Ngày 23 tháng 7 năm 2025, tại Hà Nội, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nghề luật và đạo đức nghề luật”. Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức của đội ngũ làm công tác pháp luật, giảng dạy và đào tạo pháp lý về vai trò đặc thù của nghề luật và yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng nền tảng đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Hội thảo vinh dự đón tiếp sự hiện diện của nhiều học giả, chuyên gia và nhà thực tiễn tiêu biểu trong lĩnh pháp luật, trong đó có: GS.TS. Phạm Hồng Thái - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật; GS.TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật; GS.TS. Vũ Công Giao - Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật; PGS.TS. Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao; PGS.TS. Phạm Minh Tuyên - Nguyên Giám đốc Học viện Tòa án; ông Nguyễn Duy Lãng - Chủ tịch Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp); TS. Hoàng Anh Tuyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát; ThS.NCS. Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Luật sư Trần Văn An - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; … cùng với đại diện lãnh đạo các đơn vị đồng tổ chức như PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; TS. Nguyễn Văn Bốn - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cùng với đông đảo các thầy cô là lãnh đạo các Khoa chuyên môn và giảng viên của 02 cơ sở đào tạo. Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh: nghề luật là một nghề đặc thù, có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ công lý, duy trì trật tự xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ, nghề luật đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là về đạo đức nghề nghiệp - nơi mà mỗi sai sót nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn về niềm tin trong xã hội. Theo bà, yêu cầu đạo đức nghề nghiệp cần được trang bị xuyên suốt từ nhận thức đến hành động, từ đào tạo lý luận đến thực hành nghề nghiệp. Đáng chú ý, việc Chính phủ ban hành Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ đại học, trong đó đưa nội dung đạo đức nghề luật vào chương trình đào tạo cử nhân là bước đi cần thiết, khẳng định rõ định hướng quốc gia trong việc đào tạo nguồn nhân lực pháp lý có đạo đức nghề nghiệp vững vàng. PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng bày tỏ kỳ vọng hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi học thuật thiết thực, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, đào tạo đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực luật. Chủ trì Hội thảo Phần nội dung của hội thảo đã ghi nhận các tham luận sâu sắc và đa chiều, phản ánh các khía cạnh từ lý luận đến thực tiễn, từ thể chế đến phương pháp đào tạo. Mở đầu chương trình, GS.TS. Võ Khánh Vinh trình bày tham luận “Biện chứng của nghề luật, đạo đức nghề luật và đào tạo đạo đức nghề luật ở Việt Nam”, khẳng định mối quan hệ biện chứng và liên kết chặt chẽ giữa pháp luật - nghề luật - đạo đức nghề luật - đào tạo đạo đức nghề luật, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức trong hệ thống đào tạo luật tại Việt Nam. Tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn với tham luận “Cơ chế điều chỉnh đạo đức nghề luật ở Việt Nam: Tiếp cận thể chế và định hướng cải cách” đã chỉ rõ các bất cập trong cơ chế điều chỉnh hiện nay, đồng thời kiến nghị các cải cách thể chế nhằm nâng cao tính khả thi, minh bạch và hiệu quả trong điều chỉnh hành vi đạo đức nghề nghiệp. PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn với tham luận “Cơ chế điều chỉnh đạo đức nghề luật ở Việt Nam: Tiếp cận thể chế và định hướng cải cách” Trong phần thảo luận Phiên 1, các đại biểu tập trung làm rõ vai trò, khó khăn và giải pháp trong việc xây dựng, áp dụng và giảng dạy đạo đức nghề luật. Luật sư Trần Văn An đánh giá cao hiệu quả của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam, coi đây là công cụ quan trọng gắn liền với quy trình xử lý kỷ luật, nhưng cũng chỉ ra khó khăn trong việc áp dụng các chuẩn mực đạo đức vốn mang tính khái quát vào thực tiễn. Ông đề xuất cần nâng cao nhận thức luật sư, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm và tiếp tục hoàn thiện bộ quy tắc. PGS.TS. Phạm Minh Tuyên nhấn mạnh giảng dạy đạo đức nghề luật là một thách thức lớn do thiếu sự gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, đòi hỏi phải có cơ chế đồng bộ để đảm bảo tính khả thi trong thực hành và giảng dạy. TS. Hoàng Thế Anh cho rằng việc truyền cảm hứng và xây dựng bản lĩnh đạo đức cho người học là yếu tố then chốt, và đội ngũ giảng dạy cần là những người gương mẫu cả trong đào tạo lẫn hành nghề. PGS.TS. Bùi Tiến Đạt trong tham luận “Nội dung và phương pháp giảng dạy đạo đức nghề luật trong chương trình đào tạo cử nhân luật và nghề luật tại Úc” Chuyển sang phần nội dung về giảng dạy, hội thảo tiếp tục với các tham luận mang tính gợi mở về mô hình và kinh nghiệm đào tạo đạo đức nghề luật. PGS.TS. Bùi Tiến Đạt trong tham luận “Nội dung và phương pháp giảng dạy đạo đức nghề luật trong chương trình đào tạo cử nhân luật và nghề luật tại Úc” đã chia sẻ kinh nghiệm từ môi trường quốc tế, trong đó nhấn mạnh vai trò của phương pháp tình huống, tư duy phản biện và mô phỏng thực tiễn nhằm phát triển năng lực đạo đức cho sinh viên ngay từ giảng đường. Tiếp sau đó, TS. Lê Mai Anh trình bày tham luận “Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy đạo đức nghề luật trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp”, nhấn mạnh việc phát triển nội dung giảng dạy gắn với các tình huống thực tế, đào sâu đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hình thành kỹ năng nghề cho học viên. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh tổng kết nội dung tại Hội thảo Trong phần cuối chương trình, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực, sâu sắc của các diễn giả và đại biểu tham dự, cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Bà khẳng định, các ý kiến tại hội thảo không chỉ góp phần làm rõ vai trò của đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề luật mà còn đặt nền móng quan trọng cho việc hoàn thiện chương trình đào tạo và cơ chế thực thi trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Các tham luận tại hội thảo đã mang đến những phân tích sâu sắc, góp phần hoàn thiện nội dung giảng dạy, cơ chế kiểm soát và giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong đào tạo và hành nghề luật. Đây là diễn đàn học thuật có giá trị, góp phần định hướng xây dựng đội ngũ hành nghề luật công minh, chính trực, phù hợp với yêu cầu phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo là bước chuẩn bị bài bản, nghiêm túc và có tính chiến lược của Trường Đại học Luật, ĐHQGHN trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 678/QĐ-BGDĐT về Ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ đại học trong đó có học phần bắt buộc “Nghề luật và đạo đức nghề luật”. |