Ngày 05/10/2021, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng với Trung tâm Luật châu Á, Trường Luật ĐH Melbourne, Trường Luật, Đại học Nottingham, Vương quốc Anh, và Tổ chức quốc tế các nhà nghiên cứu và giáo dục (IOER) tổ chức Hội thảo quốc tế “Hình phạt tù chung thân tại Châu Á: Pháp luật và thực tiễn”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu tại Hội thảo Phát biểu mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết giống như hình phạt tử hình, tù chung thân là một hình phạt nghiêm khắc bậc nhất mà hệ thống tư pháp của các quốc gia có thể áp dụng với một người phạm tội. Với tính chất là một hình phạt, tù chung thân nhằm mục đích đầu tiên là thực thi công lý và bảo vệ an toàn của cộng đồng, tuy nhiên, việc giam giữ một con người trong vô vọng cho đến hết đời, và thông thường là trong những điều kiện rất khắc nghiệt, gây ra nhiều tranh luận về tính nhân đạo. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể cải cách hoặc thay thế tù chung thân bằng một hình phạt khác mà vừa đáp ứng các yêu cầu về thực thi công lý, an ninh cộng đồng, vừa bảo đảm các quyền và nhân phẩm của con người? Đây là câu hỏi rất cần được giải đáp trong bối cảnh cải cách tư pháp đang diễn ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. PGS hi vọng Hội thảo này có thể nghe tham luận và ý kiến thảo luận của các học giả và chuyên gia về vấn đề này. PGS tin tưởng những kiến thức, thông tin của Hội thảo sẽ thú vị và hữu ích cho việc cải cách pháp luật hình sự theo hướng ngày càng hiệu quả, tiến bộ và nhân văn hơn trước. Hội thảo diễn ra trong 02 ngày với 6 phiên và 29 tham luận. Nội dung của Phiên 1 là giới thiệu về tù chung thân ở Châu Á với các tình huống cụ thể đến từ các tham luận của các diễn giả. Tham luận đầu tiên của GS. Dizk van Zyl Smit đưa ra những hiểu biết về tù chung thân ở Châu Á. Bài tham luận đã thu thập thông tin từ các án tù chung thân ở các quốc gia. Theo đó, tác giả đã đưa ra các số liệu như: Án chung thân tồn tại ở 183 trên 216 quốc gia và vùng lãnh thổ; Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất ở 149 quốc gia; 33 quốc gia không có hình phạt tù chung thân hoặc án tử hình; 65 quốc gia áp đặt các bản án tù chung thân không ân xá. Những tội phạm phổ biến nhất gắn với hình phạt này như: tội phạm chống lại con người, chống lại nhà nước, tội phạm chiến tranh, ma túy, môi trường, tài chính,… Trong tham luận của mình, PGS. Nguyễn Ngọc Chí cho biết hình phạt tù chung thân ở Việt Nam được áp dụng với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà chưa đến mức phải chịu án tử hình, góp phần phân hóa trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, cũng có những trường hợp đáng lẽ phải chịu án tử hình nhưng trong quá trình điều tra đã nỗ lực, tích cực khắc phục hậu quả hoặc trong những vụ án còn chưa thực sự đầy đủ bằng chứng rõ ràng thì tòa án cũng có thể tuyên hình phạt tù chung thân. Đa số quan điểm cho rằng việc loại bỏ hình phạt tù chung thân là chưa cần thiết vì những lí do như tôi vừa trình bày và vừa có cả tính lịch sử, kể cả ở một số học giả chuyên ngành luật hình sự. Hiện nay, theo Bộ luật hình sự có 53 loại tội phạm có thể phải chịu áp dụng hình phạt tù chung thân. Tại Phiên 2 và 3 của Hội thảo, các đại biểu được nghe các bài tham luận liên quan cụ thể hình phạt tù chung thân tại một số nước ở Châu Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, Bangladesh, Hàn Quốc và nhưng quan điểm khác nhau về hình phạt tù chung thân. Trong ngày thứ 2 của Hội thảo, các diễn giả cũng đã chia sẻ các nghiên cứu của mình về hình phạt tù chung thân với các nội dung xoay quanh việc đối xử với tù nhân chung thân ở Châu Á, việc phóng thích đối với tù nhân chung thân và các quan điểm khác nhau để cải cách án tù chung thân ở Châu Á. Phần thảo luận giữa các phiên và Phiên thảo luận chung của Hội thảo nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu liên quan đến chủ đề này. Cụ thể, các đại biểu đề cập đến cơ hội phóng thích cho các tù nhân chung thân không được hưởng ân xá; Có nên hay có cơ hội loại bỏ hình phạt tù chung thân; Hình phạt tù chung thân có thể được thay thế bởi hình phạt nào khác; Vấn đề tra tấn tại nhà tù,… Bãi bỏ hình phạt tử hình là một xu hướng toàn cầu, song, việc thay thế, cải cách, hay bãi bỏ bằng một hình phạt khác nhưng vẫn đảm bảo thực thi công lý, vừa đảm bảo quyền con người là một câu hỏi lớn. Qua Hội thảo này, với sự chia sẻ của nhiều diễn giả đến từ nhiều quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã có thêm thông tin hữu ích cho những nghiên cứu của mình. |