Suốt chặng đường 40 năm hình thành và phát triển,
Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn
được biết đến là một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật uy tín và lớn nhất của đất nước. Là cái nôi luật học đầu tiên của cả nước và tiếp nối truyền thống đó, hiện nay Khoa Luật được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ đào tạo cả ở ba cấp độ: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ luật. Với phương châm, lấy nghiên cứu phục vụ đào tạo và mỗi giảng viên là một nhà nghiên cứu, Khoa Luật luôn là địa chỉ tin cậy của các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc, là nơi quy tụ nhiều nhà khoa học, cùng với đội ngũ các giảng viên luật học đầu ngành. 40 năm qua, với triết lý gắn nghiên cứu với đào tạo, kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến thực tiễn và chính sách phát triển đất nước, Khoa Luật đã có nhiều thành tựu khoa học tiêu biểu, góp phần không nhỏ hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước qua mỗi thời kỳ lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, phát triển. - Về nhân lực khoa học công nghệ Hiện nay, Khoa tự hào có đội ngũ các nhà khoa học uy tín với trên 70% cán bộ cơ hữu có trình độ tiến sĩ trở lên, trong đó có 02 GS. TSKH; 05 GS. TS; 14 PGS. TS; 53 Tiến sĩ. Cần phải khẳng định rằng, đa phần các giảng viên cơ hữu của khoa đều được đào tạo bài bản ở các trung tâm đào tạo luật lớn của các nước tiên tiến trên thế giới, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Nhật Bản, Hà Lan, Bỉ… Hiện Khoa có 20 cán bộ, nhà nghiên cứu trẻ được đi cử đi đào tạo tiến sĩ luật ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ định hướng phát triển Khoa thành trường Đại học Luật định hướng nghiên cứu thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài giảng viên cơ hữu, Khoa còn nhận được sự cộng tác chặt chẽ của 180 nhà giáo, nhà khoa học và các cán bộ làm công tác thực tiễn và nghiên cứu có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đang làm việc tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp trong và ngoài nước. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với tư cách là trung tâm đào tạo và nghiên cứu luật học hàng đầu cả nước, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa còn có sự hưởng ứng, hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức hợp tác khu vực, tổ chức phi chính phủ và của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, như: Các quỹ của Liên Hiệp quốc, các quỹ khu vực ASEAN, Chính phủ Đan Mạch, Chính Phủ Nauy, Chính Phủ Cộng hòa Pháp… - Về việc thực hiện các chương trình, đề tài, dự án NCKH Hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa Luật đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong 40 năm qua. Chỉ tính riêng từ năm 2000 trở lại đây, các giảng viên của Khoa đã chủ trì nghiên cứu và bảo vệ thành công 05 đề tài, dự án cấp Nhà nước, 03 đề tài nghiên cứu của Trung tâm hõ trợ nghiên cứu châu Á (ARC), 78 đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN, 04 đề tài cấp thành phố Hà Nội; 28 đề tài thuộc Dự án Đan Mạch, 65 đề tài cấp cơ sở; xuất bản 147 đầu sách, trong đó, 23 giáo trình, gần 38 sách tham khảo, 86 sách chuyên khảo và hàng nghìn bài báo có chất lượng cao trên các tạp chí luật học trong nước và hàng chục bài báo đăng trên tạp chí có uy tín ở nước ngoài. - Về việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học Khoa Luật được biết đến là trung tâm nghiên cứu khoa học có uy tín, tính học thuật cao. Hàng năm, bình quân Khoa phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu luật, xã hội học, khoa học chính trị, khoa học quản lý, khoa học cảnh sát, khoa học an ninh trong và ngoài nước đến tham dự, thảo luận. Mỗi năm, Khoa tổ chức ít nhất một hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận hợp tác với Khoa, như: Pháp, Nauy, Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc… Các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học được tổ chức bởi Khoa Luật luôn được đánh giá cao bởi tính hàn lâm, cởi mở và chất lượng. - Về hoạt động xuất bản, công bố ấn phẩm KHCN Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, cán bộ, giảng viên của Khoa đã xuất bản được 150 đầu sách dưới dạng sách chuyên khảo, sách tham khảo, giáo trình đại học và sau đại học. Mỗi năm, bình quân cán bộ, giảng viên của Khoa công bố khoảng hơn 100 bài báo trong các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước. - Về hoạt động NCKH sinh viên Là trung tâm đào tạo luật thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và nay là Đại học Quốc gia Hà Nội, với định hướng xây dựng thành trường Đại học Luật định hướng nghiên cứu, Khoa luôn xác định tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường học thuật và khuyến khích hoạt động NCKH sinh viên, học viên. Hàng năm, bình quân có khoảng từ 30 đến 50 đề tài nghiên cứu khoa học được các nhóm sinh viên, học viên thực hiện thu hút khoảng hơn 100 sinh viên, học viên tham gia. Mỗi năm Khoa tổ chức hai cấp hội nghị NCKH sinh viên - cấp bộ môn và cấp Khoa để các sinh viên có điều kiện tham gia thực hiện đam mê nghiên cứu khoa học. Bên cạnh các hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên, Khoa còn hỗ trợ tổ chức các cuộc thi chuyên môn về phá--p luật, như: “Innolaw”, “Spirit of law” hay các tọa đàm khoa học chuyên môn do các Câu lạc bộ sinh viên tổ chức. Đây là các hoạt động bổ ích giúp khơi dậy đam mê nghiên cứu luật học và phát triển môi trường học thuật trong học viên, sinh viên. Những thành tựu đạt được là rất đáng tự hào, góp phần khẳng định thương hiệu, truyền thống 40 năm của Khoa và là nền tảng, động lực vững chắc xây dựng và phát triển Khoa Luật trở thành Trường Đại học Luật định hướng nghiên cứu thành viên ĐHQGHN hàng đầu cả nước, ngang tầm khu vực, phù hợp với các tiêu chuẩn của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. |