trở thành đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học
(NCKH) trong lĩnh vực luật học, có con dấu và tài khoản riêng trực thuộc
ĐHQGHN. Ngày 23/9/2022, Khoa Luật đã chính thức trở thành Trường Đại học thành
viên ĐHQGHN. Trong suốt quá trình phát triển hơn 46 năm, Trường Đại học Luật đã
và đang từng bước khẳng định được vị thế, vai trò là một trong những trung tâm
NCKH, đào tạo nguồn nhân lực pháp lý chất lượng cao, tư vấn chính sách pháp luật
cho đất nước, đồng thời cũng là trung tâm nghiên cứu lớn về khoa học pháp lý
cho ngành luật học Việt Nam. Với những thành tựu đó, năm 2016, Khoa Luật ĐHQGHN
và nay là Trường Đại học Luật, ĐHQGHN đã và đang được Đảng, Nhà nước và xã hội
ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Hai.
Về nguồn nhân lực, hiện nay, Trường Đại học Luật thừa hưởng đội ngũ 127 cán bộ cơ hữu của Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN. Trong đó, đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu là 78 người, trong đó có 70 tiến sĩ (89,7% cán bộ giảng dạy); 06 giáo sư và 18 phó giáo sư (30,8% cán bộ giảng dạy). Trong số các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN có tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ là cao nhất. Căn cứ quy mô đào tạo của Trường và số giảng viên quy đổi theo quy định của Bộ GD&ĐT thì tỷ lệ tổng số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh/giảng viên sau quy đổi là 17,54, nếu chỉ tính tỷ lệ sinh viên chính quy (hệ đại học)/giảng viên thì tỷ lệ này là 11,4. Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật ĐHQGHN còn có đội ngũ cán bộ giảng dạy có uy tín cao của các trường đại học thành viên thuộc ĐHQGHN đảm nhiệm việc giảng dạy các học phần thuộc khối kiến thức chung và khối kiến thức chung theo lĩnh vực. Ngoài ra, Trường còn có đội ngũ trên 200 giảng viên kiêm nhiệm, cộng tác viên lâu năm là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học pháp lý, hiện đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức kinh doanh, cơ sở đào tạo và NCKH ở trong và ngoài nước. Về ngành nghề và quy mô đào tạo, Trường Đại học Luật đang triển khai đào tạo: 04 chương trình đào tạo đại học; 09 chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng nghiên cứu và 05 chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, trong đó có những chương trình là chương trình đào tạo đầu tiên được mở tại Việt Nam (chương trình đào tạo thạc sĩ Pháp luật về quyền con người), có cả chương trình đào tạo đầu tiên và hiện nay là duy nhất ở Việt Nam (chương trình đào tạo thạc sĩ Luật biển và quản lý biển, chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị Nhà nước và phòng chống tham nhũng); 06 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ. Tính đến đầu năm 2022, tổng số sinh viên chính quy là 3.228 (trong đó hệ đại học 2.099, bằng kép là 350), đào tạo thạc sĩ là 726 học viên, tiến sĩ là 53 nghiên cứu sinh. Trong các năm gần đây, quy mô đào tạo của Khoa Luật ĐHQGHN và hôm nay là Trường Đại học Luật, ĐHQGHN ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, đồng thời luôn được xã hội đánh giá cao. Về nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển, Trường Đại học Luật là một trong những đơn vị trong ĐHQGHN có thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH, là đầu mối tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ NCKH, triển khai mang tính liên ngành, đa ngành. Nhiều nhà khoa học, giảng viên là các nhà khoa học uy tín, đầu đàn, đầu ngành, được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, sử dụng thành thạo ít nhất 01 ngoại ngữ thông dụng phục vụ nghiên cứu. Về hoạt động NCKH, chỉ tính riêng trong hơn 5 năm trở lại đây, tổng số đề tài các cấp của Trường đã tăng lên đáng kể, cụ thể gồm: 04 đề tài cấp nhà nước, 30 đề tài cấp ĐHQGHN và tương đương, 19 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình “Quản trị Nhà nước và cải cách hành chính” do Chính phủ Đan Mạch tài trợ; 29 đề tài cấp cơ sở, 03 đề tài từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted).
Tính đến nay, Trường đã xuất bản hơn 200 cuốn sách (bao gồm giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo) và hàng chục nghìn bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học pháp lý chuyên ngành trong và ngoài nước, đã tổ chức và tham gia hàng trăm hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế, thu hút được sự tham gia đông đảo của các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế là một trong các lĩnh vực được Trường rất quan tâm và ngày càng được mở rộng. Hiện Trường có quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ nước ngoài của các nước như: Nga, Pháp, Bỉ, Đức, Anh, Ailen, Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Moroc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan... Đặc biệt, được sự ủy quyền của Giám đốc ĐHQGHN, Trường đã phối hợp với các đối tác trong nước và nước ngoài tổ chức một số chương trình đào tạo ở bậc đại học và sau đại học như: cử nhân Luật Việt - Nhật; thạc sĩ Luật Hợp tác kinh tế và Kinh doanh quốc tế; thạc sĩ Luật biển và quản lý biển, thạc sĩ Pháp luật về quyền con người; thạc sĩ Quản trị Nhà nước và phòng chống tham những. Hầu hết là các chương trình đào tạo lần đầu tiên được xây dựng, triển khai và tổ chức tại Việt Nam. Hoạt động hợp tác phát triển cũng đã góp phần tích cực phát triển hoạt động NCKH của Nhà Trường. Bên cạnh lĩnh vực hợp tác quốc tế rất phát triển, lĩnh vực hợp tác trong nước cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trường Đại học Luật ĐHQGHN là đồng sáng lập và tham gia điều hành Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam (VLSN), cùng nhau thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các cơ sở đào tạo luật, đề xuất, kiến nghị chính sách, pháp luật, trong đó có những chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo luật và thực hành nghề luật. Trường Đại học Luật ĐHQGHN đã có nhiều đối tác trong nước là các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, chính quyền địa phương để hợp tác toàn diện trong đào tạo, NCKH và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, cũng như triển khai hoạt động tham vấn chính sách, pháp luật. Việc Thủ tưởng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Trường Đại học Luật thành viên ĐHQGHN trên cơ sở Khoa Luật, ĐHQGHN không chỉ đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, người lao động và người học của Nhà Trường trong 46 năm qua, mà còn tạo ra xung lực mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Trường Đại học Luật ĐHQGHN, của mô hình ĐHQGHN và của chất lượng đào tạo và nghiên cứu luật học ở Việt Nam trong thời gian tới./.
|