Sáng ngày 03/7/2025, tại Hội trường 703 nhà E1, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng kết thực hiện thí điểm giảng dạy học phần Nhà nước và Pháp luật đại cương bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng LMS”. Hội thảo là dịp tổng kết, đánh giá quá trình triển khai học phần này trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các định hướng đổi mới, hoàn thiện mô hình đào tạo trực tuyến các học phần chung trong toàn ĐHQGHN. Hội thảo vinh dự chào đón sự tham dự của nhiều đại biểu và khách mời quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo, các đơn vị đào tạo và quản lý trong toàn ĐHQGHN. Đáng chú ý có: Đ/c Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, ĐHQGHN; PGS.TS. Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN; đại diện lãnh đạo các phòng ban của các trường thành viên ĐHQGHN có sinh viên tham gia học phần. Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (Quyền Hiệu trưởng) và PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Phó Hiệu trưởng) đều bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả tích cực đã đạt được sau hai năm triển khai học phần, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của Khoa Lý luận, Lịch sử Nhà nước và Pháp luật – đơn vị trực tiếp xây dựng và tổ chức giảng dạy. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về kỹ thuật, công nghệ, nhân lực và hành lang pháp lý, các thầy cô của Trường đã tiên phong áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, từng bước khắc phục những hạn chế ban đầu để đưa học phần đi vào ổn định và đạt hiệu quả thực chất. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng trong phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc triển khai học phần: (i) Lãnh đạo ĐHQGHN, Ban Đào tạo ĐHQGHN, Lãnh đạo Trường Đại học Luật chỉ đạo và điều phối triển khai học phần trên quy mô toàn hệ thống; (ii) Viện Đào tạo số và Khảo thí phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức thi, đảm bảo chất lượng giảng dạy; (iii) Các trường thành viên (Trường ĐH KHTN, KHXH&NV, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, ...) chịu trách nhiệm quản lý học tập, hỗ trợ sinh viên và phối hợp triển khai lớp học; (iv) Các giảng viên của Khoa LLLSNN&PL - Trường ĐH Luật trực tiếp giảng dạy và quản lý lớp học; Ngoài ra là sự kết hợp của một số đơn vị liên quan như Ban Tài chính & Đầu tư. Nhờ có sự phối hợp đồng bộ và tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các bên, học phần “Nhà nước và Pháp luật đại cương” đã được triển khai thành công trên hệ thống LMS với quy mô ngày càng mở rộng (11.096 sinh viên tham gia học tập trong năm học 2024-2025). Các kết quả báo cáo tại hội thảo cho thấy: · Tỷ lệ sinh viên đủ điều kiện thi luôn duy trì ở mức trên 91%, thể hiện mức độ chủ động và tham gia học tập tích cực. · Phổ điểm thi cuối kỳ tăng dần về phía điểm cao qua các năm · Mức độ hài lòng của sinh viên ở mức cao, đặc biệt đối với nội dung học liệu, video bài giảng và công tác tổ chức lớp học. Bên cạnh những kết quả tích cực, các tham luận cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại lớn cần khắc phục như: (i) Quá tải cho giảng viên, thiếu cơ chế hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật; (ii) Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chưa rõ ràng, thiếu liên thông; (iii) Lớp học quy mô lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cá nhận hoá việc học tập; (iv) Hệ thống LMS và công cụ giảng dạy vẫn còn hạn chế về kỹ thuật; (v) Kinh phí và cơ chế tài chính chưa ổn định, rõ ràng; … Đặc biệt, nhờ sự tham dự đông đảo của các thầy cô là lãnh đạo, cán bộ quản lý và giảng viên đến từ nhiều đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN, Hội thảo đã trở thành một diễn đàn sôi nổi, thực chất để chia sẻ kinh nghiệm triển khai, nhận diện những thách thức trong giảng dạy và học tập trực tuyến. Các đại biểu đã tích cực đóng góp nhiều đề xuất nhằm: · Nâng cao chất lượng hệ thống LMS; · Cải thiện cơ chế đánh giá và phản hồi cá nhân hóa; · Bổ sung, cập nhật nội dung học phần phù hợp với thực tiễn; · Phát triển cơ chế phối hợp liên đơn vị (đề nghị sớm ban hành Quy định mới thay thế Quy định 5079 cho phù hợp với điều kiện mới và những vấn đề phát sinh trong cơ chế phối hợp, chế độ trách nhiệm của các bên liên quan); · Thiết lập phát triển cộng đồng giảng viên số - nền tảng cho đổi mới bền vững (cần hỗ trợ đào tạo bài bản về kỹ thuật cho giảng viên và cần có trợ giảng hỗ trợ); · Đảm bảo kinh phí chi trả thủ lao, khuyến khích, khen thưởng cho giảng viên; · Thiết lập đầu mối tiếp nhận phản hồi từ sinh viên, đồng bộ hóa quy trình xử lý;… Hội thảo khép lại trong không khí trao đổi sôi nổi, cởi mở, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tinh thần xây dựng từ các thầy cô trong toàn hệ thống ĐHQGHN. Những ý kiến góp ý quý báu từ hội thảo sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện học phần, nâng cao chất lượng giảng dạy, khơi dậy đam mê học tập, phát huy tính tự chủ của người học và góp phần đưa mô hình đào tạo trực tuyến các học phần chung ngày càng phát triển bền vững. |