Hội thảo “Cơ chế đảm bảo thực hiện quyền lập hội của công dân – Lý luận và thực tiễn”
Cập nhật lúc 15:06, 24/05/2016 (GMT+7)

Nhằm triển khai Thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với mong muốn tiếp thu được nhiều những ý kiến, đóng góp quý báu của các nhà khoa học góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội đang được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến. Ngày 24/5/2016, Khoa Luật, ĐHQGHN phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức Hội thảo “Cơ chế đảm bảo thực hiện quyền lập hội của công dân – Lý luận và thực tiễn”.

 

Tham dự Hội thảo, về phía Viện Nghiên cứu Lập pháp có PGS.TS. Đinh Xuân Thảo – Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp – Đồng chủ trì Hội thảo, PGS.TS. Vũ Hồng Anh – Trưởng Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp. Về phía Khoa Luật, ĐHQGHN có PGS.TS. Trịnh Quốc Toản – Q. Chủ nhiệm Khoa, GS.TS. Phạm Hồng Thái – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật – Đồng chủ trì Hội thảo Đến dự Hội thảo còn có GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế và các nhà nghiên cứu uy tín đến từ Khoa Luật, ĐHQGHN, Đại học Luật Hà Nội, Viện Nghiên cứu Lập pháp và các trường đại học, viện nghiên cứu...

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trịnh Quốc Toản – Q. Chủ nhiệm Khoa khẳng định Luật về Hội là một trong những đạo luật quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã lên kế hoạch xây dựng nhằm cụ thể hóa và thực thi các quyền hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Hiện tại, dự án Luật về Hội đang được các cơ quan, tổ chức tích cực nghiên cứu để cung cấp các ý kiến tư vấn cho Quốc Hội khóa XIV xem xét, thông qua đạo luật quan trọng này. PGS.TS. Trịnh Quốc Toản hi vọng, nội dung những trao đổi, tham luận của các nhà khoa học trong Hội thảo sẽ là tài liệu hữu ích cho các đại biểu Quốc Hội khóa mới tham khảo và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật về Hội trước khi được Quốc Hội thông qua.

 
 
 
 
 
 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 7 tham luận của các nhà khoa học đóng góp vào dự thảo Luật về Hội như:

Tham luận 1, Một số vấn đề về hội và quản lý nhà nước đối với hội ở nước ta hiện nay của PGS.TS. Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội Vụ

Tham luận 2, Một số ý kiến về chính sách quản lý hội trong Dự thảo Luật về Hội, nhìn từ phía tổ chức hội của TS. Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam – VUSTA.

Tham luận 3, Cơ chế quản lý hội trong Luật về Hội: Những bất cập và khuyến nghị của BS Đỗ Thị Vân – Giám đốc Trung tâm NGO-IC thuộc VUSTA

Tham luận 4, Nâng cao nhận thức về hội và một số kiến nghị về đổi mới cơ chế để phát triển hội của TS. Nguyễn Ngọc Lâm – Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi chính phủ, Bộ Nội Vụ

Tham luận 5, Luật về Hội và cơ chế bảo đảm quyền lập hội của công dân của PGS.TS. Bùi Xuân Đức – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Mặt trận thuộc MTTQ Việt Nam

Tham luận 6, Bảo đảm quyền lập hội của công dân thông qua Luật về Hội của GS.TS. Thái Vĩnh Thắng – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội

Tham luận 7, Bảo đảm quyền lập hội ở một số nước và kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam của PGS.TS. Chu Hồng Thanh – Nguyên Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục – Đào tạo.

 

Trao đổi tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Hồng Thái và PGS.TS. Đinh Xuân Thảo đã có những phản biện về các ý kiến trong tham luận của các nhà khoa học. Theo đó, GS.TS. Phạm Hồng Thái hi vọng thông qua các tham luận của các nhà nghiên cứu, Hội thảo sẽ đóng góp được một số ý kiến hoàn thiện hơn Dự thảo Luật về Hội trước khi trình lên Quốc Hội thông qua. Theo PGS.TS. Đinh Xuân Thảo, Luật về Hội là một trong các dự án luật dự kiến được Quốc Hội Khóa XIII cho ý kiến thông qua, tuy nhiên, vì một số lý do được lùi đến Quốc Hội Khóa XIV. Để giúp cơ quan chủ trì thẩm tra Dự thảo Luật về Hội, Hội thảo tập trung vào vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ chế bảo đảm thực hiện quyền công dân theo Hiến pháp 2013. Vì vậy, ý kiến của các nhà khoa học là cơ sở thực tiễn để giúp các Đại biểu Quốc hội tham khảo trước khi thông qua Dự thảo Luật.

Thu Thủy
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Bản quyền © bởi Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà E1, 144 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081