Ngày 6 tháng 6 năm 2015 tại phòng 306 Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, được sự hỗ trợ của Alphabooks, Viện Chính sách công và pháp luật (IPL) và Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Bộ môn Hiến pháp – Hành chính và Bộ môn Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật đã tổ chức thành công Hội thảo tập huấn “Phương pháp nghiên cứu khoa học ngành luật”. Chủ trì Hội thảo có GS.TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng IPL, giảng viên cao cấp của Khoa Luật; PGS.TS. Vũ Công Giao, Phụ trách Bộ môn Luật Hiến pháp – hành chính; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Phụ trách Bộ môn Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật. Chủ tọa trong các phiên thảo luận có GS.TS. Phạm Hồng Thái, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế - các giảng viên cao cấp, nhà nghiên cứu luật học uy tín của Khoa Luật, ĐHQGHN và của đất nước. Tới dự Hội thảo có TS. Trịnh Tiến Việt – Phó Chủ nhiệm Khoa, TS. Mai Hải Đăng – Phụ trách Phòng quản lý đào tạo Khoa Luật và đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên, NCS, học viên cao học, sinh viên trong và ngoài Khoa. Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trịnh Tiến Việt cảm ơn hai đơn vị đồng chủ trì, các nhà tài trợ đã xây dựng và tổ chức Hội thảo tập huấn hết sức có ý nghĩa này, đặc biệt trong bối cảnh Khoa Luật đang nỗ lực phấn đấu trở thành Trường Đại học Luật thành viên của ĐHQGHN theo định hướng nghiên cứu. TS nhấn mạnh, không thể trở trường đại học nghiên cứu hàng đầu và uy tín nếu không có các giảng viên, nhà nghiên cứu giỏi. Các giảng viên trong bối cảnh hiện nay không thể chỉ là người thầy mà còn là nhà nghiên cứu và chỉ có nghiên cứu tốt mới phục vụ yêu cầu giảng dạy chất lượng cao. Những buổi tập huấn phương pháp nghiên cứu khoa học như hôm nay là vô cùng thiết thực và có ý nghĩa đối với cán bộ, giảng viên, NCS, học viên, sinh viên Khoa Luật trên con đường thực hiện mong muốn đó. Phát biểu dẫn đề Hội thảo, GS.TSKH. Đào Trí Úc đã trình bày ý nghĩa của Hội thảo, các nội dung thảo luận tại Hội thảo và đồng thời với tư cách là một báo cáo viên, GS đã phân tích làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn “Phương pháp luận phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội” – những vấn đề mà không ít nhà nghiên cứu trẻ, học viên, NCS gặp khó khăn trong nhận diện khi tiếp cận nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là khoa học pháp lý. Tại Hội thảo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung đã trình bày tham luận với chủ đề “Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đặc thù của ngành luật”. Theo GS phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học ngành luật có nhiều điểm tương đồng với phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của các lĩnh vực khoa học xã hội khác. Tuy nhiên, do luật học là lĩnh vực khoa học đặc thù nên phương pháp luận và phương nghiên cứu luật học có một số đặc điểm riêng. GS cho rằng, có hai phương pháp luận tiếp cận nghiên cứu luật học là phương pháp luận truyền thống (phương pháp luận thực chứng, phương pháp luận Mác-xít, phương pháp luận tự nhiên) và phương pháp luận phi truyền thống (Lý thuyết cải cách hệ thống pháp luật: Sự kết hợp giữa luật học và khoa học hành vi và Bộ quy tắc ROCCIPI). Trước khi bước vào phần trao đổi, thảo luận, Hội thảo còn được nghe một số chia sẻ của các nhà nghiên cứu luật học uy tín như GS.TS. Phạm Hồng Thái với tham luận “Tìm kiếm, thu thập, phân tích dữ liệu, tài liệu và viết tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài”), GS. TS. Hoàng Thị Kim Quế với đề tài “Chọn chủ đề, xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học”, PGS.TS. Vũ Công Giao với tham luận “Trích dẫn, tính trung thực và tính đạo đức trong nghiên cứu, thể thức trình bày, bảo vệ, đánh giá và xã hội hóa kết quả nghiên cứu”. Bên cạnh đó, các học viên, NCS còn được trao đổi, đặt nhiều câu hỏi với nhiều nhà khoa học tham gia Hội thảo như PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, PGS.TS. Chu Hồng Thanh, TS. Nguyễn Minh Tuấn, TS. Đặng Minh Tuấn, Luật sư Nguyễn Hưng Quang…về những vấn đề liên quan đến xây dựng đề cương luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu, kinh nghiệm đọc tài liệu, trích dẫn, đạo văn, kinh nghiệm viết, tìm tài liệu nước ngoài và gửi bài cho các tạp chí ở nước ngoài, xác định câu hỏi nghiên cứu, những vướng mắc thường gặp khi viết đề cương luận văn, luận án, đề cương đề tài nghiên cứu cũng như quá trình triển khai các đề án, đề tài đó… Có thể khẳng định, Hội thảo đã thành công tốt đẹp khi thu hút được rất đông đảo các nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên, NCS, học viên và sinh viên trong và ngoài Khoa tham gia, chia sẻ, trao đổi. Hội thảo cũng đã góp phần giải đáp nhiều những thắc mắc, khó khăn cho các nhà nghiên cứu trẻ, NCS, học viên, giúp họ có những định hướng, phương pháp tiếp cận đúng đắn để có sự bảo đảm vững chắc cho những thành công trên con đường nghiên cứu khoa học pháp lý trong tương lai. |