Theo Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Hiện Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” đang tiếp tục được lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, thông qua các hội nghị, hội thảo để hoàn thiện. Với tinh thần và trách nhiệm xã hội của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật uy tín, bề dày truyền thống và với mong muốn đóng góp tích cực hơn nữa cho Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, ngày 12/5/2022, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”. Hội thảo được tổ chức bằng cả hai hình thức trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom. Hội thảo nhận được sự quan tâm của hàng trăm nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo những nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên từ rất nhiều đơn vị trên khắp mọi miền đất nước như Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học Luật – Đại học Huế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học pháp lý, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Học viện KHXH, Trường Đại học Lao động xã hội cơ sở 2, Truyền hình Thông tấn, VNU Media và một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu, công ty luật, văn phòng luật sư, các luật gia hành nghề thực tiễn bằng cả 2 hình thức trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom. Hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu chuyên gia như Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN; Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Nguyên Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP TW, Trưởng Khoa Kinh doanh và Luật, Đại học Quốc tế Sài Gòn; TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; PGS.TS. Trần Văn Nam – Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân; PGS. TS. Vũ Thị Hải Yến, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật dân sự, Trường ĐH Luật HN; Luật sư Dương Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Vietthink; Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần sách và truyền thông Quảng Văn. Về phía Khoa Luật, ĐHQGHN có PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh - Bí thư Đảng uỷ, Chủ nhiệm Khoa; TS Nguyễn Bích Thảo – Phụ trách BM Luật Dân sự, các giảng viên Bộ môn Luật Dân sự, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Khoa Luật ĐHQGHN. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu khai mạc tại Hội thảo Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết trong bối cảnh phát triển như hiện nay, bất cứ đạo luật nào cũng cần hoàn thiện, sửa đổi trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ. Hội thảo này nằm trong chuỗi hội thảo góp ý xây dựng luật mà Khoa Luật ĐHQGHN đã và đang tổ chức nhằm thể hiện vai trò tư vấn, phản biện chính sách của một cơ sở đào tạo luật hàng đầu của Việt Nam đang phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 (ngày 15/2/2022). Với đội ngũ chuyên gia pháp luật SHTT đông đảo, có uy tín cao, Khoa Luật, ĐHQGHN tham gia tích cực vào việc đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật. Tuy nhiên, điểm đặc thù của Hội thảo này, phù hợp với triết lý đào tạo và định hướng nghiên cứu của Khoa Luật ĐHQGHN, là không chỉ dừng lại ở những kiến nghị cụ thể, chi tiết đối với các điều khoản trong Dự thảo Luật, mà còn đưa ra cơ sở lý luận rộng hơn cho việc hoàn thiện pháp luật SHTT Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế hóa quyền SHTT và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, ngoài những ý kiến đóng góp chi tiết cụ thể về kỹ thuật lập pháp, kỹ thuật pháp lý, các bài viết và tham luận tại Hội thảo còn đưa ra nhữnggóc nhìn về hoàn thiện pháp luật SHTT một cách rộng hơn, không chỉ là vấn đề pháp lý mà là các quan hệ, bối cảnh cần điều chỉnh, nhìn nhận SHTT trong tương quan của một đất nước đang phát triển với các mối quan hệ ngày càng phức tạp về địa kinh tế, địa chính trị, đặc biệt là bối cảnh Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh ghi nhận và gửi lời cảm ơn sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã gửi 16 bài viết tới Hội thảo. Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo Đại diện 2 trong 3 đơn vị tham gia vào quá trình xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN và Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cơ bản tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn là, đó là: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về Sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Các đại diện cũng cho biết, khi một dự án luật được đưa ra để xây dựng, sửa đổi thì sẽ nhận được những luồng ý kiến trái chiều. Song, để hoàn thiện một dự án luật thì các cơ quan xây dựng luật rất cần sự đóng góp từ chính các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người làm thực tiễn và Hội thảo hôm nay là một điển hình. Hội thảo diễn ra trong 1 buổi với 2 phiên, tập trung vào 2 nhóm nội dung chính là: Những vấn đề chung về định hướng hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển; Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Phiên 1 của Hội thảo do PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh và Ông Nguyễn Văn Bảy đồng chủ trì Phiên 1 của Hội thảo do PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh và Ông Nguyễn Văn Bảy đồng chủ trì diễn ra với 4 tham luận trong đó, tham luận mở đầu có tiêu đề “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh toàn cầu hoá và những tác động đến các chuẩn mực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thương mại” do PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh trình bày đã nhấn mạnh tới 2 nội dung chính là: -Thứ nhất, bảo hộ quyền SHTT trong bối cảnh toàn cầu hoá với 4 tác động lớn bao gồm: (1) những thay đổi về phạm vi địa lý của các hoạt động R&D và tác động tới hoạt động bảo hộ quyền SHTT; (2) Thay đổi về công nghệ và những tác động tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; (3) Mối quan hệ chính trị - xã hôi và những tác động tới bảo hộ quyền SHTT; (4) thay đổi về phương thức kinh doanh và những tác động tới bảo hộ quyền SHTT. -Thứ hai, xu hướng xây dựng chuẩn mực bảo hộ quyền SHTT trong các FTA thế hệ mới với các mảng nội dung: (1) Cách tiếp cận mới về xây dựng các chuẩn mực vảo hộ quyền SHTT; (2) Bổ sung các đối tượng mới trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; (3) Lồng ghép môi trường mới trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Ngoài ra, các tham luận khác tại Phiên 1 cũng đề cập đến việc hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm sự cân bằng, hài hoà lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ hướng tới thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Liên minh Châu Âu; Hoàn thiện các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm thực thi cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Phiên 2 của Hội thảo do PGS. TS. Vũ Thị Hải Yến và TS. Nguyễn Bích Thảo đồng chủ trì Tại Phiên 2 của Hội thảo do PGS. TS. Vũ Thị Hải Yến và TS. Nguyễn Bích Thảo đồng chủ trì, các đại biểu cũng được lắng nghe phần trình bày đến từ đại diện của chuyên gia thực tiễn là LS Dương Thị Vân Anh với tham luận về “Hoàn thiện các quy định về bảo hộ quyền tác giả trong Dự thảo Luật SHTT sửa đổi”. Tiếp theo là tham luận của PGS. TS Vũ Thị Hải Yến “Hoàn thiện quy định của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu ba chiều và nhãn hiệu âm thanh”; Ths Nguyễn Văn Phúc đại diện cho nhóm tác giả của Trường ĐH Luật, Đại học Huế trình bày tham luận với tiêu đề “Bình luận chuyên sâu và hoàn thiện các quy định về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ”; PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh trình bày tham luận với tiêu đề “Hoàn thiện pháp luật sở hữu trí trí tuệ Việt Nam trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo”. Đại biểu tham dự trực tiếp tại Hội thảo Các đại biểu tham dự qua nền tảng Zoom Với phần thảo luận tại các phiên, các đại biểu đã cùng thảo luận về các nội dung mà các tham luận đưa ra. Trong đó, các câu hỏi tập trung vào những vấn đề như: Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những vấn đề gì mới đối với nguyên tắc cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền SHTT? Hiểu như thế nào về các thuật ngữ “Ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” và “Giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan”? Các quốc gia đã có các đạo luật riêng đối với từng lĩnh vực của SHTT, vậy Việt Nam có nên tham khảo mô hình đó không? Có nên công nhận quyền tác giả cho trí tuệ nhân tạo và bảo hộ tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra?... Kết luận Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh khẳng định Hội thảo đã thành công tốt đẹp, với nhiều ý kiến có giá trị đóng góp trực tiếp cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, đồng thời mở ra định hướng mới cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu của Khoa Luật ĐHQGHN, với cách tiếp cận SHTT theo hướng liên ngành, không chỉ từ góc độ pháp lý mà còn từ góc độ quản trị tài sản trí tuệ, quản lý nhà nước, đổi mới sáng tạo… Các bài viết tại Hội thảo sẽ được biên tập và xuất bản để bổ sung nguồn tài liệu học tập, nghiên cứu về SHTT, nhất là trong bối cảnh Khoa Luật ĐHQGHN đang xúc tiến xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Luật SHTT. Chụp hình lưu niệm |