Ngày 12/8/2024, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN tổ chức Buổi giảng “Triết lý của Luật hợp đồng thương mại toàn cầu”. Diễn giả chính của buổi giảng là GS. Stefan Vogenauer – Giám đốc Viện Max Planck về Lý thuyết và lịch sử pháp luật. Buổi giảng thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng với đó là đông đảo sinh viên, học viên của Trường ĐH Luật. Về phía Ban giám hiệu và lãnh đạo các Khoa, Trung tâm thuộc Trường có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Phó Hiệu trưởng); TS. Nguyễn Bích Thảo (Chủ nhiệm Khoa LDS); PGS.TS. Trần Kiên (Giám đốc TT Nghiên cứu Luật So sánh); TS. Đỗ Giang Nam (Chủ nhiệm Khoa LDS); … cùng với các chuyên gia, nhà khoa học khác. Phát biểu tại Buổi giảng, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh đại diện Trường Đại học Luật, ĐHQGHN gửi lời cảm ơn trân trọng tới GS. Stefan Vogenauer đã đến thăm và làm việc tại Trường. Phó hiệu trưởng nhấn mạnh đây là cơ hội tuyệt vời để giảng viên, học viên, sinh viên Trường Đại học Luật được lắng nghe cũng như trao đổi, thảo luận về lĩnh vực hợp đồng thương mại. Bà cũng kỳ vọng giữa Nhà trường và Giáo sư Stefan sẽ sớm có thêm nhiều hoạt động trao đổi học thuật trong tương lai. Trong bài giảng của mình, GS Stefan cho biết “Ý tưởng về một hệ thống pháp luật mang tính toàn cầu điều chỉnh các hợp đồng thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp giữa các bên trong các hợp đồng là một trong những chủ đề được tranh luận mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua. Hệ thống này dựa trên hai trụ cột. Trụ cột đầu tiên được xây dựng xung quanh các văn bản liên quan đến luật hợp đồng thực chất (ví dụ: Nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế và Công ước Viên của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế). Trụ cột thứ hai bao gồm các thể chế và quy tắc để tiến hành hoạt động trọng tài thương mại quốc tế. Tuy nhiên, câu hỏi mấu chốt cần đặt ra là liệu có thực sự cần thiết phải có một hệ thống như vậy hay không?”. Thông qua bài giảng, Giáo sư đã tập trung phân tích và đánh giá về lịch sử, triết lý và cấu trúc của hệ thống pháp luật hợp đồng mang tính toàn cầu, từ đó phác thảo những hướng phát triển trong tương lai. Thực tiễn thương mại toàn cầu đang biến chuyển nhanh chóng và đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi thiết chế truyền thống về luật hợp đồng thương mại cần có sự biến đổi, thích nghi nhằm đáp ứng những nhu cầu khách quan từ thực tế. |