Buổi thuyết trình về “Tác động của tin giả đến quyền con người trong kỉ nguyên Internet”
Cập nhật lúc 11:00, 09/09/2022 (GMT+7)

Tiếp nối thành công của Buổi thuyết trình về “Hiến pháp Tây Ban Nha”, ngày 8/9/2022, GS. GS. Miguel Jose Arjona Sánchez đã có buổi thuyết trình về “Tác động của tin giả đến quyền con người trong kỉ nguyên Internet” diễn ra tại Hội trường 703, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN)

 

Buổi thuyết trình được tổ chức bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến và đón nhận sự quan tâm của hơn 100 đại biểu. Tham gia trực tiếp tại Hội trường có  PGS.TS. Vũ Công Giao - Chủ nhiệm Bộ môn LHP&LHC, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Bộ môn LHP&LHC, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các giảng viên, NCS, học viên, sinh viên Khoa Luật - ĐHQGHN và một số cơ sở đào tạo khác.

 

Buổi thuyết trình được chia thành 2 phiên. Phiên thuyết trình của GS Sánchez và phiên thảo luận.

Trong phần đầu tiên, GS. Miguel Jose Arjona Sánchez cho biết tin giả trên Internet là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Tin giả có tác động trực tiếp đến các quyền con người, nhưng trước hết cần làm rõ về khái niệm tin giả. Tin giả là những câu chuyện thể hiện dưới những hình thức tin tức được lan truyền nhằm tạo ảnh hưởng đến các quan điểm chính trị và thường không đúng sự thật. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến khái niệm ‘thông tin sai lệch’ với nghĩa là những hình thức thông tin sai trái, không chính xác, được tạo ra nhằm mục đích gây hiểu lầm hoặc mục đích lợi nhuận nào đó. Những thông tin sai lệch không bao gồm các dạng thông tin mang tính chất câm biếm, hài hước vì các thông tin loại này lại là một phần của tự do ngôn luận. Tin giả hoặc các thông tin sai sự thật không phải là vấn đề mới và thậm chí cũng thể hiện ở một số kênh báo chí truyền thông lớn.

Để làm rõ hơn, GS đã đề cấp tới quyền tiếp cận thông tin với hai cách tiếp cận phổ biến. Cách tiếp cận của Hoa Kì dựa trên lí thuyết tự do truyền thông, và cách tiếp cận của châu Âu cũng theo đuổi tự do truyền thông nhưng có hạn chế hơn. Theo các Tu chính án Hiến pháp và một số Án lệ ở Hoa Kì, các công ty truyền thông có quyền được lan truyền một số thông tin sai lệch. Trong khi ở châu Âu thì tương đối khác, Công ước nhân quyền châu Âu giới hạn quyền tự do này cần gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ, có thể phải tuân theo một số thủ tục, điều kiện được coi là cần thiết để đảm bảo cho một xã hội dân chủ. Các cách tiếp cận khác nhau này cần giải thích từ lịch sử. Hoa Kì là thuộc địa của Anh và đã được thiết lập một khuôn khổ tự do thậm chí còn cao hơn ở Anh. Đã có cuộc cách mạng nhưng căn bản không ảnh hưởng nhiều đến giai cấp cầm quyền. Những phương tiện truyền thông được nắm trong tay giới tinh hoa này sẽ có cách tiếp cận giống nhau. Trong khi đó, cuộc cách mạng Pháp thì các quyền lực chính trị của giới tinh hoa đã được thay đổi bởi những ý tưởng cấp tiến hơn nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ (điều mà ở Hoa Kì vẫn còn duy trì).

Tại phần thảo luận của Buổi thuyết trình, một số khái niệm mà GS đã đề cập đến như tin giả, tin không chính xác được xây dựng cố ý (disinformation), tin không chính xác vô ý (misinformation),… và cũng xoay quanh một số quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin được các đại biểu tham gia quan tâm. PGS.TS. Chu Hồng Thanh cho biết những vấn đề về thông tin và ngôn luận hiện nay cách biệt khá xa so với khả năng lập pháp hiện hành, thậm chí pháp luật châu Âu cũng còn nghèo nàn, chưa theo kịp với thực tế khiến việc nhận biết thông tin đã là khó khăn chứ chưa nói đến thụ hưởng quyền. Các khái niệm liên quan đến tin giả cần gắn rõ hơn với chủ thể tạo ra chúng. Luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của các quốc gia cần phải bổ sung các khái niệm gắn liền với các chủ thể.

 

Theo GS. Sánchez thì ở châu Âu có luật xử phạt khá rõ ràng, ví dụ ở Đức sẽ buộc phải gỡ thông tin trong vòng 24h. Theo GS vấn đề còn chưa khắc phục được là tin giả diễn tiến như một quá trình mà bản thân một thông tin không đi quá giới hạn nhưng có thể tại ra những phản ứng thái quá. Bên cạnh đó, việc xử lí các thông tin giờ cũng được xử lí khá nhiều bởi trí tuệ nhân tạo khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều. 

PGS. TS. Đặng Minh Tuấn đề cập đến trách nhiệm của các công ty công nghệ có thể liên quan đến quyền lực quá lớn của các chủ thể này (với nguồn lực tài chính, thông tin và công nghệ) dẫn đến họ có thể tác động đến cả chính trị, nhà nước và khó để kiểm soát các chủ thể này.

Theo GS. Nguyễn Đăng Dung ở Tây Ban Nha hay các quốc gia khác có quy định việc tạo ra tin giả trong luật hình sự dưới dạng hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để gây hại cho nhà nước, gây hại cho quyền lợi của cá nhân hay không?

Kết thúc Buổi thuyết trình, PGS.TS. Vũ Công Giao đã gửi lời cám ơn tới GS. Miguel Jose Arjona Sánchez đã dành thời gian chia sẻ nhưng nghiên cứu, hiểu biết của mình về một chủ đề rất thời sự và rất nóng, cấp thiết. PGS hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những chia sẽ từ GS. Miguel Jose Arjona Sánchez nói riêng và từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước với các nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên của Khoa.

 

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081