Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy Nạn nhân học trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội” do Sứ quán Cộng hoà Ireland tại Việt Nam tài trợ, ngày 9/1/2025, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá pháp luật và Báo cáo tổng quan tình hình nghiên cứu về nạn nhân của tội phạm tại Việt Nam”. Hội thảo quy tụ gần 40 nhà khoa học trong các lĩnh vực tội phạm học, nạn nhân học, luật hình sự, luật tố tụng hình sự… từ các cơ sở đào tạo liên quan tại Việt Nam như Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Toà án, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cùng đội ngũ giảng viên Khoa Tư pháp hình sự và các khoa chuyên môn khác, các trung tâm nghiên cứu của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo cấu trúc thành 02 phiên, tương ứng với việc góp ý vào hai báo cáo: “Rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm” và “Tổng quan tình hình nghiên cứu về nạn nhân của tội phạm tại Việt Nam”.
Báo cáo: “Rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm” đã khái quát, hệ thống các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân tội phạm, bước đầu đối sánh các quy định này của pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực pháp luật quốc tế. Báo cáo cũng gợi mở, xác định năm nhóm định hướng nghiên cứu hoàn thiện pháp luật để ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền của nạn nhân tội phạm tại Việt Nam trong thời gian tới. Các ý kiến phản biện và bình luận trong phiên thứ nhất tại Hội thảo đã đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm rõ, từ các khái niệm vẫn đang gây tranh luận (nạn nhân của tội phạm, chủ thể bị thiệt hại bởi tội phạm, tư cách tố tụng của nạn nhân tội phạm) đến những khoảng trống trong hệ thống pháp luật (giai đoạn chưa bắt đầu tiến trình tố tụng, chưa có tư cách bị hại, giai đoạn thi hành án), các phương thức phi tố tụng tư pháp, hoà giải, tư tố và khả năng áp dụng tại Việt Nam. Nhiều đại biểu tham dự cũng cho rằng cần hoàn thiện thủ tục và các biện pháp bảo đảm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, cần tiếp cận từ cả hai phương diện luật tố tụng hình sự và luật tố tụng dân sự, cần bảo đảm cho nạn nhân được nhận hỗ trợ thoả đáng về tài chính và các hỗ trợ khác từ phía nhà nước và cộng đồng. Nội dung Báo cáo “Tổng quan tình hình nghiên cứu nạn nhân của tội phạm tại Việt Nam” trong phiên thứ hai tại Hội thảo cho thấy nạn nhân của tội phạm đã được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau như nạn nhân học, tội phạm học, khoa học luật hình sự, khoa học luật tố tụng hình sự và đã có nhiều nghiên cứu giá trị. Mặc dù đã ít nhiều được các học giả quan tâm, nạn nhân của tội phạm vẫn là một đối tượng nghiên cứu tương đối mới, vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa Việt Nam và thế giới. Báo cáo “Tổng quan tình hình nghiên cứu nạn nhân của tội phạm tại Việt Nam” góp phần trả lời ba câu hỏi nghiên cứu: (i) Bối cảnh, quá trình và các phương thức tổ chức nghiên cứu về nạn nhân của tội phạm đã được thực hiện? (ii) Các nội dung và kết quả nghiên cứu về nạn nhân của tội phạm đã đạt được? (iii) Những vấn đề về nạn nhân của tội phạm tại Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới? Báo cáo đã nhận được sự tán thành cũng như góp ý của đại biểu tham dự Hội thảo, chỉ ra một số điểm cần hoàn thiện về cấu trúc và phạm vi công trình nghiên cứu được tổng quan. Hội thảo là sự kiện mở đầu thành công cho Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy Nạn nhân học trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội” với các hợp phần nghiên cứu – đào tạo và hợp phần truyền thông – chuyển giao tri thức để nâng cao kỹ năng bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của tội phạm, thể hiện những đóng góp mới trên phương diện học thuật và phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định triết lý giáo dục “Khai phóng; Đổi mới sáng tạo; học tập suốt đời; Ý thức trách nhiệm và phục vụ cộng đồng” mà nhà trường theo đuổi. |