Bài giảng chuyên đề của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – đồng chí Nguyễn Hòa Bình tại Khoa Luật, ĐHQGHN
Cập nhật lúc 15:37, 29/06/2022 (GMT+7)

Ngày 28/6/2022, tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đồng chí Nguyễn Hòa Bình - , Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã có bài giảng chuyên đề với chủ đề “Cải cách tư pháp ở nước ta trong tình hình mới”.

 
Toàn cảnh tại Hội trường 

Hiện nay, cải cách tư pháp đang là xu thế phổ biến của thế giới, nếu không tiếp tục cải cách tư pháp thì sẽ trở nên lạc hậu, nhất là trong xu hướng hội nhập, phát triển khoa học - công nghệ như hiện nay. Vì vậy, yêu cầu cải cách tư pháp đáp ứng sự thay đổi của tình hình mới như: Tình hình vi phạm, tội phạm ngày càng gia tăng, phức tạp, nghiêm trọng hơn; trình độ dân trí ngày càng cao; nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ đòi hỏi sự thay đổi trong tư pháp; phải đưa vào và áp dụng các nguyên tắc tư pháp tiến bộ của thế giới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người dân, tăng cường minh bạch, nâng cao năng lực Tòa án; chuẩn bị các khung khổ pháp lý, đào tạo cán bộ tư pháp đáp ứng giải quyết các tranh chấp quốc tế. Vì lẽ tất yếu, nhu cầu nâng cao nhận thức và hiểu biết sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, người học đặc biệt là ngành luật, vì trước hết chính là những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và thực hành nghề luật đóng vai trò chính trong công cuộc này.

Đón tiếp và tham dự Buổi giảng chuyên đề của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, về phía ĐHQGHN có GS.TS. Lê Quân – Giám đốc ĐHQGHN. Về phía Khoa Luật có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Trịnh Tiến Việt – Phó Chủ nhiệm Khoa, TS. Nguyễn Trọng Điệp – Phó Chủ nhiệm Khoa và đại dện lãnh đạo các đơn vị, bộ môn thuộc Khoa và sự tham gia của gần 200 nhà khoa học, chuyên gia, thầy, cô, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên. Do giới hạn của Hội trường, nhiều đại biểu tham dự đăng ký muộn đã không thể tham gia trực tiếp tại Hội trường.

 
PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu 

Phát biểu mở đầu, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết trong các đơn vị, Khoa Luật đang trong giai đoạn nâng cấp thành Trường Luật thành viên của ĐHQGHN, đã đánh dấu chặng đường hơn 45 năm hình thành và phát triển, Khoa Luật luôn đã tạo dựng được uy tín, vị thế trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam và trên trường quốc tế; trở thành đối tác tin cậy, lâu năm của các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Khoa Luật với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đầu đàn, đầu ngành, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo ĐHQGHN giao, đã đóng góp nhiều ý kiến tham vấn, tư vấn, phản biện chính sách rất hiệu quả cho Đảng, Nhà nước, cho TANDTC như: Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Đề án “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay trước đây là Phương án sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật khác…Nhân dịp đồng chí Chánh án về dự và giảng bài chuyên đề về Cải cách tư pháp, một lần nữa, thay mặt lãnh đạo và thầy, trò Khoa Luật, PGS tin tưởng và hy vọng rằng, trong tương lai, sự hỗ trợ, hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tham vấn, phản biện chính sách và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, cũng như nhiều hoạt động hợp tác khác của ĐHQGHN nói chung, Khoa Luật nói riêng với TANDTC và hệ thống Tòa án các cấp ngày càng thắt chặt hơn, bền vững hơn và hiệu quả hơn.

 

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân tham dự và phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân bày tỏ sự cảm ơn và vinh dự khi PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, người có một thời gian dài nghiên cứu, tích lũy về lĩnh vực tư pháp và đặc biệt trên cương vị lãnh đạo cấp cao nhất của ngành tòa án đã đến giao lưu với các cán bộ, sinh viên ngành Luật, ĐHQGHN. Ông cũng cho biết, ĐHQGHN sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho cán bộ, nhà khoa học của Khoa Luật thực hiện các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học về các vấn đề thời sự của luật học và pháp luật Việt Nam, thể hiện trách nhiệm xã hội, vai trò dẫn dắt, định hướng của Khoa đối với nền khoa học pháp lý của quốc gia.

 
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình thuyết trình bài giảng 

Tại buổi tọa đàm và giao lưu, đồng chí Nguyễn Hòa Bình bày tỏ, trong những năm gần đây, công cuộc cải cách tư pháp luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và được đặt trong mối quan hệ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Thời gian qua, công cuộc cải cách tư pháp đã có nhiều chuyển biến mang tính đột phá trong cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, từng bước hoàn thiện thể chế, tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của cơ quan công quyền, cụ thể đã đưa vào các nguyên tắc tư pháp rất tiến bộ, lần đầu tiên được hiến định và dựa trên Hiến pháp ban hành trên 70 luật về tư pháp; hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cơ quan tư pháp; xây dựng đội ngũ chức danh tư pháp; hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của cơ quan tư pháp; hợp tác quốc tế;  giám sát của cơ quan dân cử ...

Cùng với trình bày tổng quan về cải cách tư pháp ở Việt Nam thời gian qua, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng giới thiệu về Chiến lược cải cách tư pháp thời gian tới và một số vấn đề đặt ra. Yêu cầu cải cách tư pháp cần đáp ứng sự thay đổi của tình hình mới như: Tình hình vi phạm, tội phạm ngày càng gia tăng, phức tạp, nghiêm trọng hơn; trình độ dân trí ngày càng cao; nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ đòi hỏi sự thay đổi trong tư pháp; phải đưa vào và áp dụng các nguyên tắc tư pháp tiến bộ của thế giới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người dân, tăng cường minh bạch, nâng cao năng lực Tòa án; chuẩn bị các khung khổ pháp lý, đào tạo cán bộ tư pháp đáp ứng giải quyết các tranh chấp quốc tế. Vì lẽ tất yếu, nhu cầu nâng cao nhận thức và hiểu biết sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, người học đặc biệt là ngành luật, vì trước hết chính là những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và thực hành nghề luật đóng vai trò chính trong công cuộc này. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng đã giải đáp thông tin, chi tiết các câu hỏi của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN.

 
Chụp ảnh lưu niệm sau sự kiện 

 

 

Minh Giang
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081