Trường Đại học Luật, ĐHQGHN luôn khẳng định hợp tác quốc tế và hợp tác trong nước là động lực chính tạo sự bứt phá trong việc phát triển các nguồn lực để phục vụ sự nghiệp phát triển Trường Đại học Luật trở thành trung tâm nghiên cứu Luật theo chuẩn quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế đa dạng về hình thức, với nhiều chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu hiệu quả, thể hiện thế mạnh và tiềm năng hợp tác của Trường Đại học Luật. Trường Đại học Luật luôn chủ trương ưu tiên phát triển hợp tác lâu dài, tin cậy với các đại học, các tổ chức khoa học và giáo dục có uy tín trên thế giới bằng việc liên kết đào tạo quốc tế chương trình đại học và sau đại học, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, trao đổi sinh viên, giảng viên và cán bộ, v.v... Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế, quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa cũng ngày càng được mở rộng, vươn ra tầm thế giới. Hiện nay, Trường Đại học Luật có quan hệ hợp tác với rất nhiều cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong nước và hàng chục đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Nga, Pháp, Bỉ, Đức, Anh, Mỹ, Canada, úc, Hà Lan…Đặc biệt, Trường Đại học Luật đã hợp tác với tổ chức các trường đại học của các nước sử dụng tiếng Pháp, Trường đại học Khoa học xã hội Toulouse I, Trường Đại học Jean-Moulin Lyon III, Trường Đại học Montesquieu Bordeaux IV trong đào tạo hệ cử nhân mỗi khoá từ 40-50 sinh viên và đào tạo thạc sỹ Luật Hợp tác Kinh tế mỗi khoá 30-40 học viên được giảng dạy bằng tiếng Pháp do giảng viên Việt Nam và Pháp trực tiếp giảng dạy và cấp bằng của Trường đại học của Pháp. Từ năm 2004 Trường Đại học Luật hợp tác với Tổ chức JICA của Nhật bản trong đào tạo hệ cử nhân luật Việt - Nhật (mỗi khoá có từ 15-20 sinh viên theo học) do giảng viên Việt Nam và Nhật Bản trực tiếp giảng dạy. Từ năm 2006 Trường Đại học Luật hợp tác với các trường đại học của Pháp để tổ chức đào tạo tiến sỹ Luật và văn bằng do phía Pháp cấp. Trường Đại học Luật đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ và tin cậy với nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu nước ngoài, là cơ hội và điều kiện tốt để cán bộ và sinh viên của Khoa được thực hiện trao đổi khoa học, đào tạo cán bộ, sinh viên. Hiện nay Trường Đại học Luật đã thực hiện nhiều chương trình, dự án liên kết quốc tế, và hoạt động hợp tác đào tạo . 1, Về việc thực hiện các chương trình liên kết, đề án, dự án hợp tác quốc tế Từ năm 2007 đến nay, Trường Đại học Luật đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học có hiệu quả. Trong đó nổi bật là: Chương trình Cải cách hành chính và quản trị công hợp tác Việt Nam – Đan Mạch (2007 – 2011), Chương trình hợp tác với Trung tâm nhân quyền Na Uy, Chương trình hợp tác với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức), Hiệp hội luật gia Hoa Kỳ (ABA)… Trong hoạt động hợp tác, có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho Trường Đại học Luật. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần nâng cao năng lực cho bản thân các giảng viên. Đồng thời nhiều nghiên cứu chất lượng đã góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức của sinh viên và các độc giả. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, quan điểm, bước đầu đi đến các kiến nghị về giải pháp cho nhiều vấn đền liên quan đến hoàn thiện khuôn khổ pháp luật quốc gia, tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ máy nhà nước Việt Nam. Trong Chương trình Cải cách hành chính và quản trị công hợp tác Việt Nam – Đan Mạch (2007 – 2011) đã triển khai được 16 đề tài nghiên cứu về quyền con người trong lịch sử Việt Nam và thế giới, sự phát triển, nội hàm của các quy định về quyền con người. Cụ thể, trong giai đoạn 2008 – 2009, có 9 đề tài được triển khai. Trong giai đoạn 2010 – 2011, có thêm 7 đề tài nghiên cứu về quyền con người tiếp tục được triển khai. Một số dự án hợp tác quốc tế khác cũng đã hỗ trợ Trường Đại học Luật triển khai nghiên cứu các đề tài. Dự án với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) đã hỗ trợ tổ chức nghiên cứu phân tích, so sánh những kinh nghiệm về phân cấp quản lý trên thế giới, đặc biệt là ở CHLB Đức và rút ra những bài học cho Việt Nam. Kết quả của Dự án đã được xuất bản thành 2 cuốn sách: Phân cấp quản lý nhà nước, NXB Công an nhân dân, 2011 và Phân cấp quản lý nhà nước ở Việt Nam thực trạng và triển vọng, NXB Công an nhân dân, 2011. Dự án với Hội Luật gia Hoa Kỳ (ABA) hướng đến việc tăng cường năng lực cho giới luật gia Việt Nam trong việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Sau khi tổ chức hội thảo, các tài liệu đã được tập hợp xuất bản thành cuốn sách: Bào chữa cho các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự. Để góp phần đóng góp xây dựng Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam, Dự án với Đại sứ quán Canada đã xuất bản được cuốn sách có tiêu đề: Tiếp cận thông tin: Pháp luật và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam. Ngoài ra còn có các dự án khác như : o Dự án liên kết đào tạo với Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp (AUF) trong chương trình đào tạo thạc sỹ Luật hợp tác quốc tế (các đối tác tham gia về phía Pháp là: Trường Đại học Toulouse, Đại học Lyon III, Đại học Bordeaux IV); o Chương trình đào tạo tiến sĩ Luật trong khuôn khổ Dự án Trung tâm đại học Pháp tại Hà Nội (các đối tác tham gia về phía Pháp là: Trường Đại học Toulouse I Capitole, Trường Đại học Jean Moulin Lyon III, Trường Đại học Bordeaux; o Dự án liên kết đào tạo Cử nhân Luật Việt - Nhật với sự hỗ trợ kinh phí giảng dạy các môn học về luật của Nhật Bản từ Tổ chức hợp tác quốc tế (JICA) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); o Dự án nghiên cứu nhân quyền thuộc Hợp phần 3 về Cải cách quản trị công thuộc chương trình cải cách hành chính và quản trị công do Chính phủ Đan Mạch tài trợ và Văn phòng Quốc Hội là đầu mối phối hợp phía Việt Nam; o Dự án “Nghiên cứu so sánh những kinh nghiệm về phân cấp quản lý nhà nước trên thế giới, đặc biệt là ở CHLB Đức và Việt Nam”, do Trường Đại học Luật đang thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Rosa Luxemburg (RLS) - Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ; 2. Về hoạt động hợp tác đào tạo a. Về đào tạo đại học: - Hợp tác với Tổ chức Đại học pháp ngữ (AUF) về đào tạo tăng cường tiếng Pháp cho sinh viên đại học. Chương trình này được thực hiện từ năm 1994 đến năm 2013. Trong thời gian này, AUF đã tài trợ cho Trường Đại học Luật trên 1000 đầu sách và hơn 200 tạp chí chuyên ngành. - Chương trình đào tạo Cử nhân luật Việt - Nhật trên cơ sở kết hợp với Văn phòng Jica của Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện từ năm 2004, đến nay, Khoa đã tuyển sinh được 5 khóa học với tổng số 78 sinh viên. b. Về đào tạo Sau đại học: - Chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Luật, ĐHQGHN với tổ chức Đại học pháp ngữ AUF và ba trường Đại học của Cộng hòa Pháp ( Đại học Toulouse 1 Capitole, Đại học Jean Moulin Lyon III và Bordeaux) đào tạo về chương trình thạc sĩ “ Luật hợp tác kinh tế và kinh doanh quốc tế” bằng tiếng Pháp. Mỗi năm chương trình tuyển sinh từ 15 đến 30 học viên. Học viên chương trình đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực và trên thế giới như: Lào, Căm-pu-chia, Pháp, Ý, Việt Nam, Congo…Đến nay đã có 243 học viên tốt nghiệp và được các trường đại học trên của Pháp cấp bằng. - Chương trình đào tạo Thạc sĩ pháp luật về quyền con người được thực hiện từ năm 2011 theo Thỏa thuận được ký ngày 16/12/2010 giữa Trung tâm nhân quyền NaUy, Trường Đại học Luật Đại học Oslo và Trường Đại học Luật, ĐHQGHN. Học viên theo học khóa đào tạo này được dự án tài trợ hoàn toàn học phí và giáo trình, tài liệu chuẩn quốc tế và thư viện riêng. Khóa học đầu tiên (2011 - 2013) đã tuyển sinh được 39 học viên. Khóa thứ hai (2012 - 2014) đã tuyển sinh được 40 học viên. 3. Về việc cử cán bộ, giảng viên đi công tác, đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài, cử sinh viên đi học ở nước ngoài Bên cạnh các hoạt động đào tạo liên kết giữa Trường Đại học Luật với các đối tác nước ngoài, Trường đã nỗ lực thúc đẩy nhiều hoạt động trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên và sinh viên, các hoạt động tham quan, khảo sát và nghiên cứu khoa học…, ví dụ như: - Chương trình hợp tác với Trường Đại học tổng hợp Libre – Bruxelles (Bỉ) và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp tại Hà Nội (APEFE) từ năm 1995 về trao đổi giảng viên và cấp học bổng cho giáo viên và sinh viên Việt Nam đi học tập và nghiên cứu tại Bỉ; - Chương trình hợp tác về trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên và sinh viên với Trường Đại học Luật và Khoa học chính trị, Đại học Quốc gia Lào từ năm 2010 đến nay; - Chương trình hợp tác với Viện nghiên cứu Sau đại học chuyên ngành Luật – Trường Đại học tổng hợp Inha, Hàn Quốc về hợp tác mở rộng giao lưu nghiên cứu và đào tạo từ năm 2007 đến nay; - Hợp tác với Tổ chức Fulbright về việc trao đổi học giả. Từ năm 2007 đến nay, Trường Đại học Luật đã cử 278 lượt cán bộ, sinh viên đi công tác, học tập, tham quan khảo sát, thực tập ở nước ngoài, 4. Đón tiếp giáo sư, chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi và tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài học tại Trường Đại học Luật Theo thỏa thuận của các chương trình hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo và trao đổi học thuật nói trên, trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, Trường Đại học Luật đã làm thủ tục xin visa nhập cảnh hơn 300 lượt giáo sư và chuyên gia nước ngoài đến thăm, làm việc, giảng dạy, tham dự hội thảo, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ, giáo viên và sinh viên của Khoa và hơn 270 lượt sinh viên từ nhiều nước như Căm-pu-chia, Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Camơrun, Trung Phi… tham gia học tập tại Trường. 5. Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học cũng đã được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác quốc tế tại Trường Đại học Luật trong thời gian qua. Chủ đề của các hội thảo bao trùm nhiều lĩnh vực pháp luật quốc gia và quốc tế, tạo diễn đàn hữu ích cho các giảng viên và sinh viên trong Trường, cũng như giới luật gia Việt Nam và nước ngoài. Trong các hoạt động thuộc Chương trình Việt Nam – Đan Mạch tổ chức 11 hội thảo về quyền con người. Trong các dự án hợp tác quốc tế khác, nhiều hội thảo, tọa đàm cũng đã được tổ chức. Dự án với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo về phân cấp quản lý nhà nước (Tam Đảo, Vĩnh Phúc, năm 2011). Trong Chương trình hợp tác với Đại học Inha (Hàn Quốc), đã tổ chức Hội thảo về Luật pháp về vận tải biển và Hiến pháp được tổ chức (Hà Nội, năm 2011). Chương trình hợp tác với FORUM-ASIA tổ chức Tập huấn về quyền con người cho sinh viên năm thứ 4 (10/2011). Trong Chương trình Hợp tác với Hội Luật gia Hoa Kỳ (ABA), Trường Đại học Luật tổ chức Tập huấn về bào chữa cho các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự (18 & 19/5/2011). 6. Đánh giá tác động, hiệu quả của hợp tác quốc tế - Các hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, giảng viên và khẳng định vị thế, vai trò, uy tín của Trường Đại học Luật trong nước và quốc tế. - Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, quan điểm, kiến nghị, giải pháp cho nhiều vấn đền liên quan đến hoàn thiện khuôn khổ pháp luật quốc gia, tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam. Chủ đề của các hội thảo đa dạng, liên quan nhiều lĩnh vực pháp luật quốc gia và quốc tế, tạo diễn đàn hữu ích cho các giảng viên và sinh viên trong Trường, cũng như giới luật gia Việt Nam và nước ngoài. - Trường Đại học Luật duy trì được những chương trình hợp tác liên kết đào tạo một cách bền vững và mang tính truyền thống. Trường có chương trình hợp tác đào tạo Luật bằng tiếng Pháp sớm nhất ở Việt Nam (đối với chương trình đào tạo đại học), và ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (đối với chương trình cao học) nên đã hình thành được những quan hệ hợp tác bền vững với nhiều Trường Đại học lớn trong cộng đồng pháp ngữ, các chương trình đào tạo có quan hệ tương hỗ với nhau: chương trình này sẽ cung cấp nguồn cho chương trình kia. - Các chương trình đào tạo thạc sỹ thu hút được nhiều học viên tham gia do tính cập nhật, hấp dẫn của chương trình đào tạo và chế độ đãi ngộ hợp lý. - Cơ sở vật chất phục vụ cho các chương trình đào tạo liên kết quốc tế đảm bảo chất lượng. Phòng học riêng biệt được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết tạo điều kiện học tập và nghiên cứu tốt cho học viên; thư viện riêng được xây dựng theo dự án đảm bảo số đầu sách, tạp chí, tài liệu cho người học. - Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế và trao đổi học thuật đã đem lại một số kết quả nhất định trong tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng trong đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và cơ sở dữ liệu.
|